Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Viettel-VNPT: "Hai bên đã thông cảm và cùng nhau hợp tác!"
Sau cuộc họp sáng nay (29/6) giữa Bộ BCVT và hai doanh nghiệp VNPT và Viettel, do báo giới không được tham dự, VietNamNet đã trao đổi hành lang với Phó Tổng GĐ Trần Mạnh Hùng về kết quả buổi làm việc. Đại diện của Viettel đã từ chối trả lời phỏng vấn báo giới bên lề cuộc họp. Đầu giờ chiều nay, Thứ trưởng Bộ BC&VT Lê Nam Thắng đã phát biểu với báo chí về kết quả cuộc họp.
Trả lời PV VietNamNet, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay: 'Chúng tôi đã cố gắng thống nhất hỗ trợ tối đa doanh nghiệp mới bằng nguồn lực sẵn có của mình. VNPT cũng có đầy đủ số liệu chứng minh rằng, chúng tôi đã cung cấp đường truyền đúng theo yêu cầu thực tế của Viettel".
Ông Hùng nói tiếp: "Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi lên Bộ về tổng đài Toll của VNPT, với số liệu rõ minh chứng về tổng đài Toll ở Hà Nội và một số nơi khác đều gặp khó khăn. Bộ cũng nhận xét rằng, cả VNPT và Viettel đều gặp khó khăn. Với Viettel, khó khăn là thuê bao phát triển quá nhanh. Còn với VNPT, khó khăn là dung lượng tổng đài đang được đầu tư, chưa kịp mở rộng. Tôi nghĩ, sau cuộc họp này, Viettel cũng thông cảm hơn với VNPT".
Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, kết quả làm việc sáng nay là hai bên đều rất thông cảm với nhau và cùng hợp tác. "Để giải quyết tình trạng hiện nay của Viettel, chúng tôi đã đề ra 2 giải pháp trước mắt và lâu dài và cả hai bên đều nhất trí với hai phương án này. Giải pháp này sẽ giúp cho cả các doanh nghiệp mới nói chung và Viettel nói riêng".
"Phương án đầu tiên là: VNPT sẽ định hướng và san tải lại đường truyền bằng cách cho đấu một số trung tâm nội hạt để hỗ trợ Viettel. Theo đó, VNPT sẽ hỗ trợ và yêu cầu các đơn vị điều hành thông tin tham khảo một số tổng đài nội hạt của các tỉnh. Đây là phương án trước mắt. Còn phương án lâu dài là: VNPT sẽ hỗ trợ Viettel xây dựng đường trục riêng của mình'.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc TT Thông tin BĐ (thuộc VNPT) cho biết: 'Qua cuộc họp sáng nay, nếu chúng tôi cùng bàn trực tiếp với nhau sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn hơn. VNPT cũng không có nhiều tiền để đầu tư và trông chờ các doanh nghiệp khác triển khai, mà phải dựa trên căn cứ thực tế phát triển của các doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách chỉ đạo các doanh nghiệp. Nếu thấy không hợp lý, các doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại với nhau để sửa đổi các quy tắc kết nối đó.
Trước tiên, mở đầu cuộc họp, lãnh đạo Bộ đã phê bình các doanh nghiệp. Với VNPT, Bộ phê bình đã không báo cáo một cách thường xuyên những khó khăn về dung lượng đường truyền của mình, về khả năng đáp ứng dung lượng, đặc biệt là về vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp khác. Đối với Viettel, Bộ BCVT phê bình doanh nghiệp này đã nóng vội, không cùng bàn bạc trực tiếp, cụ thể với VNPT'.
Một số nội dung đã thống nhất tại cuộc họp:
Tại cuộc họp sáng nay, các doanh nghiệp đều thống nhất rằng cả Viettel và VNPT đều có những khó khăn riêng. Đặc biệt không phải một trong hai doanh nghiệp cố tình cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của nhau. VNPT và Viettel có thể cùng nhau sửa thoả thuận kết nối mà hai doanh nghiệp đã ký kết với nhau trước đây theo hướng mạng Viettel có thể kết nối trực tiếp xuống các tổng đài nội hạt của VNPT ở một số tỉnh, thành phố. VNPT sẽ chỉ đạo các bưu điện tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho Viettel kết nối với các tổng đài nội hạt của VNPT. Bộ sẽ chỉ đạo các vụ chức năng rà soát lại các văn bản, qui định về kết nối, giá cước kết nối... để điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Hiện các qui định về kết nối còn mang tính chất hành chính, nặng về cơ chế xin - cho, chưa được xây dựng trên cơ sở kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường giám sát việc kết nối giữa các doanh nghiệp. Bộ đang xây dựng các mẫu báo cáo về tình hình kết nối giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Sáng 29/6/2005 tại văn phòng Bộ Bưu chính Viễn thông, Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng đã chủ trì cuộc họp giữa đại diện VNPT và Viettel, rút kinh nghiệm xung quanh việc kết nối giữa hai bên trong thời gian vừa qua. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ BCVT thẳng thắn phê bình Viettel đã có những động thái nóng vội, chưa bàn bạc kỹ để tìm biện pháp tháo gỡ, đã vội vàng có những văn bản đệ trình Bộ BCVT và Thủ tướng gây áp lực, báo chí đưa thông tin không đầy đủ gây bức xúc dư luận.
Đ.H.
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu VNPT có báo cáo thường xuyên về tình hình kết nối giữa VNPT và các doanh nghiệp khác.
Các đại biểu có mặt đều thống nhất, thời gian qua các doanh nghiệp đều có những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển (đổi mới tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ...).
Về phía Viettel, do phát triển quảng bá tiếp thị và khuyến mãi sản phẩm, thu hút khách hàng quá nhanh nên đã không lường trước được dung lượng đáp ứng của mạng lưới. Còn VNPT thực tế đã gặp khó khăn trong đầu tư thêm kênh, luồng. Nếu còn kênh thì không lẽ gì mà không cung cấp cho Vietel, vì VNPT cũng đã thực hiện chủ trương: cho thuê kết nối là dịch vụ có lãi!
Theo ý kiến của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hai bên cần tập trung tháo gỡ vấn đề với trách nhiệm cao, cùng phát triển. Trước mắt, hai doanh nghiệp cần tìm các giải pháp khắc phục kịp thời khó khăn về nghẽn mạng cho các mạng. Sau khi một số giải pháp do đại diện Vietel đưa ra không nhận được sự đồng thuận của các bên, VNPT đã đề xuất biện pháp tháo gỡ và được Hội nghị đánh giá cao và Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã kết luận tại cuộc họp là:
1) Biện pháp giải quyết tình thế trước mắt: 2 doanh nghiệp ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Trên cơ sở Vietel đang gặp nghẽn tại đâu, VNPT sẽ cố gắng định tuyến, phân tải lưu lượng từ các “vùng ven” vào để hỗ trợ. Ví dụ: một số tổng đài VNPT vừa mới bổ sung, nâng cấp phục vụ mạng lưới ở Cần Thơ có thể được định tuyến đến để giải quyết tắc nghẽn cho Viettel ở TP.HCM.
2) Về lâu dài, VNPT tiếp tục hỗ trợ Viettel khẩn trương triển khai mạng trục theo giấy phép đã được Chính phủ cấp từ năm 2003, để Vietel có thể chủ động được dung lượng và phát triển thuê bao của mình (Điều này VP Telecom đã có rất nhiều cố gắng, dự kiến trong năm 2005 này sẽ triển khai xong đường trục tới 53 tỉnh, thành phố. Hiện đã triển khai tới trên 40 tỉnh). Nhờ đó, VNPT cũng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp khác chưa được phép triển khai đường trục như SPT, FPT, Hanoi Telecom...
3) Về phía Bộ BCVT, sẽ có sự hỗ trợ tích cực về tháo gỡ thủ tục, sửa đổi quy chế, thỏa thuận... để đẩy nhanh các tiến trình.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng thừa nhận việc VNPT thỏa thuận với các doanh nghiệp cấp kênh theo thực tế lưu lượng sử dụng của mạng (chứ không phải cấp theo con số dự phòng quá cao của các doanh nghiệp) là đã thực hiện đầu tư hiệu quả, tránh gây lãng phí tiền của Nhà nước. Với 170 kênh E1 VNPT đã cấp cho Vietel thời gian qua là một sự nỗ lực của hợp tác kết nối. Cũng cần nói thêm rằng, lâu nay các doanh nghiệp khi đăng ký xin cấp kênh, để dự phòng bị duyệt bớt đi, đã thường khai quá lên gấp 2-3 lần nhu cầu thực tế.
Bộ BCVT chỉ đạo: Trước thềm hội nhập và cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước cần phải phát triển mạnh mẽ một cách thực sự, trên cơ sở mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại và rộng khắp. Vì vậy ngoài VP Telecom, Viettel cần tích cực triển khai mạng đường trục để phát triển bền vững, chứ các doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ có mỗi đường trục hiện nay của VNPT mà đối chọi lại được với các tập đoàn viễn thông nước ngoài.
- Hoàng Hùng