Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Ứng dụng băng thông rộng: Bài học Hàn Quốc
Ngay từ hồi mới chuyển đến dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc cách đây hai năm, Renck đã được trang bị một kết nối Internet tốc độ cao với tốc độ 8Mb/giây. Tại nước này, đó chỉ là tốc độ trung bình dành cho các căn hộ chung cư song đã nhanh gấp gần… tám lần so với truy cập băng thông rộng ở Mỹ. Với 8Mb/giây, Renck có thể thoả thích xem chương trình truyền hình, xây dựng các dự án đa phương tiện cho lớp học của mình, cũng như thường xuyên ghi nhật ký web.
Những việc Renck làm chẳng phải mới mẻ hay cách mạng gì cho cam. Đơn giản chỉ là nó diễn ra nhanh hơn nhiều so với ở Mỹ. Nhưng không đáng ngạc nhiên hay sao, chính điều đó đã khiến nó phần nào đấy giống với một cuộc cách mạng về ứng dụng công nghệ băng thông rộng? “Cho tới trước khi đến Hàn Quốc, tôi vẫn chưa nhận ra được thế giới web có thể mang lại cho mình nhiều thứ đến thế. Phải ở đây, tôi mới thấy thế nào là truy cập tốc độ cao thực thụ cũng như thông tin chuyển động nhanh đến mức nào.’’ - Renck nói.
Với người Mỹ, những người chưa từng một lần được tận hưởng niềm vui thích do tốc độ cao mang lại như Renck, sự chênh lệch này thật đáng xấu hổ và khó chịu. Nước Mỹ luôn tự coi mình là trung tâm của các phát minh công nghệ, dẫu cho Hàn Quốc đã đat được những bước tiến cực kỳ đáng kể trên con đường trở thành một trong những đầu tàu công nghệ mới của thế giới, sau thời huy hoàng đã qua của cơn sốt dotcom.
Nhiều quan chức và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhanh nhảu phủ nhận sự chênh lệch này, lập luận rằng mật độ dân số tại Hàn Quốc cho phép các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tốc độ cực cao cho số đông người sử dụng. Nhưng kể cả với những nét khác biệt về dân số và địa lý đó, thực tế đã chỉ rõ: Nước Mỹ có thể học được khối bài học đáng giá từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đạt được bước nhảy vọt về ứng dụng băng thông rộng. “Phần lớn sự tăng trưởng đều gắn chặt với tính cạnh tranh có hiệu quả, một việc ít thấy tại nhiều nơi trên nước Mỹ.’’ - Taylor Reynolds, nhà phân tích của Liên minh Viễn thông Quốc tế nhận định.
Sức mạnh của game
Trò game trực tuyến phổ biến nhất thế giới là Lineage, một game nhập vai của Hàn Quốc. Game trực tuyến có thị phần cao gấp ba lần so với game PC tại Hàn Quốc Thị trường game Hàn Quốc dự kiến đạt tới 4,3 tỷ USD vào năm 2005. |
Game trực tuyến là nhân tố chủ chốt thúc đẩy nhu cầu về băng thông rộng tại Hàn Quốc trong vòng nửa thập kỷ gần đây. Hàn Quốc có tới ba kênh truyền hình dành riêng cho game. Một series sách dạy tiếng Anh thông qua trò game StarCraft. Ngay tổng thống Hàn Quốc cũng là vị chủ tịch danh dự của Tổ chức World Cyber Games. Những game thủ thắng cuộc nổi tiếng chẳng kém gì các siêu sao thể thao tại Mỹ. Trái tim của cơn sốt game này chính là các PC Baang (Quán Internet) Học sinh, sinh viên Hàn Quốc lũ lượt kéo nhau tới PC Baang để chơi game, giao tiếp và lướt web. Mặc dù băng thông rộng tại nhà đã phát triển rộng hơn song PC Baang vẫn luôn là điểm hẹn dừng chân yêu thích trên các con phố của giới trẻ.
Một chính sách đúng đắn
Chính phủ Hàn Quốc có quan điểm đặc biệt rõ ràng về hiện đại hoá cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia, hoàn toàn tương phản với chính sách lẩn quẩn làm vướng chân nền viễn thông Mỹ trong hàng thập kỷ qua. Hạt nhân của quan điểm này là sáng kiến công nghệ quốc gia nhằm vực lại một nền kinh tế vừa bị khủng hoảng nặng nề - đó là tạo ra môi trường cạnh tranh đích thực cho băng thông rộng, từ đó vừa giúp hạ thấp giá thành truy cập, vừa cải thiện được tốc độ đường truyền.
Dẫu cho nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song Hàn Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực công nghệ số. Người dân nước này có thể xem video theo yêu cầu trực tuyến, kể cả video độ phân giải cao với giá còn thấp hơn… tiền thuê DVD của người Mỹ. Những sinh viên thu nhập thấp có thể sử dụng kết nối Net tốc độ cao để tham gia các lớp phụ đạo miễn phí cho kỳ thi Năng lực Quốc gia, một kỳ thi giống như SAT quyết định đến việc vào đại học và nghề nghiệp tương lai của họ.
Những thành tựu này còn trở nên ấn tượng hơn, nếu nhớ lại xuất phát điểm về công nghệ của Hàn Quốc: Vào năm 1995, chưa đến 1% người dân nước này sử dụng Internet, mặc dù có khá đông thuê bao mạng nội bộ tiếng Hàn giống như AOL hay CompuServe hồi cuối những năm 1980. Thế nhưng đến 2004, đã có tới trên 71% hộ gia đình đăng ký thuê bao dịch vụ Net băng thông rộng.
Quyết định tập trung cho băng thông rộng được bắt đầu từ giữa thập niên 1990, nhưng đặc biệt mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách quốc gia đã xác định công nghệ chính là khu vực then chốt để khôi phục cơ thể kinh tế nói chung. Họ vạch ra một lộ trình rõ ràng cho ngành công nghiệp mạng trong nước với những mục tiêu quốc gia về phổ cập hoá. Tất cả các văn phòng và chung cư lớn sẽ được cung cấp kết nối sợi quang trước năm 1997. Đến năm 2000, 30% hộ gia đình có truy cập băng thông rộng thông qua đường cáp hoặc DSL. Đến năm 2005, hơn 80% số hộ truy cập được vào kết nối tốc độ lên tới 20Mb/giây, tốc độ đủ để truyền hình độ phân giải cao.
Chưa hết, chính phủ còn chi 24 tỷ USD để xây dựng mạng xương sống tốc độ cao liên kết các cơ quan và viện trực thuộc chính phủ với nhau. Ngay cả những người Mỹ hoài nghi cũng phải thừa nhận vai trò ủng hộ và tập trung cao độ cho công nghệ của chính phủ Hàn Quốc xứng đáng là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo trong công cuộc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng của mình. “Đó là bài học về việc xác định mục tiêu và cung cấp đủ sự hỗ trợ cần thiết để đạt được mục tiêu đó.’’ - David Young, giám đốc chiến lược của Verizon Communications nói.
Lợi nhuận tích tụ từ các nội dung trực tuyến cũng bùng nổ không kém. Các công ty cung cấp dịch vụ nhật ký và game trực tuyến như Cyworld đã thâm nhập vào mọi mặt, mọi thành phần xã hội, trở thành một “nỗi ám ảnh’’ mang tính quốc gia. Ngay cả các quan chức tập đoàn cũng ghi chép lại cuộc sống thường nhật của mình lên các site nhật ký. Sự toả khắp của băng thông rộng tại Hàn Quốc là một trong những lý do chủ chốt kiến cho Intel mạnh dạn đầu tư xây dựng nguyên một phòng thí nghiệm mới về “Ngôi nhà số’’ tại Seoul. Nhiệm vụ của phòng thí nghiệm này là nghiên cứu cách người Hàn quốc sử dụng Internet từ mua sắm cho đến chơi game để nắm được cách thức ứng dụng phát triển công nghệ tại các nước khác như thế nào.
Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với mọi chương trình thử nghiệm băng thông rộng quy mô lớn vẫn là nhu cầu từ phía người sử dụng. Sở dĩ băng thông rộng chậm tiến tại Mỹ và nhiều nước khác là do người ta không dám chắc về mức độ rộng rãi mà người dân sẵn sàng chi trả cho những cơ sở hạ tầng đắt tiền phục vụ cho dịch vụ này. Chính vì thế, cả ngành công nghiệp cứ cứng đờ người ra trong nhiều năm, chờ đợi một hãng khác “liều mình thử trước’’, đầu tư vào sản phẩm băng thông rộng. Nhưng thực tế từ Hàn Quốc đã chứng minh: Nếu bạn xây dựng mạng, khách hàng chắc chắn sẽ tìm đến!
Mạng chung cư
Tại Hàn Quốc, các toà nhà chung cư mọc san sát, giúp cho các hãng viễn thông không gặp nhiều khó khăn trong việc lắp đặt đường cáp quang để cung cấp đường thuê bao số tốc độ rất cao VDSL. VDSL có thể đạt tới 50-100Mb trên đường cáp đồng ngắn, do đó tỏ ra đặc biệt thích hợp với các chung cư. Tuy vậy, tại những nước mà khoảng cách từ nhà cho đến văn phòng trung tâm của hãng viễn thông xa hơn thì VDSL lại không phải lựa chọn tối ưu. Chính vì thế, các hãng viễn thông lớn vẫn đang chờ đợi sự ra đời của công nghệ dây thế hệ mới - sợi quang học.
Khi đã có được nhu cầu từ phía người dân, phần việc còn lại là phải xây dựng được hệ thống mạng hoàn chỉnh và các dịch vụ cung cấp phải vừa phải với túi tiền của đại bộ phận quần chúng. Để đảm bảo điều này, chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ cùng các nhà cung cấp, khuyến khích đầu tư và đề ra các chiến lược phát triển tập thể nhưng vẫn dựa trên nền tảng cạnh tranh lẫn nhau. Hiện nay, phần lớn thuê bao đều đăng ký dịch vụ của Korea Telecom, song chính phủ đang khuyến khích và hỗ trợ các đối thủ bằng một chương trình cho vay lãi suất thấp áp dụng với những hãng xây dựng mạng băng thông rộng của riêng mình. Ngay Korea Telecom cũng nhận được động lực không nhỏ từ phía chính phủ. Từng một thời là doanh nghiệp độc quyền của nhà nước, hãng viễn thông này đã được chuyển giao sang sở hữu tư nhân từ năm 1993, mặc dù chính phủ vẫn giữ lại một số cổ phần cho đến năm 2002. Khi đó, chính phủ chấp nhận cho Korea Telekom được tư nhân hoá hoàn toàn với điều kiện hãng này phải mang băng thông rộng (được định nghĩa là kết nối tốc độ 1Mb/giây) đến tất cả các làng trong cả nước.
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông không chỉ được thể hiện qua việc hạ giá cước, nâng tốc độ truy cập mà còn thể hiện trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Hanaro Telekom, hãng viễn thông lớn thứ hai Hàn Quốc cung cấp một dịch vụ hỗ trợ máy tính, chuyên chẩn đoán sự cố máy tính từ xa thông qua kết nối băng thông rộng, đồng thời cử kỹ thuật viên đến tận nơi nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số hãng khác lại triển khai các dịch vụ tư vấn thị trường và thiết bị sang Nga và các nước Đông Nam Á, khi giới hạn tốc độ tối đa vào thời điểm này chỉ có thể đạt tới 20Mb/giây.