Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Vào đã khó dưỡng còn khó hơn
Với tham vọng giúp doanh nghiệp (DN) trên cả nước trang bị công nghệ thông tin (CNTT) như là giải pháp mang tính đột phá làm tăng sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, Ban chỉ đạo CNTT quốc gia đã cùng 500 chuyên gia tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Đà Nẵng trong hai ngày 13 và 14-8.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các DN VN còn đang ở mức thấp trong việc ứng dụng CNTT.
Mới đầu tư bằng 1/20 mức cần thiết
Để chuẩn bị cho hội thảo, Ban Chỉ đạo CNTT quốc gia đã làm một cuộc khảo sát việc ứng dụng CNTT tại 217 DN và những con số có được quả thật làm người ta không khỏi bất ngờ.
Hiện các DN VN chỉ đầu tư khoản chi phí rất nhỏ bé là 0,05 - 0,08% doanh thu cho CNTT, trong khi ở Mỹ con số trung bình là 1,5%. Chính sách đầu tư cho CNTT của DN còn rất nhiều bất cập. Đa phần DN chỉ đầu tư một lần cho hệ thống thông tin và nâng cấp các ứng dụng, do đó đầu tư đã thấp và hiệu quả của nó còn thấp hơn.
Cuộc khảo sát còn cho thấy đến thời điểm này vẫn có những DN chưa có một ứng dụng CNTT nào. Khối DN nhà nước còn 10%, trong khi các thành phần DN khác thì có đến 60% chưa đưa CNTT vào công việc của mình. Các DN tuy đã có nhận thức bước đầu về tầm quan trọng của CNTT nhưng ít nơi nào có thể khai thác được sâu khả năng của CNTT.
Một DN phát biểu: “Nhiều nơi đã dùng máy tính làm các loại văn bản từ khá lâu, nhưng cần làm gì hơn nữa và làm như thế nào để thật sự hiệu quả thì có lẽ đến 80% vẫn rất lúng túng”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chương trình quan trọng nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trong các DN là quản lý tài chính, kế toán. Khoảng 88% số DN áp dụng CNTT có sử dụng phần mềm kế toán tài chính.
Ngay cả những DN đã ứng dụng CNTT thì có thêm một vấn đề phát sinh là chỉ khoảng 20% các phần mềm thỏa mãn được yêu cầu của DN. Rồi 40% DN chưa dám đầu tư mạnh vào CNTT vì không đủ nhân viên có trình độ để quản lý và khai thác. Ông Phí Anh Tuấn, phó giám đốc Công ty phần mềm AZ, đã đưa ra bốn khó khăn mà ông rút ra được qua kinh nghiệm triển khai CNTT ở hàng trăm DN:
“Thứ nhất là khâu tư vấn. DN thường không am hiểu về CNTT nên không có mục tiêu, kế hoạch, lộ trình được định lượng một cách rõ ràng, trong khi các công ty tư vấn VN vẫn đang ở mức độ sơ khai. Thứ hai là khâu tổ chức thực hiện. Việc phối hợp giữa các bên, giữa lãnh đạo và nhân viên trong dự án đều thường có vấn đề vì sự am hiểu CNTT khác nhau, ảnh hưởng đến tốc độ cũng như mức độ triển khai của dự án.
Khó khăn thứ ba là việc chuẩn hóa qui trình và dữ liệu giữa các bộ phận với nhau. Chỗ này làm một kiểu, chỗ kia làm một kiểu thì chương trình sẽ không “chạy” được và dự án sẽ kết thúc bằng thất bại. Khó khăn cuối cùng là tính quyết liệt áp dụng CNTT. Với DN tư nhân và nước ngoài chuyện này còn dễ, chứ DN nhà nước thì nhân viên vừa phải làm theo qui trình cũ vừa dành thời gian triển khai cái mới sẽ làm họ mệt mỏi và nản chí, dẫn đến dự án cũng khó thành công”.
Không những các DN mới bước đầu tiếp cận CNTT phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, mà ngay cả các DN đã phát triển CNTT ở mức cao hơn và đang mong muốn dùng CNTT làm đòn bẩy để thúc đẩy công việc kinh doanh của mình cũng gặp những trở ngại từ hạ tầng pháp lý đang cản bước tiến của họ.
Hàng chục DN tại hội thảo đã bức xúc bày tỏ rằng VN đã soạn thảo pháp lệnh thương mại điện tử nhưng đang phải “gác lại” để chờ Luật giao dịch điện tử, trong khi luật này sớm nhất phải đến hết năm 2005 mới có. Việc công nhận chữ ký điện tử cũng đã lên tiếng từ vài năm nay nhưng đến giờ vẫn giậm chân tại chỗ…
Mô hình nào?
Cuộc khảo sát của Ban chỉ đạo CNTT quốc gia cũng đưa ra một số niềm hi vọng: 86% DN cho rằng CNTT đã mang lại hiệu quả cho DN mình, 77% DN cho rằng CNTT giúp đơn vị mình tăng năng suất lao động, 43% nhận xét CNTT làm tăng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, 59% DN nhận định CNTT làm tăng khả năng cạnh tranh. |
TS Trần Lương Sơn, giám đốc một DN, đề nghị mô hình năm bước là tin học hóa hoạt động văn phòng, các giải pháp truyền thông, các giải pháp tự động hóa quy trình tác nghiệp kinh doanh, các giải pháp quản trị kinh doanh mức chiến lược và thương mại điện tử.
Ông khuyên các DN nhỏ đến mấy cũng nên sớm triển khai ngay hai bước đầu, các hình thức diễn đàn, hội thoại, lịch công tác và họp trên mạng sẽ sớm tạo sự thân thiện về CNTT cho DN, do đó các bước tiếp theo sẽ rất dễ dàng triển khai.
Ủng hộ ý kiến của ông Sơn, TS Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, khuyên các DN còn ứng dụng CNTT một cách sơ sài không cần nghĩ một cách xa vời.
Trước mắt nên xây dựng một hệ thống email chuyên nghiệp cho tất cả nhân viên, tận dụng tối đa các khả năng của nó, đồng thời bỏ hết các văn bản bằng giấy và nên tư duy rằng hệ thống bằng điện tử mới là chính, còn giấy tờ chỉ là dự phòng.
Góp ý cho các giải pháp tăng tốc ứng dụng CNTT trong các DN mạnh về CNTT, ông Nguyễn Văn Thảo, phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN, đề xuất: “Nhà nước cần sớm có các chính sách ưu đãi DN đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng việc thành lập quỹ xúc tiến phát triển ứng dụng CNTT (giống mô hình Quỹ Xúc tiến thương mại trọng điểm) để cho vay ưu đãi, cấp lại thuế đối với các khoản đầu tư vào CNTT”.
Ông Thảo còn đề nghị nhà nước cần sớm hình thành các chương trình đào tạo nhân lực CNTT chuyên ngành sâu hơn, để khi ra trường họ có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau của DN.
Trả lời các bức xúc của DN về hạ tầng pháp lý, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông Mai Liêm Trực hứa trong năm nay bộ sẽ trình Chính phủ nghị định chứng thực điện tử để làm cơ sở pháp lý đầu tiên cho các giao dịch thương mại trên mạng.