Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Tin tưởng và hy vọng vào... kỷ nguyên số!
Khá lâu rồi bạn trẻ mới có cơ hội “giải khát” thoải mái “món Internet miễn phí” như hôm 17-4, ngày hội “Tin học Thư hùng” do Báo Tuổi Trẻ và Intel tổ chức (công ty tổ chức sự kiện metan thực hiện).
Ngày hội diễn ra tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Và không chỉ có thế, đến với ngày hội này các bạn trẻ còn có dịp tìm hiểu nhiều công nghệ mới nhất của ngành công nghệ thông tin - viễn thông.
Một ngày không ngơi nghỉ...
Có lẽ ngày 17-4 là ngày “bội thực” của nhiều bạn trẻ đến với ngày hội và mê mẩn lướt trên xa lộ thông tin. Dù Ban Tổ chức hết sức cố gắng bố trí số lượng máy nối mạng khá lớn nhưng dường như không thể đáp ứng nổi nhu cầu của các bạn.
Có bạn chuẩn bị sẵn các đĩa mềm, bộ nhớ rời... và lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng “click” vào các địa chỉ web cần thiết, tìm kiếm thông tin rồi ghi vào đĩa, vào bộ nhớ để làm tư liệu cho riêng mình.
Bạn Nguyễn Minh Thái, SV năm 4 khoa Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa), bộc bạch: “Với SV, ngày hội này là cơ hội gặp gỡ, học hỏi thêm rất nhiều kiến thức mới, cập nhật thêm những điều đã lĩnh hội trên giảng đường mà chưa có cơ hội chứng kiến thực tế”.
Bạn Đặng Phước Quang - học viên cao học xây dựng công trình thủy ĐH Bách khoa - thì cho biết vừa rời lớp là chạy thẳng đến “Tin học thư hùng” để xem có gì hay. Tại gian hàng Báo Tuổi Trẻ, Quang vừa đọc vừa chép những thông tin trên trang “Nhịp sống số” của báo trưng bày tại đây.
Quang nói: “Trên trang này có nhiều thông tin bổ ích, những mục nhỏ về thủ thuật tin học rất cần cho công việc. Mình chép những thông tin về máy ảnh số giá bình dân đưa cho “sếp” tham khảo để có thêm thông tin, lựa chọn loại máy phù hợp trang bị cho cơ quan”.
Nếu như các gian hàng truy cập Internet không dây miễn phí lúc nào cũng đông đúc thì các bài giới thiệu công nghệ mới nhất cũng không kém phần hấp dẫn. Dù cái nóng hầm hập táp vào mặt, những vầng trán lấm tấm mồ hôi… nhưng các bạn vẫn say sưa nghe diễn thuyết về những cái mới nhất của thế giới công nghệ thông tin (CNTT) đầy tính lôi cuốn.
SV và doanh nghiệp cần gì lẫn nhau?
Đây cũng là vấn đề “thời sự” được đông đảo bạn trẻ chú ý. Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA, một DN gia công phần mềm hàng đầu ở VN – gần như dốc hết hơi để nói với các SV về những gì mà một DN làm phần mềm cần có ở nhân viên của mình.
Đối với một kỹ sư trẻ, ông Lệ có mấy điều mong muốn: có nền tảng kỹ thuật vững chắc; có khả năng phân tích, tiếp thu nhanh các kỹ thuật, công nghệ mới; tự tin, có trách nhiệm, kỷ luật và nghiêm túc trong công việc; khả năng ăn nói; khả năng làm việc theo nhóm, tinh thần đồng đội...
Ông Lệ nói có vài trường hợp thật đáng tiếc, chỉ mới làm được vài tháng rồi đưa đơn xin nghỉ chỉ với lý do là công việc căng quá! “Tự tin là tính cách không thể thiếu ở các bạn trẻ” - ông Lệ đặc biệt nhấn mạnh.
Chia sẻ với ông Lệ, ông Hoàng Minh Châu - Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT - cũng khuyên chân tình rằng “các bạn trẻ hãy chọn nơi thách thức nhất, khó khăn nhất để khởi đầu sự nghiệp. Bởi nơi đó mới chính là môi trường được học hỏi nhiều nhất, có cơ hội cọ xát với thực tế luôn biến động từng ngày”. Ông Châu phàn nàn “nhiều bạn trẻ cứ chăm chăm tìm kiếm nơi có lương cao để làm việc. Đó là sai lầm!”.
Nhiều SV có cùng thắc mắc: “Các công ty khi tuyển người yêu cầu có kinh nghiệm mà SV mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?”. Lý giải cho câu hỏi gần như mang tính “qui luật” này, ông Châu nói: “Cái cần trước tiên là người có năng lực, hoài bão, ước vọng tuổi trẻ... Còn kinh nghiệm ư? Chỉ cần kinh nghiệm trong thời SV đi rửa chén, tiếp thị, phục vụ bàn ở các nhà hàng hay làm “thủ lĩnh” Đoàn...
Khi các bạn làm những việc này là đã có kinh nghiệm cọ xát thực tế. Chẳng hạn như làm phục vụ bàn cũng biết thế nào là tôn trọng khách hàng”. Ông Lê Thanh Hùng - giám đốc Công ty tin học T&H - có yêu cầu ngắn gọn: “Các bạn phải có niềm đam mê công việc, làm hết mình và chơi cũng hết mình...”.
Còn các bạn trẻ cần ở nhà DN những gì? Đó là những hỗ trợ để các bạn có cơ hội tiếp cận với cái mới, tiếp cận môi trường làm việc mà ở đó có thể học hỏi được những bài học thực tiễn sinh động nhất trong kinh doanh. Không ít SV tha thiết đề nghị các nhà DN có chương trình hỗ trợ phương tiện học tập tốt hơn.
Bạn Phan Tấn Lâm - SV năm 1 khoa Địa chất, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM - không ngần ngại đặt vấn đề rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (như FPT chẳng hạn) có thể cung cấp giờ truy cập miễn phí cho SV?
Ông Hoàng Minh Châu nói: “Tôi chỉ hi vọng thôi vì trách nhiệm trả lời thuộc bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông. Chính phủ giao trách nhiệm cho bộ này thực hiện đưa trình độ Internet VN tiến dần bằng các nước trong khu vực về giá cả lẫn tốc độ truy cập. Còn FPT không thể làm hơn được vì đây là một công ty kinh doanh. Mà các công ty kinh doanh dịch vụ Internet hiện phải thuê kênh của bưu điện với giá cao nên rất khó hạ giá cước Internet để đáp ứng nhu cầu của các bạn SV”.
“Tương lai CNTT - viễn thông năm 2010 trong mắt bạn trẻ”
Bài thuyết trình “Tương lai CNTT - viễn thông năm 2010” tại ngày hội “Tin học thư hùng” của bạn Tạ Việt Phương - SV khoa CNTT ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM - chỉ là một đơn cử trong số rất nhiều bạn trẻ bày tỏ niềm tin vào tương lai “đầy ánh hào quang” ở lĩnh vực này trên đất nước VN.
Mở đầu bài thuyết trình, Phương nói: “Dự đoán cho tương lai là một việc hết sức khó khăn, đặc biệt đối với ngành CNTT - viễn thông đang thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Song, nếu nhìn vào những gì chúng ta đã đạt được trong vòng sáu năm trở lại đây, chúng ta hẳn có cơ sở hơn trong việc dự báo sự phát triển của ngành CNTT - viễn thông nước nhà trong sáu năm tới”.
Theo Phương, ngành CNTT - viễn thông VN sẽ phát triển theo bảy hướng chính: thương mại điện tử; công nghệ không dây; ứng dụng CNTT trong khoa học và giáo dục; đẩy mạnh sử dụng phần mềm chính thức; sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở và các ứng dụng; hình thức giải trí trên mạng và game; công nghệ robot.
Phương khép lại bài thuyết trình của mình bằng việc tìm sự đồng cảm từ các bạn trẻ. “Vấn đề chính ở đây lại nằm trong tay chúng ta - bạn và tôi. Chính chúng ta là đối tượng tác động vào nó và cũng là đối tượng mà nó hướng đến.
Vậy chúng ta hãy cùng hành động để ngành CNTT - viễn thông nước ta ngày một phát triển, để 10-15 năm nữa chúng ta có thể tự hào là một trong những nước phát triển về CNTT của thế giới. Và tôi và bạn - chúng ta - hãy cứ tin tưởng và hy vọng!”.