Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Xuất khẩu lao động CNTT: Đông Nam Á giật phần của Ấn?
Công ty Tư vấn Công nghệ Thông tin (CNTT) Gartner cảnh báo: Ấn Độ có thể sẽ bị vuột mất 45% thị phần xuất khẩu lao động CNTT cho một số công ty đang nổi lên tại Đông Nam Á và Trung Âu, do thiếu kế hoạch dài hạn nhằm duy trì vị trí thống trị hiện thời của mình. Nguồn thu nhập của các công ty xuất khẩu lao động của Ấn Độ đang vấp phải khó khăn trong những năm gần đây.Các công ty này cung cấp các dịch vụ lao động cho các trung tâm gọi, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán thẻ tín dụng. Nguyên nhân nào? Chính phủ và ngành công nghiệp CNTT đã tin tưởng một cách mù quáng rằng ngành này có thể tăng trưởng mạnh nhờ phát triển phần mềm và các hoạt động CNTT chủ đạo khác mà không cần có một kế hoạch cụ thể nào. Các công ty của Mỹ và một số công ty khác đã nhắm tới Ấn Độ do phần lớn lực lượng lao động đều nói tiếng Anh và chi phí nhân công thấp hơn nhiều so với phương Tây. Tuy nhiên, Ấn Độ không nhận thức được rằng lực lượng lao động của họ thiếu các kỹ năng cần thiết về CNTT. Không giống như các quốc gia đang nổi lên như Thái Lan, Malaysia, Fiji, Mauritius, Cộng hoà Czech, Ba Lan và Nam Phi, Ấn Độ đã bỏ qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm đào tạo công nhân cho ngành công nghiệp CNTT. Ấn Độ thuận lợi bởi 'cùng chí hướng' với các khách hàng nước ngoài về các dịch vụ CNTT chủ đạo, song cần phải thiết lập kế hoạch dài hạn nhằm duy trì vị trí thống trị của mình. Ngoài ra, ngành công nghiệp của Ấn Độ đã quá chủ quan khi chỉ tập trung vào nguồn nhân lực tiếng Anh mà không quan tâm đến các thị trường mới bằng cách đào tạo các ngôn ngữ khác. 'Hiện nay, rất nhiều quốc gia có sinh viên tốt nghiệp có thể nói tiếng Anh. Thời điểm này, có rất nhiều cơ hội để phát triển. Bạn không thể nào thoái thác rằng chúng tôi không thể làm việc được ở một nước khác bởi chúng tôi không biết tiếng. Các công ty ở Pháp và Đức cũng đang cần cắt giảm chi phí như các công ty ở Mỹ.' - ông Chohan giải thích. Giải pháp nào để giữ vững thị phần? 'Philippines đã và đang xây dựng cho mình một đường lối mang tính chiến lược nhằm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Còn Ấn Độ thì sao? Họ cũng cần một chiến lược tương tự.' - ông Chohan nói. Chính phủ Ấn Độ cần đảm bảo rằng các trường trung học và cao đẳng đều có chương trình đạo tạo các kỹ năng để học sinh, sinh viên hội đủ tiêu chuẩn tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. New Delhi cần phải ngồi đàm phán với các nhà lãnh đạo xuất khẩu lao động nhằm xác định rõ những kỹ năng cần thiết cho ngành công nghiệp này và thiết kế các chương trình giảng dạy cụ thể. Ở đây có thể là những kỹ năng ngôn ngữ hoặc bất cứ kỹ năng nào mà ngành công nghiệp cần. Chính phủ Ấn Độ cũng cần có một chiến lược và đường lối rõ ràng cho ngành này. Ông Chohan cho biết các dịch vụ CNTT của Ấn Độ vẫn phát triển do một vài quốc gia mới nổi lên cũng có các sinh viên được đào tạo tại các trường kỹ thuật của Ấn Độ.
Chohan khẳng định: 'Không một quốc gia đơn lẻ nào cạnh tranh được với Ấn Độ, song sẽ là áp lực lớn nếu nhiều quốc gia theo đuổi con đường này. Đến một thời điểm nào đó, Ấn Độ sẽ bị vuột mất thị phần'.