Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Việt Nam có hơn 17.500 website doanh nghiệp
Trong khi hạ tầng viễn thông và Internet trong nước tiến vượt bậc, môi trường pháp lý vẫn không thay đổi. Xu hướng giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng lên và nguồn nhân lực cho thương mại điện tử (TMĐT) bắt đầu hình thành. Đó là những nét chính trong phát triển TMĐT năm 2004 do Bộ Thương mại vừa công bố.
"Hơn 17.500 website doanh nghiệp là con số ấn tượng và phản ánh trung thực rằng hạ tầng viễn thông và Internet của VN năm 2004 đã tiến bộ đáng kể so với năm trước", ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại, nhận định. "Điều đó cũng được minh chứng bằng số lượng 2 triệu thuê bao Internet trong đó có 35.000 hợp đồng sử dụng băng thông rộng. Ở các doanh nghiệp chúng tôi điều tra, có tới 53,9% có ADSL".
Trong khi khối doanh nghiệp năng động với thời cuộc và công nghệ thì về các cơ quan chính phủ vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi để TMĐT phát triển. Bằng chứng là trong năm 2004, nhiều dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng như: Luật Giao dịch điện tử của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, Luật thương mại sửa đổi của Bộ Thương mại, Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử của Bộ Bưu chính Viễn thông... nhưng chưa có cái nào được ban hành và đi vào cuộc sống. Chưa hết, việc chấm dứt xây dựng Pháp lệnh TMĐT trong năm qua đã làm thất vọng nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Ông Dương Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNET, bày tỏ nỗi bức xúc: "Tôi không hiểu là tại sao lại phải chờ lâu đến vậy mà hành lang pháp lý cho TMĐT vẫn chưa thể hoàn thiện. Dường như các nhà làm luật đang vướng ở một vấn đề gì đó bởi rất nhiều lần các dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến nhưng mọi việc chẳng đi đến đâu. Tôi e rằng, các doanh nghiệp đang dần mất niềm tin và không còn muốn chờ đợi nữa".
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT cũng mang những "nỗi niềm" như VNET. Tuy nhiên, các cơ quan ban hành chính sách thì vẫn tỏ ra "chậm tiếp thu". Minh chứng điển hình là hai quyết định không phù hợp với cuộc sống là Quy chế quản lý cung cấp thông tin trên Internet (số 27/2002/QĐ-BVHTT) và Quy định về sử dụng tên miền Internet ở Việt Nam (số 92/2003/QĐ-BBCVT) đã gây tranh cãi trong doanh nghiệp và cộng đồng sử dụng Internet vì có quá nhiều điều bất hợp lý nhưng chúng vẫn không được sửa đổi.
"Chính vì các quy định không phù hợp với thực tiễn nhưng lại không được các cơ quan ban hành lắng nghe và chỉnh sửa nên trình trạng coi thường pháp luật vẫn diễn ra hằng ngày", Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử, phân tích. "Ví dụ cụ thể là hầu hết các website vẫn tồn tại và phát triển mà không cần giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin như trong quy định nêu trên".
Dù môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, gây nhiều bất cập, khuynh hướng giao dịch thương mại B2B trong năm qua vẫn tiếp tục gia tăng. Số lượng doanh nghiệp thiết lập website để bán sản phẩm của mình với quy mô lớn tăng nhanh song song với sự xuất hiện của nhiều trang web hỗ trợ giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau. Tuy nhiên, báo cáo Hiện trạng TMĐT 2004 của Bộ Thương mại cũng khẳng định hầu hết các site này chưa có định hướng hoạt động rõ ràng, nhân lực hạn chế, vốn kinh doanh nhỏ... nên chủ yếu mới dừng ở giai đoạn thiết lập và thử nghiệm, giá trị giao dịch thực tế còn rất thấp. Trong khi đó, loại hình giao dịch B2B truyền thống, tức là hai hoặc nhiều doanh nghiệp có thể mua bán tự động với nhau (B2Bi), chưa hình thành ở VN và website cung cấp dịch vụ đấu thầu trực tuyến quy mô lớn cũng chưa có.
Nếu như nền CNTT nói chung và ngành phần mềm nói riêng của VN đang đứng trước nguy cơ về sự khủng hoảng nguồn nhân lực thì trong lĩnh vực TMĐT bắt đầu le lói những tín hiệu đáng mừng vì doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao ứng dụng CNTT trong việc nâng cao năng suất lao động và mở rộng thị trường. Năm 2004, số đơn vị kinh doanh có cán bộ chuyên trách về CNTT tăng nhanh. Một số trường đại học kinh tế - thương mại trong nước đã tiến hành giảng dạy về TMĐT như một phần chương trình đào tạo các kỹ sư kinh tế. Bên cạnh đó, rất đông sinh viên VN chọn chuyên ngành TMĐT ở các trường đại học nước ngoài. Trong vài năm tới, đây sẽ là lực lượng quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp.