Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Quản lý giao thông đường bộ bằng trạm thu phí điện tử
Việt Nam hiện có 54 trạm thu phí giao thông đường bộ và có tới 45 trạm vẫn áp dụng hình thức thu phí thủ công trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển sang các hình thức thu phí điện tử.
Nhìn chung, các nước có hoạt động thu phí đường bộ cũng phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong việc phát triển công nghệ thu phí, đi từ thủ công đến hiện đại: từ biên lai giấy in sẵn > biên lai giấy in trực tiếp > thẻ trừ tiền dần từ tính (rãnh tiếp xúc) > thẻ trừ tiền dần Smart Card (mặt tiếp xúc) > thẻ trừ tiền dần DSRC (vùng tiếp xúc). Nhưng tất cả các nước đều áp dụng quy trình thu từ "một dừng" đến "không dừng".
Chuyên gia đang trình diễn công nghệ thu phí mới. (ảnh: HY). |
Hầu hết các quốc gia cũng đã xác định việc thu phí trên các tuyến đường là một giải pháp nhằm tạo nguồn kinh phí để xây dựng các tuyến đường mới; bảo trì các tuyến đường đã xây dựng; hoàn trả các khoản vay. Việc phát triển mạng đường bộ đòi hỏi công nghệ thu phí phải phát triển theo hướng tiên tiến hơn.
Theo khảo sát của Tạp chí chuyên ngành giao thông thông minh ITS, ở các nước châu Âu, châu Mỹ, việc thanh toán phí qua cầu bằng thẻ tín dụng, qua các máy thu phí đồng xu, thanh toán điện tử bằng thẻ Smartcard là phổ biến. Tại Mỹ, hầu hết các tuyến đường thu phí đều sử dụng công nghệ thu phí tiền xu. Với vé từ, hiện tại châu Âu và Mỹ ưu tiên dùng loại vé từ trên các tuyến xa lộ...
Tuy nhiên, tất cả những hình thức bán vé này, ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung hầu như rất ít được sử dụng. Nếu có chăng như với hình thức thanh toán điện tử, một vài nước châu Á sử dụng nhưng thường kết hợp với hệ thống thẻ radio.
Thực trạng ở Việt Nam
Mạng lưới trạm thu phí giao thông của Việt Nam bao gồm 54 trạm trên 26 tuyến quốc lộ. Phần lớn số trạm vẫn áp dụng phương pháp thu phí thủ công, nhiều trạm còn sử dụng thiết bị barie điện, đèn tín hiệu giao thông và một số trạm có camera giám sát thông thường. Chỉ có 9/54 trạm sử dụng phương pháp thu phí bán tự động, chủ yếu ở khâu kiểm soát với quy trình thu hai dừng: một dừng mua vé và một dừng soát vé.
Công nghệ bán tự động được sử dụng ở các thiết bị nhận dạng xe (đặt trước hoặc sau điểm soát vé); thiết bị soát vé từ/giấy in/thẻ Smart Card; thiết bị mạng máy tính; thiết bị camera giám sát (có tại một số trạm) và một số trạm cũng đã sử dụng thiết bị barrie điện bán tự động cùng đèn tín hiệu giao thông...
Theo đánh giá của các chuyên gia CNTT, với hạ tầng cơ sở nêu trên, việc thu phí hiện tại đa số được thực hiện bằng phương pháp thủ công (bán vé giấy và xé vé khi qua trạm), quy trình thu rườm rà, chưa thuận tiện, sử dụng nhiều nhân lực. Những hình thức trên thực tế cho thấy không đảm bảo an toàn giao thông, tồn tại nhiều kẽ hở phát sinh tiêu cực. Những trạm thu phí dù đã được trang bị hệ thống thu phí tự động nhưng hoạt động còn mang tính chất độc lập, đơn lẻ, chưa đáp ứng khả năng chia sẻ thông tin quản lý và thống kê.
Tình hình thực tế nói trên đòi hỏi cần hiện đại hoá mạng lưới trạm thu phí Quốc lộ với mục đích tạo thuận lợi tối đa cho phương tiện qua lại, đồng thời tận thu cho Ngân sách nhà nước, chống phát sinh tiêu cực. Các mục tiêu cụ thể của Nhà nước trong việc hiện đại hóa mạng lưới trạm thu phí là trước tiên sẽ thiết lập một hệ thống thu phí hiện đại với quy trình thu phí đơn giản, hiện quả, thống nhất.
Nhà nước sẽ đồng bộ hóa, tiêu chuẩn hóa trang thiết bị trên toàn mạng nhằm cho phép thực hiện tốt nhất việc thanh toán liên mạng. Cùng với đó sẽ đáp ứng các hình thức phí lượt, phí kỳ, phí trả trước và cả loại phí đi toàn quốc. Đặc biệt, việc hiện đại hóa còn nhằm đảm bảo an toàn giao thông ở mức tối đa và không gây ùn tắc tại khu vực trạm thu phí; tình trạng công nhân làm việc trên mặt đường sẽ không còn, tăng cường hiệu quả công tác giám sát chống tiêu cực. Tất cả những hoạt động trên sẽ phải phù hợp với điều kiện Việt Nam nhất là công nghệ và giá thành.
Thu phí điện tử: hướng phát triển tất yếu!
Tại hội thảo “Công nghệ thu phí - Giải pháp thu phí liên trạm” do Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức sáng 27/05 tại Hà Nội, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) và Công ty Netfective Technology, một trong những nhà cung cấp giải pháp hệ thống thu phí hàng đầu của Pháp đã đề xuất một giải pháp hệ thống thu phí liên trạm ứng dụng công nghệ hiện đại.
Trong hệ thống này, VDC trình bày đề xuất cung cấp một cơ sở hạ tầng mạng và truyền thông bảo đảm tính mở, tính bảo mật và ổn định cao, liên kết các trạm thu phí trên toàn quốc và tương tác giữa các đầu mối khác như Cục đường bộ Việt Nam, kho bạc, ngân hàng… Ngoài ra hệ thống còn cho phép tái sử dụng mà không cần thay đổi nhiều cấu trúc hệ thống trên các trạm đã lắp thiết bị thu phí hiện có.
Giải pháp thu phí giao thông liên trạm được phát triển theo định hướng "Thu phí điện tử". Các phương tiện giao thông vẫn sử dụng vé giấy để làm hóa đơn thanh toán. Việc kiểm soát vé tại trạm tùy theo loại vé mà sử dụng thẻ Smartcard hay thẻ Radio để kiểm tra. Với giải pháp sử dụng vé Smartcard và vé Radio, tất cả các thông tin được mã trực tiếp lên thẻ như loại xe, loại vé, số tiền... đáp ứng được yêu cầu cần có của trạm thu phí hiện đại. Khi cần thanh toán liên trạm (mua vé ở trạm này nhưng sử dụng để đi qua trạm khác) không cần thiết phải kết nối dữ liệu giữa các trạm lại với nhau, tất cả các thông tin trên thẻ sẽ được chương trình kiểm tra thông qua máy đọc, nếu hợp lệ chương trình sẽ chấp nhận cho xe qua.
Tiến sỹ Phạm Anh Chiến, Trưởng phòng tích hợp và phát triển hệ thống của VDC, cho biết, hệ thống thu phí liên trạm kết nối Trung tâm và các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra một môi trường trao đổi thông tin thống nhất cho cả những người tham gia giao thông cũng như các nhà quản lý, cơ quan thuế, ngân hàng... Dự kiến, sau 3 năm kể từ ngày triển khai dự án thu phí, VDC sẽ nội địa hóa được tới 70-80% công nghệ thu phí này.