Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
TSMC - chân dung thu nhỏ của ngành công nghiệp bán dẫn
Thung lũng Silicon Mỹ đã tạo nên những kỳ tích trong ngành điện tử - viễn thông, nhưng sản phẩm then chốt cho trung tâm này - chip điện tử - lại xuất xưởng từ Đài Loan, với đại diện tiêu biểu là Công ty chế tạo sản phẩm bán dẫn TSMC.
Kể từ khi thành lập vào năm 1987 tại Khu Công nghiệp Hsin-chu, công ty đã gặt hái được nhiều thành công trên nước Mỹ xa xôi. Vào năm 2002, TSMC đã trở thành hãng sản xuất vật liệu bán dẫn đầu tiên lọt vào Top 10 công ty sản xuất mạch tích hợp IC bán được sản phẩm rộng rãi trên thị trường thế giới và hiện nay doanh thu của công ty chiếm 60% thị phần trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu.
Họ đã nhận được sự tín nhiệm và hợp tác từ nhiều hãng lớn của Mỹ như Qualcomm, Broadcom , Nvidia, và cả những công ty mới có sản phẩm tung ra thị trường trong 6 tháng vừa qua hoặc vẫn đang trong giai đoạn phát triển (chiếm gần một nửa số 300 khách hàng của hãng) như NuCORE - công ty công nghệ số và analog trong Silicon Valley.
NuCORE đã đặt quan hệ làm ăn với TSMC kể từ khi hãng này xuất xưởng loại chip đầu tiên vào năm 2001. Trong vòng hai năm qua, các kỹ sư của TSMC đã hợp tác với NuCORE trong kế hoạch mới sản xuất một bộ vi xử lý có tên mã là Puma. Sản phẩm này sẽ giúp các nhà sản xuất phim của Mỹ kết hợp được những video đa phương tiện có độ phân giải cao vào trong máy quay xách tay.
Nvidia, công ty hàng đầu về thiết kế chip đồ họa máy tính cho các dòng máy chơi game như Xbox của Microsoft hay PlayStation của Sony, cũng đã tìm đến TSMC. "Sự hợp tác của chúng tôi với TSMC đã trở nên thân thiết do việc kết hợp kinh doanh đã đạt những bước tiến mới", Chris A. Malachowsky, Phó giám đốc điều hành của Nvidia về lĩnh vực kỹ thuật, phát biểu. Nvidia đang đưa ra một loạt các thiết bị có gắn transistor chỉ cách nhau 90 nanometre (một nanometre bằng một phần tỷ mét) - một kỹ thuật được coi là đột phá hiện nay. Hãng này còn lập kế hoạch với TSMC để tăng cường mật độ của chip với khoảng cách 65 nanometre giữa các transistor. Họ đã dùng 350 triệu USD để phát triển một dòng chip mới với "tuổi thọ thị trường" tối đa là một năm. Do đó, nếu ra đời muộn hơn một tháng thôi là chip có thể bị mất ưu thế về lợi nhuận.
TSMC và các đối thủ đang lao vào chuẩn bị cho những thử thách mới. Với nguồn quỹ đầu tư 400 triệu USD cho nghiên cứu, TSMC tuyên bố lập kế hoạch sản xuất một transistor với khoảng cách giữa 2 kênh dẫn (line width) chỉ là 10 nanometre - một thế hệ phải mất 10 năm nữa mới hoàn thành.
Bức tranh của ngành công nghệ bán dẫn Đài Loan khá sáng sủa khi những nhà máy sản xuất chip theo hợp đồng đã thống lĩnh thị trường thế giới với giá trị 16 tỷ USD. Các nhà máy Đài Loan đã trở thành chìa khóa thành công của hầu hết công ty thiết bị bán dẫn Mỹ và họ mang đến cho khách hàng cả một "thư viện" thiết kế chip - đó là các phần mã mà nhà phát triển có thể bổ sung vào thiết kế gốc.