Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Unix - chặng đường hơn 30 năm
Unix là hình mẫu lý tưởng, biểu tượng quyền lực trong ngành công nghệ cũng như luôn được các chuyên gia lập trình ưa chuộng. Cái tên này đã có một lịch sử phát triển đầy vinh quang và sóng gió.
30 năm trước, phiên bản đầu tiên của Unix được Ken Thompson viết riêng cho PDP-7, máy tính giá lên tới 72.000 USD và bộ nhớ 8 KB cùng đĩa cứng dưới 1 MB của hãng Digital Equipment. Trong khi đó, desktop PC ngày nay giá thấp hơn đến hàng trăm lần nhưng lại có bộ nhớ gấp 64.000 lần và dung lượng ổ cứng lớn gấp 40.000 lần.
Phần mềm đó, dù đã được chỉnh sửa nhiều lần, luôn đứng vững qua bao thăng trầm lịch sử và vẫn là tâm điểm công nghệ của ngày hôm nay. Dennis Ritchie, đồng tác giả (với Ken Thompson) của C và Unix, cho biết nhân tố khiến chương trình Unix trở nên khả thi là vì Thompson đã gây ấn tượng lớn khi viết một trong những game đầu tiên dành cho máy tính, mang tên Space Travel, chạy trên PDP-7, và cũng ngẫu nhiên là chương trình đầu tiên hoạt động trên Unix.
Chính những hạn chế của máy tính thời đó đã làm cho phát kiến của Thompson và Ritchie trở nên có ảnh hưởng. Ngay từ những ngày đầu, hai tác giả này cùng đội nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Bell Labs đã tập trung vào thực hiện những điều chưa từng được làm. Đó là đơn giản hóa và thể hiện lại chương trình một cách rõ ràng, mạch lạc.
Tại thời điểm đó, phần cứng khác nhau được chạy trên những hệ điều hành riêng. Ngay cả Unix và C từ đầu đã được dự định để viết riêng cho PDP-11, phiên bản vượt trội so với PDP-7, bởi như Ritchie nói thì PDP-7 khi đó đã lỗi thời. Và thành công của trong việc thiết kế hệ thống WP (xử lý văn bản) của Unix chạy trên PDP-7 đã cho phép họ tiến tới PDP-11.
Trong quá trình chuyển phần mềm sang PDP-11, họ đã tiếp tục đạt được một thành tựu đáng tự hào khác. Unix đa phần được phát triển dựa trên C, nghĩa là hệ điều hành quản lý mọi hoạt động của PC này đã được viết trên “ngôn ngữ máy”, là điểm khác biệt so với những hệ thống máy tính cùng thời. Ngôn ngữ C được coi là ngôn ngữ “trình cao” nhờ mức độ trừu tượng, tổng quát hóa. Do đó, Unix có thể dễ dàng được tích hợp trong bất cứ một máy tính nào, miễn là có đủ bộ nhớ theo yêu cầu và trình biên dịch (chương trình dịch C sang ngôn ngữ máy) phù hợp với loại máy đó. Khả năng linh động này của hệ điều hành Unix chính là một trong hai nhân tố cơ bản dẫn đến thành công vang dội của nó, và ngôn ngữ lập trình C chính là chiếc chìa khóa vàng cho sự linh động đó.
Nhân tố thứ hai ở đây là "phương pháp tiếp cận công cụ phần mềm" mới của Unix - tách hệ thống phức tạp ra thành những phần mềm tách biệt, đơn giản, khiến hệ thống vận hành dễ dàng. Ví dụ như tính năng "paging" - nhu cầu chỉ hiển thị khối lượng thông tin trong phạm vi màn hình tại một thời điểm nhất định - đã được tách riêng thành một chương trình nhỏ. Tiến sỹ McIlroy là người đã phân chia hệ thống theo dạng "ống" cho phép nhiều chương trình khác nhau có thể trao đổi dữ liệu qua lại. Thời đó, đây là một điều không bình thường, kỳ quặc, thậm chí khiến nhóm Unix trở thành những kẻ lạc lõng, nhưng đó lại là động lực thúc đẩy họ nỗ lực hết mình hơn.
Năm 1958, hãng AT&T vướng vào vụ kiện chống độc quyền và bị yêu cầu phải cấp phép cho những công nghệ không liên quan tới điện thoại cho bất cứ ai có nhu cầu. Vì thế Unix và C được phân phối tới hầu hết các trường đại học ở Mỹ chỉ với một mức phí rất nhỏ. Tiếp đó, AT&T lại dính thêm một vụ kiện độc quyền nữa vào năm 1984, khiến cho ý định thương mại hóa Unix trở nên bất khả thi và vô tình dẫn đến sự chuyển biến sang mã nguồn mở ngày nay.
Giai đoạn tiếp theo của Unix rất trắc trở khi tiếp tục sa lầy vào các vụ kiện bản quyền. Năm 1977, một phiên bản Unix gây tranh cãi xuất hiện tại trường đại học California (Mỹ), được viết bởi cậu sinh viên mới tốt nghiệp Bill Joy - người sau này đã sáng lập ra Sun Microsystems. Cuộc tranh chấp về sở hữu phát minh của hai phiên bản Unix kéo dài trong suốt những năm 80.
Cuộc chiến này dẫn đến sự xuất hiện của một nhân vật mới. Năm 1991, một sinh viên không tên tuổi người Phần Lan đã tuyên bố sẽ viết bản dự án nguồn mở mới tương tự Unix từ hai bàn tay trắng. Kế hoạch của cậu sinh viên có tên Linus Torvalds đó hiện nay được cả thế giới biết đến với cái tên Linux. Linux ngày nay là sự kế thừa của Unix của những năm 70.
Chính sự giao thoa giữa yếu tố kỹ thuật và xã hội đã khiến C và Unix trở thành huyền thoại. David Gelernter, chuyên gia máy tính tại đại học Yale (Mỹ), đã tổng kết ngắn gọn rằng: "Vẻ đẹp có vai trò quan trọng đối với điện toán hơn bất cứ đâu trong ngành công nghệ vì phần mềm máy tính vốn rất phức tạp. Tiêu chuẩn của vẻ đẹp ở đây chính là khả năng phá bỏ đi sự phức tạp". Sản phẩm của Dennis Ritchie và Ken Thompson cùng cộng sự được coi là biểu tượng của vẻ đẹp trong hầu hết những phát minh công nghệ hiện đại của con người.