Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
VNPT vẫn còn nhiều khuất tất!
Tôi thật sự thất vọng vì những phát biểu mang tính chống chế của ông Bộ trưởng Đỗ Trung Tá. Không thể nói “Cái gì mà thanh tra kết luận là đúng thì có mà đi tù hết”, tất cả những gì thanh tra làm đều dựa trên các qui định mang tính pháp lý chặt chẽ của Nhà nước chứ.
Việc lý giải về đấu thầu thiết bị của bộ trưởng cũng hoàn toàn không chấp nhận được. Chuyện giá đấu thầu không được cao hơn giá ban đầu đã là một kẽ hở lớn, bởi với ngành viễn thông thì mỗi sáu tháng giá đã giảm đi cỡ 30%, có những loại còn giảm đến mức 50%.
Đã thế VNPT thường thông qua vô số đầu thầu trung gian là các công ty con của VNPT hay các công ty bên ngoài khác, trong khi giá chiết khấu thiết bị viễn thông cho các đơn vị bán hàng này thường từ 35%-65% giá do hãng bán ra. Suất đầu tư của VNPT cũng là điều rất đáng nói, để đầu tư cho một cổng kết nối Internet ADSL, VNPT phải bỏ ra 200 USD trong khi một đơn vị khác ở VN làm chuyện này chỉ mất 70 USD?!
Những giải thích của ông bộ trưởng về hợp đồng BCC của MobiFone và Comvik mới là nực cười nhất. Do một số yếu tố nên phần lợi nhuận thu được của Comvik bị giảm, vì vậy họ xin sửa đổi, thậm chí Comvik còn tính đến việc rút lui. Do đó VNPT phải điều chỉnh chịu phần thiệt về mình. Ô hay! Nếu Comvik đòi rút thì còn gì bằng, cái đó còn phải mừng chứ. Hiện nay doanh thu một năm của MobiFone cỡ khoảng 5.000 tỉ đồng; họ đã hoạt động trong suốt 10 năm nay, số tiền tích lũy đã hàng chục ngàn tỉ đồng.
Thế nhưng chỉ vì cần từ giờ đến hết năm 2005 Comvik đầu tư thêm 75 triệu USD mà VNPT sẵn sàng nhượng cho họ thêm 10% lợi nhuận (từ MobiFone được 60% xuống chỉ còn 50%). Tại sao MobiFone không lấy số tiền tích lũy đó để tái đầu tư? Trong khi khoản tích lũy của họ hiện hoàn toàn có thể đầu tư cả một mạng điện thoại di động mới. Đáng lẽ hợp đồng BCC này kết thúc vào năm 2004 và MobiFone hoàn toàn đủ khả năng để quản lý một mạng của riêng mình, thế nhưng đến giờ này vẫn phải nhượng bộ nước ngoài.
Nếu cho rằng VNPT chưa đủ năng lực quản lý hệ thống mạng như vậy thì Vinaphone cũng toàn người VN mà vẫn làm được đấy. Chúng ta còn biết trong hợp đồng đến 2004 mới hết hạn nhưng mới đến năm 2001, Comvik đã thu hồi quá 142% vốn góp, vậy làm sao mà họ chịu chạy đi chớ. Quá sức vô lý!
Lại một chuyện khác còn ly kỳ hơn mà thanh tra chưa đụng tới là tỉ lệ ăn chia giá cước viễn thông quốc tế. Mỗi năm lượng cước này mang về cho VNPT cỡ 300 triệu USD (hiện nay còn cỡ 130 triệu USD) vì các dịch vụ điện thoại Internet và VoIP phát triển mạnh. Trong khi phải đàm phán với ít nhất vài chục đối tác trên khắp thế giới mà chỉ cần xê xích vài cent/phút thì phần thiệt hại cho VN hay phần vào túi tư đã lên đến mức kinh khủng.
Thanh tra nhà nước cần tiếp tục mạnh tay để đưa ra ánh sáng các khuất tất của VNPT.