Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
FPT châm ngòi cho cuộc chiến giá cước Internet Phone mới
Công ty Truyền thông FPT vừa quyết định ngày mai bắt đầu tung ra một loại thẻ Avoiz Internet Phone giá cực rẻ với 3 mệnh giá 99.000, 199.000 và 299.000 đồng. Đây được coi động thái tiếp theo của FPT trước sức ép cạnh tranh của thẻ Internet Phone lậu.
FPT cho rằng, nguyên nhân khiến cho các loại thẻ lậu vẫn tung hoành trên thị trường là do vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa mức cước của các loại thẻ chính thống và thẻ lậu. "Do vậy, việc giảm giá cước hiện nay được coi là biện pháp khả thi nhất khi các doanh nghiệp khác chưa đưa ra một chính sách mới để chống lại thẻ lậu", một đại diện của FPT nói.
Theo phương án mới FPT áp dụng từ ngày mai, giá cước gọi quốc tế bằng thẻ Avoiz đến 20 nước thông dụng sẽ thấp hơn mức giá thấp nhất của thẻ Internet Phone lậu. Vì khi khách hàng đi Mỹ hiện nay, họ phải trả cho VDC 760 đồng/phút, SPT 700 đồng/phút, OCI 650 đồng/phút. Nhưng tính thêm cước điện thoại nội hạt, cước truy nhập Internet, thuế VAT, mức cước trên vẫn gần gấp đôi gọi bằng thẻ lậu. Như vậy, cước mới cho thẻ Avoiz của FPT mức thấp nhất sẽ 330 đồng/phút, cao nhất là 700 đồng/phút (giá hiện nay là 1.400 đồng/phút). (Xem bảng dưới đây)
Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC, cho rằng, thẻ lậu lâu nay luôn làm đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, việc giảm giá cước chỉ có thể khuyến khích nhu cầu sử dụng của khách hàng chứ không thể chống được thẻ lậu. "Các doanh nghiệp cần coi đây là nhiệm vụ chung và cần có một giải pháp đồng bộ chứ không thể cứ giảm giá là có thể chống được thẻ lậu", ông Liên nói. Nếu tiếp tục giảm giá, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận lỗ, vì mức giá giữa thẻ lậu và thẻ chính hãng hiện nay là tương đương nhau.
"Nếu doanh nghiệp giảm giá thì giới kinh doanh thẻ lậu cũng giảm theo, như vậy, cuộc đua này sẽ không bao giờ mới chấm dứt", ông Liên nói. Vì thế, Nhà nước cần phải có chính sách chống thất thu thuế mới có thể chống lại thẻ lậu được.
Công ty Netnam dù chỉ chiếm chưa đầy 10% thị phần nhưng cũng bắt đầu đứng ngồi không yên trước hai đại gia lớn gồng mình chống lại thẻ lậu. Ông Trần Bá Thái, Giám đốc Netnam bức xúc: "Chúng tôi đã tạm ngừng in thẻ điện thoại Internet vì thị trường không ổn định, giá đã giảm quá thấp". Nếu tiếp tục giảm giá theo các doanh nghiệp khác, công ty sẽ không thể sống nổi. Do vậy, chủ trương của Netnam là tiếp tục lắng nghe thị trường, nhất là hai đại gia là FPT và VDC xem cách thức họ chống lại thẻ lậu bằng cách giảm giá cước liệu có thực sự hiệu quả. "Nếu doanh nghiệp lớn mà không chống nổi thẻ lậu thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi làm gì đủ sức", ông Thái nói.
Theo ông Thái, mức giá của thẻ lậu đã cực thấp bởi không phải chịu bất kỳ loại thuế nào, chất lượng thấp lại không phải hỗ trợ khách hàng... vậy mà có công ty tại Việt Nam hiện đang cung cấp dịch vụ với giá còn thấp hơn thẻ lậu thì tôi không hiểu họ có lời bằng cách nào?
Còn đại diện của Công ty Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) thì khẳng định: "Chúng tôi không thể giảm giá hơn được nữa". Vì theo ông, kiểu gì thì thẻ lậu vẫn có lợi thế 10% về thuế, chưa kể họ không phải đóng thêm 28% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, nếu tiếp tục hạ giá thì rất khó kinh doanh.
Bức xúc trước sự tấn công ồ ạt của thẻ lậu, mới đây, Công ty cổ phần Viễn thông - tin học - điện tử (Kasati), trụ sở ở TP HCM, cũng có văn bản đề nghị Bộ Bưu chính viễn thông (MPT) cho phép khai thác dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (OSP).
Ông Phạm Đắc Nghiêm, Giám giám đốc Kasati, cho biết, nếu được MPT chấp thuận, công ty sẽ tung ra thị trường một loại thiết bị có thể giúp những người không có máy tính kết nối Internet, đặc biệt là những đối tượng sinh sống ở vùng sâu vẫn có thể gọi điện thoại Internet giá rẻ. Nếu được bộ chấp nhận, Kasati dự kiến không thu các loại cước cài đặt, cước thuê bao, cước các dịch vụ cộng thêm. Cước cuộc gọi quốc tế (chiều từ VN gọi đến thuê bao điện thoại các nước) trung bình sẽ khoảng 400-450 đồng/phút (đã bao gồm VAT tùy theo nước gọi đến). Riêng cước cuộc gọi trong nước và quốc tế (máy tính gọi đến máy tính) sẽ miễn phí. Theo ông Nghiêm, với mức cước rẻ này, dịch vụ của Kasati hoàn toàn có thể cùng các doanh nghiệp khác chống lại sự tấn công của thị trường.
Theo các chuyên gia viễn thông, việc buôn lậu các loại thẻ Internet Phone khá đơn giản. Các đầu nậu chỉ cần lên mạng đặt hàng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài sẽ gửi danh sách mật khẩu của từng thẻ cho các đầu nậu. Có danh sách này, họ chỉ việc in lên các phôi thẻ cào có sẵn rồi đem bán ra thị trường với lợi nhuận rất hấp dẫn, vì không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào trong khi các chi phí kinh doanh hầu như không đáng kể.
"Trong khi đó các nhà kinh doanh trong nước vừa phải chịu thuế, vừa phải tuân theo quy định của Bộ Bưu chính Viễn thông về cơ sở hạ tầng. Do vậy, nếu các doanh nghiệp chỉ chạy đua giảm cước để tuyên chiến với thẻ lậu về lâu dài phần thắng sẽ vẫn nghiêng về thẻ lậu", một chuyên gia viễn thông nói.
Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, dịch vụ Internet Phone lậu đang hoành hành dữ dội, nhà nước đang thất thu to, còn doanh nghiệp trong nước thì chết dở sống dở. Trước đó, Bộ Bưu chính Viễn thông và các cơ quan quản lý thị trường... đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi thẻ lậu, bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Nhưng đến nay, thị trường này vẫn tự do buôn lậu khiến các doanh nghiệp trong nước chao đảo theo. "Do vây, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa nếu phát hiện tổ chức nào kinh doanh Internet Phone lậu thì xử phạt thật nặng để làm gương”, ông Liên nói.
Giá cước gọi đến các nước thông dụng nhất của các thẻ chính thống
|
Giá một số loại thẻ lậu chính trên thị trường
|