Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Tính cước sai còn dọa cắt dịch vụ?
Trên các diễn đàn tin học VN hiện có không ít thuê bao dịch vụ Mega VNN đang phản đối quyết liệt việc Bưu điện Hà Nội tính cước sai khiến họ phải thanh toán một khoản tiền cao đến chóng mặt mỗi tháng.
Đáng lưu ý hơn, không những không giải quyết thấu đáo đơn khiếu nại của họ, ông bưu điện còn dọa sẽ cắt dịch vụ nếu các “thượng đế” không trả tiền cước đúng thời hạn...
Tính sai đến 700 lần?!
Nguyễn Nam Phong - một kỹ sư công nghệ thông tin thuộc Công ty máy tính Hồng Quang, Hà Nội - cho biết nếu tháng tư và năm anh chỉ dùng hết 250.000 - 300.000 đồng Internet mỗi tháng thì hai tháng gần đây anh luôn nhận được giấy báo phải trả hơn 1 triệu đồng/tháng, trong khi anh chỉ đọc tin, duyệt web và nhắn tin.
“Tôi vẫn dùng như những tháng trước, không download gì, vậy mà bưu điện báo tháng sáu dùng 320.871 Megabyte, tháng bảy: 344.801 Megabyte, trong khi cả tháng năm chỉ hết 460 Megabyte. Con số mới này cao gấp 700 lần. May mà bưu điện quy định từ 11.884 Megabyte trở lên được dùng miễn phí, nếu không thì tháng vừa qua tôi phải trả tới gần chục triệu đồng.
Đặc biệt, có lúc hệ thống tính cước báo cáo đã truyền tải tới 30 Gigabyte trong vòng 104 phút, hay 36 Megabit/giây, vượt gấp 18 lần tốc độ lý thuyết của MegaVNN (2 Megabitps), chưa nói tới tốc độ thực tế download thông thường chỉ đạt vài chục tới vài trăm Kbps. Đây là con số chưa mạng nào ở VN có thể thực hiện được”, anh Phong cho biết.
Chưa hết, trong bảng tính cước tháng bảy còn có nhiều nhầm lẫn về thời gian. Ví dụ thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ trong ngày 6-7: từ 23g ngày 6-7, nhưng thời gian kết thúc sử dụng hệ thống lại báo là 16g ngày 3-7, trong khi lẽ ra nó phải là thời điểm sau thời gian bắt đầu. Không chỉ có vậy, khi xem cước tháng 8-2004, một số khách hàng còn bị hệ thống tính cước cộng cả phần của tháng 8-2003.
Là một kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Học viện Kỹ thuật mật mã, anh Phong luôn đề cao khả năng bảo mật cho hệ thống. Anh tâm sự: “Tôi liên tục đổi mật khẩu và quét virus hệ thống cũng như cài phần mềm tường lửa. Mật khẩu tài khoản sử dụng của tôi dài tới 20 ký tự.
Còn nếu nói khả năng tin tặc từ xa nối vào máy của tôi để truy cập thì càng không thể, vì nếu nối vào máy thì đèn trên modem phải nháy đỏ liên tục, nhưng tôi theo dõi không có hiện tượng đó. Hơn nữa, với dung lượng sử dụng lên tới 344.801 Megabyte, cả xóm vài trăm hộ gom lại dùng cũng chẳng hết được, trong khi ổ cứng của tôi chỉ 40 GB thì làm sao chứa hết dung lượng dữ liệu này”, anh Phong bức xúc.
Không chỉ anh Phong mà nhiều người dùng khác cũng gặp cảnh tương tự, thậm chí còn tệ hơn thế. Cụ thể là chị Nguyễn Thu Huyền ở phố Giang Văn Minh, Hà Nội, không hề bật máy sử dụng, thậm chí đã cắt điện thoại cố định, vậy mà cuối tháng vẫn bị yêu cầu phải trả hơn 1 triệu đồng/tháng trong hai tháng liền.
Bức xúc trước vấn đề này chị đã gửi đơn khiếu nại, nhưng bưu điện phán một câu xanh rờn: “Kiểm tra tính logic của thông tin chi tiết thấy không có sự bất hợp lý nào. Chúng tôi không có cơ sở để nghi ngờ tính chính xác của số liệu cước”.
Giải thích cho qua chuyện?
Trả lời vấn đề này, một quan chức Bưu điện Hà Nội cho biết đây là do lỗi phần mềm tính cước chứ không phải chủ trương của ngành bưu điện. Hiện đơn vị tin học đang tiến hành khắc phục sự cố và kiểm tra cụ thể để trả lời khách hàng, đồng thời kết hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Quan chức này khẳng định nếu như bưu điện sai sẽ trả lại tiền khách hàng.
Thế nhưng có nhiều trường hợp đã khiếu nại hơn một tháng nay vẫn chưa thấy hồi âm gì từ phía bưu điện. Anh Phong cho biết: “Khi thấy con số bất thường, tôi in bảng cước và mang khiếu nại bưu điện từ 15-7. Một nhân viên bưu điện xác nhận đây là do lỗi phần mềm của đơn vị tin học và sẽ tiến hành kiểm tra giải quyết. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy người đến kiểm tra và hồi âm gì.
Và cứ theo bảng tính cước hiện nay, rất có thể tôi lại phải trả tiền oan thêm 1 triệu đồng cho tháng tám như hai tháng trước, vì hệ thống báo tôi đã dùng tới 65GB trong bảy ngày đầu tháng tám này!”.
Chị Lê Hoàng Yến, một khách hàng dùng dịch vụ ADSL, đặt câu hỏi: “Bưu điện làm ăn quá ẩu. Đối với những khách hàng bị tính cước sai nhiều thì họ còn phát hiện được, nhưng những trường hợp bị tính sai vài chục, vài trăm nghìn mà người dùng không nhận ra thì khoản chênh lệch sẽ rơi vào tay ai?”.