Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
"Vua thư rác" bị yêu cầu vô hiệu spyware
Một người đàn ông Mỹ được mệnh danh là "Vua thư rác" (spam) đã bị Tòa án Liên bang Mỹ yêu cầu vô hiệu các chương trình spyware của mình, do các chương trình này tự động xâm nhập vào máy tính cá nhân của người truy cập mạng, theo dõi hoạt động trên Internet của họ và đưa ra vô số quảng cáo pop-up.
Thẩm phán Joseph Di Clerico đã đưa ra một phán quyết hạn chế tạm thời vào thứ Sáu tuần trước chống lại Stanford Wallace và các công ty của ông. Hiện Stanford Wallace đang sở hữu các công ty SmartBot.net Inc., và Seismic Entertainment Productions Inc. Hoạt động kinh doanh chính của SmartBot được đặt tại Barrington.
Trong nỗ lực hành động chống spyware đầu tiên của luật pháp Mỹ, Tòa án đã yêu cầu Wallace phải loại bỏ đoạn mã phần mềm khai thác các lỗ hổng bảo mật trong những hệ điều hành máy tính và trình duyệt web nhằm theo dõi hoạt động trên Internet của người sử dụng và tự động chèn các quảng cáo pop-up.
Wallace cũng bị cáo buộc đang cố gắng bán cho người dùng máy tính các biện pháp ngăn chặn spyware của mình có tên "Spy Wiper" và "Spy Deleter" với giá 30 USD.
Các chương trình spyware âm thầm theo dõi các website mà người sử dụng ghé thăm, và một số chương trình còn chuyển hướng trình duyệt web của họ sang các site khác. Chúng cũng có thể khiến máy tính chạy ỳ ạch hoặc treo cứng.
"Chúng tôi xem đây như một sự bảo vệ cho người tiêu dùng." - luật sư Laura Sullivan nói về phán quyết của thẩm phán Di Clerico. Bà không thể cho biết các phần mềm spyware của Wallace đã lây lan tới mức nào.
Luật sư của Wallace, ông Ralph Jacobs ở Philadelphia, cho biết Wallace muốn "sử dụng Internet để quảng cáo theo những cách hợp pháp và đúng đắn".
Ông Jacops nói thêm: "Có rất nhiều loại hình quảng cáo đa dạng trên Internet đang sử dụng các kỹ thuật mà Toà án muốn đưa ra xét xử, và bên bị đơn rất mong mỏi có một cơ hội được biết chính xác những loại hình quảng cáo như thế nào là được phép".
Wallace từng là giám đốc của công ty có tên Cyber Promotions từ năm 1990, từng gửi 30 triệu e-mail thư rác mỗi ngày tới người sử dụng, khiến ông được trao biệt danh là "Spamford" hay "Spam King" (vua spam). Ông rời công ty này sau các vụ kiện bởi America Online và CompuServe.