Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Website cá nhân: Sống hay chết sau khi bạn... "đi"?
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà Internet mang lại là bạn có thể biết được mình có tác động đến mức nào đối với cuộc đời một cách không mấy khó khăn.
Số lượt người ghé thăm site cá nhân của bạn nói lên mức độ phổ biến của site. Những công cụ tìm kiếm như Gooogle cho phép bạn tìm kiếm chính mình, xem những ai đã nhắc đến mình cũng như chịu ảnh hưởng từ mình như thế nào. Trong các nhóm thảo luận, bạn có thể theo dõi người ta tranh luận về câu hỏi hoặc lời bình luận mà bạn tải lên site của mình.
Nói tóm lại, những gì bạn làm với website có một đời sống riêng của chúng, và kéo dài qua năm tháng, dù bạn có muốn hay không. Ngay cả những việc và những điều bạn ước ao mình đã không làm hoặc không nói ra.
Tuy nhiên, câu hỏi "tế nhị" đặt ra lúc này là: Điều gì sẽ xảy ra với những tác phẩm website hoặc blog của bạn, sau khi bạn chết?
Lưu trong "ngân hàng đông lạnh"?
Ít nhất thì chúng cũng không "trút hơi" vào cái ngày đáng buồn đó của bạn. Phần lớn các hãng hosting đều tính phí theo tháng hoặc năm, vì vậy phần không gian mạng mà bạn "chiếm dụng" ít ra cũng phải sống sót được cho đến tận thời điểm thu phí tiếp theo.
Nhiều hãng hosting và bán domain name (tên miền) cho phép bạn kiểm soát site cá nhân trong một khoảng thời gian dài hơn. Song dù thế nào, khi hết hạn, domain đó cũng sẽ bị xì-tốp và site sẽ được "cho về vườn". Bởi cho đến lúc này, vẫn chưa có bất cứ một dịch vụ hosting nào chịu đứng ra tiếp quản và "bảo tồn" site cá nhân cho bạn sau khi bạn không còn hiện diện trên cõi đời này nữa.
Niềm hy vọng nhen nhúm cháy lên khi một số viện lưu trữ quốc gia bắt đầu đảm nhận công việc này. Úc, Thuỵ Điển và Anh đã xúc tiến các dự án cho phép thu thập và bảo tồn những website quan trọng. Song tiêu chí mà những người thực hiện đề ra là chú trọng vào dữ liệu văn hoá quan trọng hơn là những thành tích cá nhân. Chính vì vậy, cơ hội dành cho bạn là rất ít, nếu bạn không phải là một "vĩ nhân" hay người nổi tiếng với phạm vi khu vực hoặc thế giới.
Một số thư viện quốc gia cũng chấp nhận thu thập các web "bơ vơ", song bạn chỉ có thể truy cập vào site trong phạm vi giới hạn là khuôn viên thư viện mà thôi.
Những phiên bản website cá nhân cổ hơn cũng có thể được lưu trữ bằng WayBack Machine của Internet Archive. Tới nay, dịch vụ này đã thiết lập được danh sách 300 tỷ website, so với con số khiếm tốn 4,2 tỷ website của Google. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là chỉ lưu giữ các phiên bản cũ thay vì phiên bản mới nhất và hoàn thiện nhất.
Nhưng kể cả việc website của bạn có được duy trì sau khi bạn qua đời đi chăng nữa, có gì đảm bảo các trình duyệt hiện đại sẽ đọc được thông tin trên đó? Bản thân các website cũng có những vấn đề về chuẩn kỹ thuật. Chúng không ổn định và đôi khi lệ thuộc vào các phần mềm đặc biệt để có thể hiển thị đúng hình thức của site.
Kiểm soát tài khoản
Tuy nhiên các vấn đề của đời sống Net hậu hiện đại không chỉ giới hạn trong địa hạt website. Một trong những vấn đề nan giải khác là mật khẩu truy cập vào site, blog, account email - những bí mật sẽ theo bạn ra đi mãi mãi.
Hầu như chẳng có ai nghĩ tới việc viết ra tất cả các mật khẩu trong di chúc, lại càng hiếm hoi số người lưu chúng trong một file riêng trong máy tính. Mà ngay cả máy tính cũng có thể bị khoá bằng mật khẩu ấy chứ. Thật may là những công ty khôi phục dữ liệu như Vogon đã ra đời để giúp bạn truy cập được vào những loại thông tin này. Sử dụng phương pháp hợp pháp để lấy thông tin ra khỏi ổ cứng đã trở thành một công việc kinh doanh phát đạt cho Vogon. Hãng này có thể khôi phục đủ các dạng thông tin, kể cả khi nó đã bị xoá thẳng tay.
Tuy nhiên, truy cập vào dữ liệu mới chỉ là xuất phát điểm của mọi rắc rối. Bước tiếp theo là phải làm sao nhận dạng được tất cả các tài khoản khác nhau được duy trì trên mạng, rồi phân loại ra mật khẩu truy cập này là của tài khoản nào.
Vấn đề phát sinh tiếp nữa là quyền hạn của các viện lưu trữ website và những công ty như Vogon đến đâu; kể cả việc truy cập vào những thông tin bên trong một tài khoản nước ngoài có gây ra những tổn hại nào không. Nếu không có sự bảo chứng của Nhà nước, việc xem thông tin hoặc thay đổi trong tài khoản sẽ bị coi là hành vi hacking, dẫu cho có vì mục đích tốt hay nắm trong tay mật khẩu đúng đi chăng nữa.
Có lẽ một trong những giải pháp tốt nhất để xử lý vấn đề này là bạn hãy gửi tin nhắn tới những người thân yêu dặn dò lại mọi thông tin cần thiết. Hay thậm chí là sử dụng cả những site "kinh dị" như lastwishes.com, finalpartings.com hoặc thelastemail.com để viết tin nhắn gửi tự động đến các địa chỉ bạn thường liên lạc trong trường hợp "không may".
Tuy nhiên, thực tế vẫn cứ là thực tế. Dù có cố gắng thế nào, website của bạn cũng sẽ, hỡi ơi, theo gót bạn một cách chóng vánh thôi!