Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
VinaPhone và MobiFone: Mạng không ''sập'', nhưng cuộc gọi sẽ ''rớt''
Hiện cả hai mạng điện thoại di động lớn nhất nước ta là VinaPhone và MobiFone đều đang ở trong tình trạng quá tải. Nếu không được kịp thời nâng cấp, mở rộng mạng lưới thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, hai mạng này sẽ có sự cố và 'không chịu được sự quá tải'.
Rất nhiều khách hàng của hai mạng VinaPhone và MobiFone đang thắc mắc, lo lắng rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào và liệu có diễn ra sự 'sập mạng' như một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã đưa tin?
Theo ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin Bưu điện - thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, 'vấn đề hiện nay là thời gian để được Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phê duyệt cho đưa các dự án nâng cấp mạng lưới vào để cải thiện tình hình. Lãnh đạo VNPT mong muốn Chính phủ sẽ sớm có quyết định để VNPT được đầu tư, kịp thời mở rộng, nâng cấp mạng lưới'.
Lãnh đạo VNPT cũng khẳng định chắc chắn rằng 'sẽ không xảy ra hiện tượng sập mạng' vì cả hai công ty buộc phải tính toán để có biện pháp cố gắng phục vụ tốt cho thuê bao cũ và tìm cách khắc phục đối với việc phát triển thuê bao mới.
Nguyên nhân gây ảnh hưởng chất lượng mạng
Cả hai mạng đang thu hút tới 80% thuê bao ĐTDĐ của cả nước, với gần 4 triệu thuê bao. Tính đến ngày 15/5/2004, thuê bao VinaPhone là 1.952.417 thuê bao - chiếm khoảng 24% số thuê bao điện thoại của cả nước. Và tỷ lệ này của mạng MobiFone là 15%.
Do tổng đài của cả 2 mạng đang không đáp ứng được số lượng quá lớn các cuộc gọi diễn ra trong một thời gian nhất định nên tình trạng quá tải đã xảy ra. Trên thế giới, tiêu chuẩn tốt nhất đối với tổng đài ĐTDĐ là lượng thuê bao không bị tăng sát tới dung lượng, chỉ được chiếm tối đa 70% dung lượng.
Thế nhưng, với mạng VinaPhone hiện nay, lượng thuê bao đã chiếm tới 80% dung lượng tổng đài. Dung lượng tổng đài của mạng VinaPhone chỉ cho phép tăng đến 2,2 triêu thuê bao và như đã nói ở trên, thuê bao hiện có đã gần đến con số 2 triệu. Hiện tại, trong số 1.000 trạm phát sóng BTS trên toàn quốc thì đang có khoảng 30-40 trạm bị nghẽn mạch cục bộ. Tình hình cũng đang diễn ra tương tự đối với mạng MobiFone.
Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng nghẽn mạch cục bộ tại các khu đô thị tập trung đông dân cư, hoặc các khu vui chơi, nghỉ mát như: Đồ Sơn, Bãi Cháy, Hạ Long, Cửa Lò, Phan Thiết, Vũng Tàu... tại những thời điểm nhất định. Tình trạng nghẽn mạch gây ảnh hưởng đến chất lượng thoại như rớt cuộc, cuộc gọi bị đứt quãng, nhận tin nhắn chậm, nạp tiền không được...
Ông Phạm Quang Hảo, phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Viễn thông - đơn vị chủ quản mạng VinaPhone giải thích, tỷ lệ rớt cuộc này được ví như tổng đài chỉ có thể đáp ứng được 100 cuộc gọi và từ cuộc gọi thứ 101 sẽ không thực hiện được, và chỉ có cách là... chờ gọi lại. Nghẽn mạch cục bộ này giống như khi đi xếp hàng mua đồ và nếu ai không may sẽ bị lỡ. Khi đó, cũng theo ông Hảo, khách hàng chỉ còn cách bấm ĐTDĐ gọi lại lần nữa, nếu một trong số 100 người gọi trước đó đã kết thúc liên lạc thì sẽ đến lượt bạn được kết nối an toàn.
Người trong cuộc nói gì?
Tính từ đầu năm cho đến ngày 15/5, mạng VinaPhone đã phát triển mới được 245.029 thuê bao, và MobiFone phát triển được 219.000 thuê bao. Nhưng hiện tại, có một sự thật trớ trêu là cả hai mạng đang có ý định giảm số lượng thuê bao mới, cố gắng 'cầm cự' để chờ được mở rộng dung lượng tổng đài.
Nếu sau đợt giảm cước ngày 1/5 vừa rồi, tốc độ phát triển thuê bao mới của cả hai mạng vào khoảng 18.000 thuê bao/tuần thì hiện nay, con số này đang được giảm xuống còn 10.000 thuê bao/tuần.
Khi được hỏi về biện pháp để khắc phục tình trạng nghẽn mạch, lãnh đạo cả hai công ty này đều cho biết: 'không có cách giải quyết nào khác, ngoài việc duy nhất là chờ được phê duyệt, cấp thiết bị để nâng cấp mạng'.
Ngoài ra, biện pháp tức thời hiện nay là điều tiết bán hàng và trông chờ vào các mạng ĐTDĐ khác như: mạng S-Fone của SaiGon Postel, mạng GSM sẽ ra đời ngày 1/7 của Viettel, mạng Cityphone. Vì đã được chuẩn bị trước, nên đối với cả VinaPhone và MobiFone, đều không tổ chức chương trình khuyến mại nào từ đầu năm đến giờ. Và cũng không khuyến khích thuê bao rời mạng quay lại nạp thẻ, hoạt động trở lại (tỷ lệ rời mạng của mạng VinaPhone hiện nay lên tới 2.000-2.500 thuê bao/ngày).
Cứ với tình hình 'cầm cự', chống đỡ như thế này, ông Hảo cũng cho biết, sự phát triển thuê bao mới sẽ chỉ kéo dài tối đa trong vòng 4 tháng nữa. Trong khi, hệ thống mạng của MobiFone cũng chỉ có thể đáp ứng được đến hết tháng 9 năm nay.
Là những người trong cuộc, lãnh đạo cả hai mạng hiện đều đưa ra giải pháp cuối cùng là cam kết không bán quá số thuê bao so với dung lượng mạng cho phép, đồng thời, bộ phận kỹ thuật sẽ cài đặt phần mềm kiểm soát lượng thuê bao quá tải để bảo đảm an toàn cho mạng.
Giống với sự khẳng định của lãnh đạo VNPT, cả hai mạng di động lớn nhất nước ta 'sẽ không thể bị sập mạng'. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng nghẽn mạch cục bộ này thì khách hàng sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Và như thế, liệu giải pháp duy nhất hiện giờ là vấn đề thời gian nước rút - để được phê duyệt các dự án đầu tư mạng - có kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng hay không?