Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Ông Nghệ Khai Trí trúng thầu "kiểu tây"
Tại Hội thảo Kiên Giang 2004, ông Phạm Thiện Nghệ đã thông báo một tin vui: Công ty Khai Trí vừa trúng thầu cung cấp máy tính và giải pháp mạng quản lý y tế cho ba tỉnh Thái Bình, Bình Thuận và An Giang theo một chương trình do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Tổng trị giá hợp đồng lên đến gần 500.000 USD, và Công ty Khai Trí trúng thầu nhưng không nhờ quen biết, không phải “đi đêm” vận động và cũng không cần phải lo “đền ơn đáp nghĩa” sau khi trúng thầu… Điều đó khiến ông Nghệ vui và cứ tủm tỉm cười mãi.
Ta…”làm khó” ta!
Công ty cổ phần thương mại công nghệ Khai Trí đã có gần 12 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và chuyên lắp ráp, sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam Wiscom. Năm 2003, Khai Trí đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000. Vào tháng 9/2003, Công ty Khai Trí tìm trên mạng Internet và biết có một hồ sơ gọi thầu cung cấp giải pháp và máy tính dùng trong quản lý y tế cho ba tỉnh Thái Bình, Bình Thuận và An Giang. Gói thầu này từ một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho Việt Nam.
Ông Nghệ, chủ tịch Hội đồng quản trị và là tổng giám đốc Công ty, kể: "Khác với cách làm của ta thường buộc đơn vị tham gia đấu thầu phải mua hồ sơ đấu thầu, hồ sơ gọi thầu này đã có sẵn trên mạng và công ty chỉ việc download về để làm hồ sơ tham gia đấu thầu. Ngoài những điều kiện thông thường trong đấu thầu như mọi cuộc thầu khác, dự án của EU bắt buộc đơn vị tham gia đấu thầu phải chứng minh được tính chuyên nghiệp, năng lực, hợp pháp và trong sạch (thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, Luật Lao động, không bị vướng vào các vụ tranh chấp, kiện tụng)...".
Ông Phạm Thiện Nghệ cho rằng Công ty Khai Trí hoàn toàn đáp ứng với các yêu cầu trong Dự án nói trên của EU. Nhưng “cái khó” lại đến từ các cơ quan quản lý nhà nước của ta. Chẳng hạn, Công ty Khai Trí có 40 công nhân viên và đều có ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Thế nhưng, khi yêu cầu cơ quan chức năng xác nhận Công ty đã thực hiện đúng các quy định hiện hành về hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội thì các cán bộ ở những cơ quan liên quan đã từ chối xác nhận. Lý do được nêu ra là "không có văn bản nào của Nhà nước quy định ký tên, đóng dấu xác nhận việc này". Tương tự, các cơ quan thuế vụ, tòa án cũng không dám xác nhận cho Công ty là đã “không thiếu thuế”, cũng như không vướng vào các vụ tranh chấp, kiện tụng… mặc dù, theo ông Nghệ, đây là một sự thật hiển nhiên do Công ty đã chấp hành tốt luật pháp trong suốt quá trình hoạt động của mình. Điều buồn cười là, ông Nghệ nói, những công chức làm việc với Công ty về vấn đề xác nhận lại rất tự hào vì: ”Chúng tôi không chứng xác nhận do không có quy định của Nhà nước về việc này”. Ông Nghệ cũng thừa nhận không thể trách họ do chưa có những quy định của Nhà nước buộc họ phải chứng thực, xác nhận những công việc nói trên.
Túng thế, Công ty Khai Trí bèn photocopy cả xấp toàn bộ bảng quyết toán thuế, bảng lương, thanh lý hợp đồng kinh tế và đem đi công chứng. Sau đó, đem nộp tại Văn phòng EU ở Giảng Võ, Hà Nội và đều được họ chấp nhận. Ngày 30/3/2004, trúng vào ngày chủ nhật, họ vẫn làm việc bình thường để xét thầu và công bố đơn vị trúng thầu. Sau khi trúng thầu, Văn phòng EU yêu cầu Công ty Khai Trí nộp 10% giá trị hợp đồng (gọi là bảo lãnh hợp đồng). Về phía mình, Văn phòng EU cũng chuyển 60% giá trị hợp đồng vào tài khoản của hợp đồng này nhưng không cho Công ty Khai Trí rút ra. Mục đích của việc làm này là nhằm khẳng định người gọi thầu hoàn toàn có khả năng chi trả cho đơn vị trúng thầu khi hợp đồng hoàn tất. Ông Nghệ cho biết: Ở Việt Nam, không ít trường hợp sau khi đơn vị trúng thầu đã hoàn tất công trình nhưng vẫn không được thanh toán do… chưa có kinh phí! Sau khi đã giao hết số lượng máy tính và lắp đặt xong công trình theo như gói thầu yêu cầu, công ty đã được cho rút ngay 60% giá trị hợp đồng. Tiếp đó, khi nghiệm thu công trình hoàn tất đúng như yêu cầu hợp đồng, Công ty lại được rút ngay 40% giá trị hợp đồng còn lại.
Làm việc… kiểu Tây!
Không phải không có những khó khăn phát sinh khi thực hiện hợp đồng. Ví dụ, gói thầu này của EU tuy được đấu thầu quốc tế rộng rãi, mọi nhà thầu với mọi quốc tịch đều được dự thầu nhưng hàng hóa cung cấp cho gói thầu phải có xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam. Riêng máy in laser có thể có xuất xứ tại 14 quốc gia ở khu vực châu Á (trong đó, có Trung Quốc và Thái Lan).
Khi đấu thầu, Công ty Khai Trí đề nghị cung cấp máy in OKI-B4200 (xuất xứ từ Thái Lan) nhưng đến khi giao hàng, loại máy in này đã ngưng sản xuất. Công ty Khai Trí bèn đề nghị với chủ thầu được cung cấp máy in OKI-B4250 (xuất xứ từ Trung Quốc) với giá vẫn bằng loại trên nhưng có tính năng cao hơn. Văn phòng EU vẫn chấp nhận một cách dễ dàng. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Nghệ nói, nếu ở ta, gặp phải trường hợp như trên sẽ bị bắt bẻ và làm khó dễ ngay!
Một trường hợp khác: Đối với thiết bị nhập, Văn phòng EU đòi phải có chứng từ gốc. Do Khai Trí đã nộp các bộ chứng từ gốc ở Ngân hàng và Hải quan nên phải xuất trình cho Văn phòng EU các bản phụ lục sao lưu của bộ chứng từ gốc nói trên, cùng với bản photocopy của bộ chứng từ gốc. Trường hợp này, họ chỉ cần đối chiếu bản phụ lục sao lưu cùng với bản photocopy. Thấy đúng, nhân viên Văn phòng EU chỉ cần ghi vào mặt sau bản photocopy là đã đối chiếu và ký tên vào đó. Thế là xong, không hạch hỏi, không bắt đem đi… công chứng!