Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Tương lai cho mã mở ở Việt Nam còn mờ mịt
"Tôi chắc chắn rằng còn lâu chúng ta mới có thể phát triển được mã mở, kể cả trong vòng 5 năm nữa", ông Nguyễn Chí Công, Ban Đề án 112, nhận định. Tuy vậy, đa phần ý kiến các chuyên gia vẫn khẳng định mã mở là xu hướng tất yếu và cần thiết cho Việt Nam.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến độc giả qua mạng của VnExpress, hơn 30% trên tổng số 10.448 người tham gia cho rằng trở ngại khiến mã mở chưa thể phổ biến tại VN là do thói quen dùng phần mềm sao chép lậu.
"Có nhiều lý do để mã mở chưa thể phổ biến, nhưng quan trọng nhất là các phần mềm mã đóng ở VN hiện nay được sử dụng một cách thoải mái mà không mất tiền", ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS, nói.
Nhiều người hy vọng với việc thanh tra các công ty máy tính cùng chiến dịch xóa bỏ phần mềm bất hợp pháp của Chính phủ mới đây, phần mềm mã mở sẽ được người tiêu dùng quan tâm. "Nếu vấn đề bản quyền được thực hiện triệt để thì tỷ lệ giữa mã mở và mã đóng có thể sẽ là 30/70", ông Quảng nhận định.
Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản. Một trong số những hạn chế là nguồn nhân lực nội địa còn quá mỏng. Vì vậy, giáo dục rất có ý nghĩa với mã mở trên cả hai phương diện: ứng dụng và đào tạo. Mã mở là cơ hội để giới trẻ học tập vì đó là một kho kiến thức công nghệ dồi dào. "Việc thanh niên đam mê, tìm tòi và sáng tạo trên đó cũng đồng nghĩa với việc nhân lên nguồn nhân lực trong tương lai. Linux xuất phát từ trường đại học là tấm gương để sinh viên VN có thể soi vào đó", ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định.
Phó chủ tịch VINASA Nguyễn Nhật Quang phân tích: "Cơ hội cho phần mềm nguồn mở phụ thuộc vào 3 yếu tố. Đầu tiên là sự phát triển tự phát của cộng đồng công nghệ (như: sinh viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu độc lập, những người yêu thích triết lý nguồn mở...). Bên cạnh đó là sức kéo của nhu cầu, trước hết là thị trường chính phủ, các doanh nghiệp làm phần cứng cần phần mềm nhúng... Cuối cùng là động lực từ chính phủ (các đề án nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm và đặc biệt là chính sách khuyến khích nghiên cứu và sử dụng). Cả 3 yếu tố này ở Việt Nam chưa đủ nên nguồn mở chưa thể phát triển".
Cũng theo ông Quang, phần mềm nguồn mở cần phải hiểu rộng hơn là Linux hay thậm chí GNU. Các công ty phần mềm chuyên nghiệp khi làm sản phẩm theo đơn đặt hàng thường vẫn phải giao nộp mã nguồn cho người mua. Khi đó, việc mở hay không ít phụ thuộc vào công ty thiết kế ra sản phẩm mà là vào người sở hữu. Ví dụ, một cơ quan hành chính Nhà nước có thể đặt hàng 1 phần mềm chạy trên Windows và công khai mã nguồn cho mọi người phát triển tiếp thì cũng có thể hiểu là nguồn mở. "Mã mở có nghĩa là mở toang mã cho mọi người cùng thấy. Vậy thì cần phải hiểu rằng không chỉ có Linux hay Unix là mã mở", ông Công đồng tình.
Theo các chuyên gia, muốn làm nguồn mở thì phải hiểu sâu về những vấn đề nền tảng như: hệ điều hành, cấu tạo máy tính, trình quản trị cơ sở dữ liệu... Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Làm thế nào để phát triển phần mềm nguồn mở là một bài toán khó, ngay như hiệu quả phổ biến phần mềm mã đóng còn chưa được như mong muốn. Do vậy, để phát triển và nhân rộng ứng dụng phần mềm mở phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các trường đại học và việc thay đổi nhận thức của các công ty phần mềm chuyên nghiệp.