Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Giảm cước thuê kênh, doanh nghiệp mới vẫn khó
Mức giảm cước thuê kênh mới của VNPT được giới chuyên môn đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các ISP và IXP lại tỏ ra không mấy hào hứng. Họ cho rằng, giảm giá bán buôn chỉ là cách để dọn đường đại hạ giá bán lẻ, một "kịch bản" cũ vẫn được diễn lại bấy lâu nay.
Trao đổi với VnExpress, nhiều doanh nghiệp cho rằng, từ trước đến nay, tất cả các động thái giảm cước VNPT đều rất mập mờ. Chẳng hạn, vào thời điểm kênh tốc độ thấp đắt hàng còn kênh tốc độ cao chưa ai dám thuê thì họ giảm mạnh cước phí với khoản thuê thứ hai. Ngược lại, khi nhu cầu sử dụng các kênh có tốc độ thấp giảm đi và các doanh nghiệp chuyển hết sang thuê kênh tốc độ cao, cự ly xa thì "ông lớn" lại chọn cách giảm mạnh cước thuê kênh tốc độ thấp, còn loại thứ 2 lại giảm hầu như không đáng kể.
IXP: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet. ISP: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet. OSP: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (OSP bưu chính, OSP viễn thông). |
Lãnh đạo một doanh nghiệp dẫn chứng, cùng thời điểm này năm ngoái, VNPT cũng có đợt giảm mạnh cước thuê kênh. Tuy nhiên, giảm giá trên 30% chỉ áp dụng cho các kênh tốc độ thấp như 2 Mbps, còn đối với kênh tốc độ cao như 34 Mbps, 45 Mbps thì mức giảm cước đều 8%. Hiện Công ty FPT đang thuê kênh tốc độ 45 Mbps và 155 Mbps. Còn Công ty Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) thì thuê kênh tốc độ 45 Mbps và 64 Mbps.
"Đợt điều chỉnh cước thuê kênh lần này của VNPT nghe qua có vẻ khác, song vẫn là hình thức bình mới rượu cũ và vô hình chung một mũi tên vẫn trúng được 2 đích", ông này nhận xét. Theo ông, hiện nay, ngoài VNPT còn có Viettel và VP Telecom cùng tham gia kinh doanh đường trục. Với phương án cước thuê mới của VNPT, hai doanh nghiệp này khó tránh được động thái tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Trung tâm truyền dẫn Viettel cho VnExpress biết, VNPT giảm mạnh cước thuê kênh thì Viettel cũng sẽ tính đến việc điều chỉnh ở mức thấp hơn hoặc tương đương nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. "Chúng tôi không có ý định chạy đua về giá, song là doanh nghiệp mới và chỉ chiếm 15% thị phần, để cạnh tranh được chúng tôi không có cách nào khác", ông Nam nói.
Theo tiết lộ của một quan chức của VP Telecom, phương án giảm cước thuê kênh sẽ được lãnh đạo công ty ấn định ngay trong tuần tới.
Một điểm khiến nhiều ISP phải suy nghĩ là đi đôi với việc giảm mạnh cước thuê kênh tốc độ cao, cự ly xa, VNPT còn cho phép Công ty Điện toán truyền số liệu (VDC) đại hạ giá cước dịch vụ Internet. Với mức giảm này, cả đầu ra lẫn đầu vào VNPT vẫn là người cầm trịch và các doanh nghiệp khác khó lòng mà cạnh tranh được.
"Vẫn là vở kịch cũ, vẫn là chiêu bài giảm giá bán buôn và giảm mạnh giá bán lẻ của VNPT. Các ISP vừa mừng vì đầu vào giảm chưa lâu thì nỗi lo cạnh tranh khi giá đầu ra hạ xuống hết mức lại đẩy họ vào thế bế tắc", Giám đốc Công ty Netnam Trần Bá Thái nhận xét.
VNPT giảm cước thuê kênh với mức giảm trung bình 30-35% trong khi cước dịch vụ Internet của họ lại giảm ở mức tối đa 46%. Ông Thái nói: "Kịch bản này, VNPT đã diễn đi diễn lại nhiều lần, các doanh nghiệp cũng không lấy gì làm bất ngờ. Bởi nói gì thì nói, với lợi thế hơn người, VNPT vẫn một mình một cửa, các doanh nghiệp khác khó mà ngóc đầu lên trong khi để cạnh tranh họ vẫn phải tính đến việc giảm cước.
Hiện tiền thuê kênh vẫn chiếm tới 80% chi phí đầu vào của Netnam khiến doanh nghiệp này phải xoay sở đủ mọi nghề để duy trì các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để níu chân các khách hàng truyền thống của mình, tới đây, công ty cũng phải tính đến việc điều chỉnh giá thành của một số dịch vụ.
Cước thuê kênh hiện cũng chiếm tới 70-75% giá thành dịch vụ Internet của Saigon Postel. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Cúc nói: "Với những khoản chi phí cao như vậy, chúng tôi khó mà nói đến việc giảm giá cho một số dịch vụ. Trong khi đó, để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp phải cam kết nâng cấp đường truyền để có chất lượng tốt hơn". Bà Cúc cho biết, ngay sau khi nhận được phương án cước mới, lãnh đạo công ty đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm cân đối lại giá thành các dịch vụ. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ các dịch vụ không nhiều và chưa có khả năng tích lũy đầu tư nên tận sáng nay, phương án giảm giá vẫn chưa được ấn định.
Theo giới chuyên môn, hiện nay 2 doanh nghiệp (VNPT, FPT) chiếm hơn 90% thị phần cung cấp dịch vụ Internet, 4 doanh nghiệp khác (Saigon Postel, Netnam, OCI, Viettel) chiếm chưa tới 10% thị phần, 9 doanh nghiệp khác mặc dù đã được cấp phép nhưng không thể triển khai cung cấp dịch vụ này. Do vậy, thời gian tới thị trường Internet VN vẫn chưa có biến động gì nhiều. Riêng mảng thị trường cho thuê đường trục, bên cạnh VNPT còn có 2 doanh nghiệp khác là Viettel và VP Telecom, nên xu hướng chạy đua giảm cước thuê kênh giữa các doanh nghiệp này là có thể xảy ra.