Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Việt Nam đang "bám đuôi" đoàn tàu công nghệ
Ông Trần Thành Long, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với VnExpress chiều nay, nhận định đó là thực tế mà Việt Nam đang phải chấp nhận.
- Ông nhận xét gì về việc ngay cả Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước cũng chậm tiến độ?
- Không chỉ chậm tiến độ mà còn không khai thác hết hiệu quả công nghệ. Điều này là do trình độ của cán bộ. Phải có người, có biên chế để làm, cán bộ phải được đào tạo, có chế độ lương bổng. Còn phải cập nhật thông tin nữa, phải có cái gì để tìm, để xem thì người ta mới vào. Có hệ thống rồi, khai thác ra sao cho hiệu quả đòi hỏi phải có chế độ làm việc thường xuyên.
- Có ý kiến cho rằng thủ tục hành chính còn quá rườm rà, chưa thích hợp để ứng dụng tin học hoá?
- Khi làm dự án, các thủ tục phải hết sức rõ ràng thì mới lập chương trình được. Như trong công nghiệp có tiêu chuẩn ISO, thủ tục hành chính cũng phải bài bản như vậy. Trang bị máy tính bây giờ rất dễ, nhưng thủ tục hành chính phải cải tiến trước một bước rồi mới khai thác được.
- Ông nhận xét gì về tình trạng tụt hậu công nghệ được nêu trong báo cáo thuyết trình trước Quốc hội?
- Việt Nam chưa tiếp cận được công nghệ ở mức cao. Công nghệ mới nghiên cứu ra thì thương quyền quá lớn, người ta không bao giờ bán cho mình. Mình chỉ cố tiếp cận bám đuôi đoàn tàu công nghệ là khá rồi, chứ đừng nói đi đầu. Phải học tập trước rồi cải tiến phù hợp với mình để vươn lên. Nếu không học tập người ta làm cầu Mỹ Thuận thì giờ làm sao xây các cầu treo khác được.
- Việc triển khai các khu công nghệ cao đã qua 7-10 năm rồi mà vẫn còn "hoang vắng", nguyên nhân do đâu?
- Lý do về đền bù giải phóng mặt bằng cũng đúng, nhưng còn nguyên nhân khác. Phải có chính sách đặc biệt, giá phải rẻ, phải biết công nghệ nào đáng được vào để ưu đãi, còn cán bộ quản lý cứ ngồi xét theo kiểu xin cho thì làm sao có nhiều người vào được? Khu công nghệ cao phải có gì đặc biệt hơn chứ. Có ý kiến muốn đưa công nghiệp công nghệ cao vào trước rồi nghiên cứu bám vào đó, ý kiến khác lại muốn đưa các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo vào trước làm cái nôi triển khai công nghệ. Nhưng nước ngoài không muốn vào đây ngồi nghiên cứu. Muốn ra khu công nghệ cao thì xung quanh phải có công nghiệp phát triển dày đặc rồi.
Theo một đại biểu TP HCM, Khu công nghệ cao TP HCM mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 trên bản vẽ. Ngoài vấn đề dân không "chịu" giá đền bù, người dân cũng không biết ôm tiền đi kiếm nhà ở đâu. Phương án đổi đất đã được đưa ra bàn, nhưng chưa quyết định được. |
- Nhưng TP HCM đã là "cao" nhất cả nước về công nghiệp rồi, mà khu công nghệ cao vẫn nằm trên giấy?
- TP HCM có ưu điểm, nhưng cũng có nhược điểm. Ưu điểm là lực lượng lao động có trình độ, đáp ứng nhu cầu làm công nghệ cao. Nhược điểm là giá đất cao hơn, hạ tầng khó làm hơn.