Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
VinaPhone, MobiFone vi phạm cước kết nối
Quyết định 148/2003 của Bộ Bưu chính Viễn thông quy định cụ thể mức cước mà các doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện kết nối giữa các mạng điện thoại với nhau. Tuy nhiên, việc ăn chia phí kết nối giữa 2 đại gia này thời gian qua biểu lộ nhiều điều không rõ ràng.
Tại điều 6 quyết định 148 (có hiệu lực từ tháng 7/2003) về cước kết nối đối với liên lạc giữa hai mạng điện thoại di động quy định: Đối với các cuộc gọi kết nối vào mạng điện thoại di động của hai doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, mức cước kết nối là 820 đồng/phút. Đối với các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế là 900 đồng/phút. Mới đây, Bộ Bưu chính Viễn thông đã điều chỉnh mức cước kết nối đối với doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế xuống còn 765 đồng/phút (Quyết định 13/2004 ngày 9/4/2004), thay vì 820 đồng/phút như quyết định 148/2003.
Tại điều 3 quyết định 217/2003/QĐ-TTg (ngày 27/10/2003) của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Giá cước kết nối của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông được xác định trên cơ sở: Giá thành kết nối; Không phân biệt giữa các dịch vụ, giữa các doanh nghiệp viễn thông, giữa thành viên của doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông khác.
Điều này có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp khi thực hiện việc kết nối đều phải trả mức phí theo quy định của Bộ Bưu chính Viễn thông, kể cả trường hợp VinaPhone và MobiFone kết nối với nhau. Hơn nữa, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế với hơn 3 triệu thuê bao thì khi 2 mạng VinaPhone và MobiFone kết nối với nhau, mức cước mà họ phải chịu sẽ là 765 đồng/phút.
Nhưng trên thực tế hai công ty này không đưa ra một mức cước kết nối cụ thể nào khi các thuê bao VinaPhone và MobiFone gọi cho nhau. Trả lời VnExpress, ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc VinaPhone và ông Lê Ngọc Minh, Phó giám đốc MobiFone thừa nhận, lâu nay, hai mạng này chỉ tính cước kết nối giữa các thuê bao đầu 091 và 090 theo kiểu bù chéo theo tỷ lệ cuộc gọi và ăn chia lợi nhuận dựa trên doanh thu, chứ chưa đưa ra mức cước kết nối cụ thể nào. Ông Hảo giải thích thêm, cách tính toán cước kết nối riêng giữa 2 đơn vị đã được lãnh đạo VNPT thống nhất cho phép áp dụng từ lâu.
Lý giải về chuyện này, một đại diện Ban giá cước tiếp thị (VNPT) cho VnExpress biết, đây không phải sự phân biệt đối xử mà là chuyện nội bộ của VNPT nên chưa thể áp dụng việc tính cước kết nối cụ thể giữa 2 mạng VinaPhone và MobiFone. "Do điều kiện kỹ thuật, chúng tôi chưa áp dụng việc tính cước kết nối giữa hai mạng chứ không phải là không thực hiện theo quyết định 148/2003 của Bộ Bưu chính Viễn thông", vị đại diện này nói. VNPT đang gấp rút hoàn thiện đề án sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp, bao gồm cả việc ban hành mức cước kết nối giữa hai mạng di động này.
Tuy nhiên, các chuyên gia bưu chính viễn thông lại cho rằng, việc lập lờ về cước kết nối giữa VinaPhone và MobiFone đã đem lại cho hai doanh nghiệp này một khoản lợi rất lớn vì cước kết nối hiện đã chiếm tới trên 50% doanh thu của hai mạng. Đồng thời việc VinaPhone được miễn cước thuê kênh thời gian qua, cũng tạo cho đơn vị này một lợi thế nhất định vì cước thuê kênh cũng chiếm 2,4-61% chi phí của các doanh nghiệp.
Trong khi VNPT bật đèn xanh cho 2 đơn vị thành viên của mình chưa phải tuân thủ theo điều 6 và điều 3 của hai quyết định trên, thì họ lại rất rạch ròi khi tính toán cước kết nối và phí thuê tổng đài trung gian với doanh nghiệp mới. Cụ thể với trường hợp S-Telecom, khi thuê bao S-Fone gọi 2 thuê bao của VNPT là MobiFone và VinaPhone, S-Telecom thu của khách hàng 1.636 đồng/phút (thuê bao trả sau, chưa tính VAT). Trong số đó, S-Fone hưởng 621 đồng/phút. Toàn bộ phần còn lại phải trả cho VNPT (1.115 đồng/phút, chưa tính VAT). Bao gồm: 765 đồng phí kết nối, 250 đồng cước kết nối qua tổng đài trung gian (Toll) và 100 đồng tiền cước thuê kênh.
Ngược lại, thuê bao của MobiFone và VinaPhone gọi thuê bao S-Fone thì VNPT cũng thu của khách hàng 1.636 đồng/phút, nhưng chỉ phải trả cho S-Fone 900 đồng tiền cước kết nối. Số còn lại mà VNPT hưởng là 736 đồng/phút.
Theo số liệu thống kê của S-Fone, trong năm 2003, thời gian kết nối giữa S-Fone tới hai mạng VinaPhone và MobiFone là 5,599 triệu phút, trong đó kết nối với MobiFone là 3,107 triệu phút. Số còn lại 2,492 triệu phút là các cuộc gọi từ S-Fone đến các số máy của VinaPhone. Số tiền mà S-Fone phải trả cho tổng đài trung gian Toll năm qua là 1,4 tỷ đồng. Cũng trong năm 2003, tỷ lệ kết nối giữa hai mạng của VNPT đến các thuê bao của S-Fone là 2,2 triệu phút, trong đó từ MobiFone đến S-Fone là 1,253 triệu phút và từ VinaPhone đến S-Fone là 947.000 phút. |
Việc không hạch toán rạch ròi cước kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho VNPT giảm giá cước đến mức các doanh nghiệp mới như S-Fone và sắp tới là Viettel, Hà Nội Telecom khó có thể theo kịp. Đại diện công ty S-Telecom cho biết, nếu xét về công nghệ thì S-Fone có thể giảm cước xuống mức thấp hơn nữa thay vì tính theo block 10 giây như hiện nay. Vì công nghệ CDMA cho phép tối ưu hoá khả năng phục vụ thê bao gấp 4-6 lần công nghệ GMS. Tuy nhiên, nếu xét về chi phí đầu vào (chiếm tới 71,25% như hiện nay) thì S-Fone không thể theo kịp người khổng lồ VNPT được.
Nói về cước thông qua tổng đài trung gian (Toll), ông Nguyễn Đức Tài, Trưởng phòng chiến lược kế hoạch S-Fone, cũng cho rằng, xét về công nghệ, CDMA hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp với GMS mà không cần thông qua Toll. "Hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới họ đều kết nối trực tiếp giữa hai mạng CDMA và GMS, duy nhất chỉ có Việt Nam là kết nối qua tổng đài trung gian Toll", ông Tài nói.
Hiện S-Fone phải trả cước 250 đồng/phút kết nối qua tổng đài Toll trong khi VinaPhone và MobiFone lại kết nối trực tiếp mà không thông qua tổng đài này. "Mà thực chất Toll này cũng do chính VNPT quản lý", ông Tài nói.