Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Chính phủ điện tử Việt Nam chưa thể phát triển nhanh
“Gần đây, nhiều người nói tới chính phủ điện tử và kinh nghiệm của các nước. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng người ta không thể điện tử hóa một thứ còn chưa thành hình”, ông Nguyễn Sỹ Công, thành viên Ban điều hành Đề án 112, phát biểu tại hội thảo “Thành phố điện tử” do Hội Tin học VN tổ chức hôm qua, tại Hà Nội. Theo ông Công, chính phủ một số nước châu Âu đã xuất hiện 200 năm nay. Một số nước khác có khối tư nhân phát triển và gánh bớt các dịch vụ cho chính phủ. Điều này khiến việc áp dụng CNTT khá thuận lợi. “Ở Việt Nam, nền hành chính công còn non trẻ và lại kế thừa mô hình Xô Viết cũ. Điều đó khiến khối lượng công việc hành chính của Nhà nước rất lớn. Xây dựng chính phủ điện tử là một bài toán phức tạp hơn nhiều", ông Công giải thích. Về mặt vĩ mô, sự thiếu vắng khung pháp lý đã tạo không ít khó khăn cho các địa phương. “Hiện chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư viễn thông nên chúng tôi vẫn phải mò mẫm kiểu thầy bói xem voi”, ông Hoàng Lê Minh, Phó giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, than phiền về tình trạng thiếu định hướng chung trong phát triển chính phủ điện tử. Khó khăn thứ hai là vấn đề sử dụng không hiệu quả thiết bị phần cứng trong bộ máy Nhà nước. “Ở một số địa phương, chính quyền dùng ngân sách để mua hệ thống máy tính trị giá hàng tỷ đồng. Chúng mạnh tương đương hệ máy của Lầu Năm Góc dùng trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Đáng buồn là phần mềm ứng dụng cài trên đó hầu như chẳng có gì”, ông Công cho biết. Đào tạo nhân lực cũng là một bài toán phức tạp với nhiều địa phương. Ông Công dẫn một thống kê sơ bộ cho thấy số máy tính trên cả nước hiện nhiều hơn cả số người thành thạo ứng dụng CNTT. Tình trạng cát cứ thông tin cũng là một trở ngại lớn trên con đường phát triển. “Hiện ở Việt Nam, các đơn vị hầu như không có trao đổi thông tin theo chiều ngang. Mọi người đều muốn giữ chặt những bí quyết mà mình có, trong khi đó bản chất CNTT là sự nhân rộng tri thức thông qua các phương tiện hiện đại”, ông Minh bức xúc. Các đại biểu tại hội thảo cũng chia sẻ những giải pháp đúc rút từ thực tế. “Điều quan trọng là CNTT phải cung cấp cái các ngành cần chứ không phải cái mà CNTT có”, ông Vũ Đình Khang, Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến. Trong giai đoạn đầu tin học hóa quản lý nhà nước năm 1996-1998, Hải Phòng đã không ít lần thất bại khi cung cấp giải pháp ứng dụng cho các đơn vị trực thuộc. “Đó đều là những giải pháp rất hay. Tuy nhiên, chúng tôi đã quên mất trình độ của các đơn vị là không tương đương. Và chỉ một vài trong số họ có thể sử dụng những ứng dụng này”. Chia sẻ quan điểm trên, ông Công cho biết các công ty tin học ở Việt Nam có "tật xấu" là chỉ ngồi ở các trung tâm như Hà Nội hay TP HCM để vẽ ra giải pháp cho các tỉnh: “Khi họ mang các giải pháp này xuống địa phương, tình hình thực tế hóa ra khác hẳn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải trao đổi với các doanh nghiệp để họ hiểu điều này", ông nói. Liên quan tới giáo dục cho công chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ, TP HCM - một trong những đơn vị đi đầu trong CNTT -cho biết năm nay, họ đã dành khoảng 10 tỷ đồng cho việc này. Lãnh đạo các sở, ngành đều phải đi học 32 tiết. 50 cán bộ quản trị mạng được đào tạo theo chương trình của Cisco. Nhiều đại biểu cũng nhất trí rằng các công ty cung cấp phần cứng phải đồng thời tổ chức những khóa đào tạo đi kèm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là tình trạng tái mù tin học đang diễn ra rất phổ biến. “Trong CNTT, do tốc độ phát triển quá nhanh nên bằng cấp hầu như chẳng nói lên điều gì. Do vậy, phải liên tục cập nhật giáo dục và đưa trình độ CNTT trở thành một tiêu chuẩn khi đề bạt”, ông Khang đề xuất. Hội thảo cũng ghi nhận một số sáng kiến của các thành phố. Hải Phòng giới thiệu hệ thống hộp thư công dân, hộp thư riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho phép người dân góp ý trực tiếp với chính quyền. TP HCM đưa ra thí điểm mô hình thủ tục hành chính điện tử một cửa một dấu. Còn Huế thì thu hút sự chú ý của mọi người với ý tưởng e-Festival.