Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Thực chất của các chương trình đổi máy cũ lấy mới
Máy SamSung P730 đang khuyến mãi. |
Chiêu thức khuyến mãi "đổi cũ lấy mới" của các nhãn hiệu trong lĩnh vực máy ảnh số, điện thoại đi động..., vừa tung ra đầu tháng 8 báo hiệu một cuộc đua náo nhiệt. Tuy nhiên, việc quyết định chọn sản phẩm nào cho mình không hẳn dễ dàng với người dùng.
Mở đầu là chiến dịch của SamSung với tuyên bố mua bất kỳ máy điện thoại mang nhãn hiệu nào của hãng, miễn còn sử dụng với giá tối thiểu 1 triệu đồng/máy. Khách hàng sẽ bù thêm một số tiền để mua một chiếc điện thoại khác. Nhưng người mua chỉ có thể chọn 2 dòng sản phẩm trong chương trình là Samsung P730 và D410.
Máy ảnh Fujifilm F610. |
Fujifilm cũng có một chiến dịch khác với cách thức tương tự. Hãng này mua máy ảnh kỹ thuật số bất kỳ (vẫn còn hoạt động được) với giá 1,2 triệu đồng và khách hàng sẽ được khấu trừ số tiền đó khi mua model F610.
Tại một cửa hàng của Fujifilm, 2 khách hàng trẻ tuổi đang hăm hở khám phá các tính năng của chiếc F610, nhưng khi biết rằng giá của các phụ kiện kèm theo quá đắt mà không có thì lại không thể chụp được, họ đã quyết định không đổi cũ lấy mới nữa. Chiếc thẻ nhớ xD 256 MB mà giá đã 75 USD, còn pin nếu muốn trang bị dự phòng thêm thì "chỉ có" 40 USD. Tính tổng cộng số tiền phải trả sau khi đã khấu trừ tiền thu vào của chiếc máy ảnh cũ lên đến gần 8 triệu đồng.
Theo một người sành chơi máy ảnh, đối với các thiết bị kỹ thuật số, khi chọn mua linh kiện cũng nên cân nhắc thấu đáo các khả năng dùng chung của thiết bị đó. Chẳng hạn như thẻ nhớ xD có giá thành cao nhất so với các loại thẻ nhưng chỉ sử dụng được cho các dòng máy của Olympus hoặc Fujifilm mà thôi. Còn thẻ nhớ SD đang dùng cho máy Canon sẽ chẳng có ích gì với chiếc máy mới Fujifilm. Về pin, cáp, đồ sạc... của máy ảnh dùng cho mỗi hiệu cũng khác nhau. Pin của Fujifilm sẽ không dùng được cho máy của Sony hay Canon và ngược lại.
Máy D410 đang khuyến mãi. |
Theo ông Tống Kim Ty, Phó giám đốc Trung tâm Dân Sinh - kinh doanh tổng hợp các mặt hàng ở chợ Dân Sinh (TP HCM), những chiến dịch đổi cũ lấy mới này không xa lạ gì với người tiêu dùng mấy năm gần đây. Nó đánh vào tâm lý luyến tiếc sản phẩm cũ vẫn còn xài được, khi có cơ hội "giải quyết" một cách hợp tình hợp lý thì khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận. Nhưng trên thực tế để được sở hữu một sản phẩm mới, người tiêu dùng phải đổi vật dụng cũ của mình và phải bù thêm một số tiền không nhỏ, thông thường trị giá khoảng 80% sản phẩm mới.
Trong khi đó, những model khuyến mãi không hẳn đã là những sản phẩm mới. Nhiều mặt hàng đã có mặt trên thị trường một thời gian, và giá cả không hề giảm xuống. "Nhìn xa hơn thì đây cũng là một trong những cách tiêu thụ model còn tồn kho trước khi tung ra ồ ạt những mẫu khác", một người mua hàng nhận xét.
Hồng Hạnh