Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực
Bí quyết nào để chuyển từ hoàn cảnh "người Bưu điện chưa sống được bằng nghề Bưu điện" sang giai đoạn hiện đại hoá mạng lưới và phát triển nhảy vọt với chiến lược tiên tiến, tương thích và toàn cầu? Phỏng vấn bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) Đỗ Trung Tá về những bước ngoặt và mục tiêu mới của ngành BC-VT Việt Nam.
- Thưa Bộ trưởng, 59 năm qua, đâu là những đóng góp của ngành Bưu điện đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
- Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Ngày 15/8/1945, tại Tân Trào, hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định thành lập Ban Giao thông Chuyên môn, lúc đó có cả giao liên và thông tin liên lạc. Từ đó, ngành Bưu điện lấy đây là ngày truyền thống của ngành.
59 năm qua, ngành Bưu điện không ngừng phát triển và liên tục đổi mới. Bước khởi đầu là từ năm 1995, tách chức năng quản lý nhà nước khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh và xóa bỏ độc quyền công ty. Tổng cục Bưu điện chỉ làm chức năng quản lý nhà nước, Nhà nước cho phép thành lập Tổng Công ty BC-VT Việt Nam (VNPT) hoạt động theo Nghị định 91/CP. Cũng trong năm 1995, Nhà nước cho thành lập Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty cổ phần Dịch vụ BC-VT Sài Gòn (SPT).
Năm 2002, Bộ BC-VT được thành lập, ngoài chức năng quản lý nhà nước về BC-VT, thêm chức năng quản lý công nghệ thông tin (CNTT), Internet, tần số vô tuyến điện, phát thanh truyền hình, điện tử, công nghiệp CNTT…
Đến nay, ngành có những bước tiến rất lớn. Nhà nước đã tặng cho ngành BC-VT những phần thưởng rất cao quý. Năm 1990, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1995, được trao tặng Huân chương Sao Vàng. Năm 1997, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 1999, Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cả ngành có hơn một vạn liệt sĩ; 45/61 đơn vị Bưu điện tỉnh, thành được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang; 20 tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trong kết quả của ngành, phải kể đến vai trò chủ lực của VNPT. Từ khi thành lập đến nay, VNPT luôn giữ được mức tăng trưởng 14%, đảm bảo thông tin cho sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tổng lợi nhuận và tổng nộp ngân sách 13,6%/năm. Giai đoạn 1995 -2003, VNPT đã đầu tư 38.114 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước cấp 3.140 tỷ đồng, chiếm khoảng 8%); tổng doanh thu phát sinh là 132.178 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 40.714 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách 23.687 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (năm 1995 Nhà nước giao doanh nghiệp) 2.111 tỷ đồng, nay phát triển thành 26.432 tỷ đồng, tăng gần 14 lần. Tổng tài sản năm 1995 Nhà nước giao là 6.621 tỷ đồng, đến nay là 48.000 tỷ đồng.
Có thể nói: VNPT thực sự giữ vai trò chủ lực, không chỉ kinh doanh mà làm tốt nhiệm vụ xã hội và nghĩa vụ công ích. Hiện nay, 95% số xã có điện thoại, 86% số xã có báo đến trong ngày; từ năm 1998 bắt đầu xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã, nay có 7.550 điểm - trong đó có trên 6.700 điểm đã hoạt động. Công nghệ đã hoàn toàn hiện đại, trình độ công nghệ ngang với các nước tiến tiến trong khu vực. Công nghiệp trong nước đã sản xuất được những thiết bị hiện đại, chiếm khoảng 40% giá trị thiết bị và có xuất khẩu. VNPT đã mở nhiều dịch vụ mới dùng công nghệ IP như VOIP, IP Telephony tạo thuận lợi cho người có thu nhập thấp.
VNPT cũng gương mẫu trong việc giảm giá cước: trong giai đoạn 1995-2004 giảm cước di động chín lần, giảm cước quốc tế mười lần. Cước IDD, cước Internet, cước di động của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức bình quân của khu vực. Hoạt động của VNPT vẫn có mức tăng trưởng khá, tổng doanh thu phát sinh sáu tháng đầu năm 2004 là hơn 13.000 tỷ đồng, dự kiến cuối năm là 29.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 4.000 tỷ đồng.
Từ khi có chính sách mở cửa thị trường, thành lập Bộ BC-VT, không khí kinh doanh, phát triển trong lĩnh vực BC-VT, CNTT có bước tiến rất lớn. Hiện có năm công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động. Về CNTT, năm 2000 Việt Nam chưa có tên trong bản đồ CNTT thế giới nhưng giai đoạn 2001–2002, xét về chỉ số sẵn sàng mạng lưới, Việt Nam xếp thứ 74; năm 2002 lên thứ 71; năm 2003-2004 thứ 68 (điều thú vị là Philipines có thu nhập cao hơn ta nhưng lại đứng thứ 69). Theo đánh giá của các chuyên gia CNTT, CNTT Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 28%/năm. Tổng giá trị CNTT và truyền thông (ICT) năm 2003 khoảng hai tỷ USD, năm 2004 triển vọng sẽ lớn hơn vì riêng VNPT có doanh số đã gần hai tỷ USD.
- Trong hơn nửa thế kỷ qua, sự kiện nào là bước ngoặt lớn nhất của ngành, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Năm 1984, ngành Bưu điện khó khăn, nhiều người chuyển ngành - "người Bưu điện chưa sống được bằng nghề Bưu điện". Lúc đó, mạng lưới đang sử dụng công nghệ analog. Sau khi đã cân nhắc kỹ ưu việt của công nghệ analog và công nghệ số (digital), lãnh đạo đã quyết định định đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Khó khăn thứ nhất ở lúc đó là không có vốn – toàn ngành không có được 1 triệu USD. Thứ hai là mạng analog lúc đó tuy hiện đại so với các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng lại mới nhập về. Đang trong lúc không có vốn lại bỏ thiết bị đó để mua thiết bị mới nên nhiều người băn khoăn, cho rằng nên mua thiết bị cũ của các nước đế sử dụng, khi nào có tiền thì thay đổi. Con đường mở mang nhất là phải kết hợp công nghệ hiện đại với hợp tác quốc tế. Đó là lý do mà Tổng cục Bưu điện giải tán Vụ Khoa học-Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, lập Vụ Phát triển Kỹ thuật Quan hệ Đối ngoại.
Năm 1987, ngành đã đề xuất được hướng "lấy ngoài nuôi trong" bằng cách hợp tác với Úc để làm điện thoại quốc tế. Lúc đầu, mỗi bên được 2 triệu USD, rồi 4,7 triệu rồi vượt 5 triệu, đến 9,8 triệu USD mỗi bên. Khi có 2 triệu USD, ta bàn với Úc là góp vốn, bạn góp 80%, mình góp 20% mua hai tổng đài vệ tinh ở phía Bắc và phía Nam (mỗi cái 5 triệu USD). Sau đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh, bạn tiếp tục đầu tư đến 97 triệu USD, ăn chia 68/32 (Việt Nam 68%). Từ đó, có lợi nhuận để đầu tư tổng đài trong nước. Năm 1995, thấy cách làm ăn tốt, ta tiếp tục mở BCC về thông tin di động với Comvik của Thụy Điển bởi đây là một nước trung lập. Đến nay, đã thành công: Năm 2005 hết hạn hợp đồng, ngoài việc thu được 550 triệu USD trong mười năm hợp tác, ta còn được tổng tài sản khoảng 200 triệu USD.
Trong lĩnh vực điện thoại nội hạt, ta cũng được hợp đồng hợp hợp tác kinh doanh với Nhật khoảng hơn 200 triệu USD, hợp đồng với Pháp khoảng gần 500 triệu USD, với Hàn Quốc 40 triệu USD. Cho đến nay, tổng tài sản của Việt Nam (không kể tài sản họ mang vào) đã đạt 48.000 tỷ đồng.
Nhờ chủ trương "lấy ngoài nuôi trong", ngành đã hiện đại hoá được mạng lưới. Sau đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong nước như cáp quang, tổng đài, thiết bị truyền dẫn và hiện nay là cả di động
.Trong giai đoạn 1993-2000, ngành thực hiện thành công chiến lược Tăng tốc, sau đó chuyển ngay sang chiến lược Hội nhập và Phát triển nhằm chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh toàn diện. Việt Nam là thành viên của Hội đồng Điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ba khóa, đồng thời là thành viên của Ban chấp hành Đại Hội đồng Điều hành của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) khóa thứ nhất.
Năm 1996, Việt Nam lần đầu tiên đạt một triệu máy điện thoại, đến năm 2004 đạt chín triệu máy. Tháng 4/2003, đánh dấu việc chuyển toàn bộ từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các dịch vụ. Đây là bước tiến mới so với năm 1995.
Năm 1997 mới có Internet, nay đã có 5% dân số sử dụng; nhiều dịch vụ mới ra đời. Đến nay, chúng ta hoàn toàn làm chủ được công nghệ mới và có những bước tiến vững chắc. Các quy trình sau không phủ định cái có trước, không lãng phí, luôn phù hợp chiến lược tiên tiến, tương thích và toàn cầu. Điện thoại cố định đang phát triển lên hệ thống NGN cho tất cả các dịch vụ thoại và phi thoại, di động đang thử nghiệm thế hệ 2,5G với WAP, Internet tốc độ thấp và tiến tới tự động hóa các khâu trong gia đình, công sở và các dịch vụ tài chính trên máy di động...
- Đâu là mục tiêu chính của ngành trong những năm tới, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Đến năm 2010, Việt Nam phải đạt trình độ phát triển trung bình khá trong khu vực ASEAN. Năm 2020, trở thành một trong những nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về phát triển và ứng dụng CNTT.
Ở năm 2010, dự kiến mật độ điện thoại nói chung là 32-35%; mật độ điện thoại cố định là 14-15%; điện thoại di động là 18-20%; thuê bao Internet dự kiến sẽ tăng mười lần so với hiện nay, đạt 50% dân số - trong đó có bốn triệu thuê bao Internet băng rộng; giá trị CNTT đạt 6-7 tỷ USD.
- Xin cám ơn Bộ trưởng!