Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Thời buồn cho ngành công nghiệp chip?
Trong mười năm tới, số lượng các hãng phát triển và thiết kế chip sẽ giảm tới... 40%. Con số đáng giật mình này đã được hãng nghiên cứu Gartner đưa ra trong hội thảo thượng đỉnh của ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra trong tuần này.
Sau đợt quỵ ngã bởi sự "giảm nhiệt" của cơn sốt công nghệ vào năm 2000, ngành công nghiệp bán dẫn tưởng chừng như đã phần nào hồi phục vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sự hồi phục này đã không kéo dài như mong đợi. Thị trường bán dẫn sẽ èo uột trở lại trong cả năm 2006, kéo theo hệ quả là một loạt các cuộc sáp nhập và tiếp quản mới để sống sót và tồn tại qua cơn bão tố.
Sự sáp nhập này một phần cũng bắt nguồn từ xu thế tích hợp hiện nay. Ngày càng xuất hiện nhiều chip tích hợp đa chức năng như xử lý, mạng và đồ hoạ, khiến cho những hãng chỉ chuyên chú vào một chức năng hệ thống cụ thể phải thay đổi cách thức hoạt động và kinh doanh của mình. Kết quả là số lượng các hãng chip góp mặt trong cuộc chơi sẽ giảm sút.
Những thay đổi quay quanh con chip
Pat Gelsinger, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc công nghệ của Intel cho rằng sáp nhập sẽ là tương lai của ngành công nghiệp chip. Khi xu hướng chung là bộ vi xử lý ngày càng tích hợp nhiều hợp phần hệ thống thì những hãng chip không có nhà máy sản xuất riêng sẽ gặp rất nhiều sức ép và khó khăn. Chi phí thiết kế tăng lên, đầu ra lại "u ám", họ khó có sự lựa chọn nào khác ngoài sáp nhập với một hãng khác để tồn tại.
Cũng theo dự đoán của Gelsinger, bất chấp mọi khó khăn, Intel sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng gấp đôi sức mạnh của bộ vi xử lý sau mỗi hai năm trong vòng ít nhất là một thập kỷ nữa. Thời điểm đó, Intel sẽ bắt đầu sản xuất chip bằng công nghệ 20 nanomet, nhỏ hơn nhiều so với quy trình sản xuất 90 nanomet hiện đại nhất hiện nay. Với công nghệ 20 nanomet, Intel hy vọng cho ra lò những con chip nằm trong "vùng 20 tỷ transistor", so với con số xấp xỉ 500 triệu transistor của con chip cao cấp Itanium 2 hiện hành.
Tuy nhiên, việc các đại gia càng có lợi thế khi sử dụng công nghệ hiện đại hơn, giới thiệu được những sản phẩm phức tạp hơn sẽ càng khiến cho các hãng nhỏ khốn đốn. Thời gian để những "gã nghèo" không có nhà máy sản xuất riêng giới thiệu chip mới tất yếu sẽ bị chậm lại. Cách biệt giữa những hãng có và không có nhà máy sẽ bị khoét sâu nới rộng.
Chưa kể việc duy trì tốc độ trong cuộc đua thiết kế cũng chẳng ít tiền gì cho cam. "Nếu anh không thể đầu tư với số vốn hai tỷ USD/năm, tốt nhất đừng kinh doanh nữa." - Gelsinger nói.
Doanh thu èo uột
Doanh thu từ máy tính của Intel đã không đạt nổi mức dự đoán trong cả mùa tựu trường vừa qua tại Mỹ, song Intel vẫn tỏ ra lạc quan khi "đánh hơi" thấy tiềm năng tại những thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin. Gelsinger cho biết Intel sẽ không từ bỏ thị trường chip máy tính bằng mọi giá: "Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển tới quy mô lớn gấp năm-mười lần hiện nay. Thời gian qua đã xảy ra nhiều xáo trộn song suy cho cùng, đó vẫn là một khu vực tăng trưởng". Tuy nhiên, một tỷ lệ tăng trưởng cao mà giới phân tích phố Wall từng kỳ vọng một thời giờ đã nằm ngoài tầm với. Nếu năm 1996, Gartner từng dự báo tỷ lệ 16% thì nay họ chỉ dám rụt rè với con số 10% từ giờ đến năm 2010.
Mặc dù vậy, đây cũng không hẳn là dấu hiệu của một cơn hấp hối. Một phần nguyên nhân cũng là vì ngành công nghiệp chip đã phát triển tới mức bão hoà: nó quá lớn để có thể tiếp tục phát triển nhanh như trước đây. Tỷ lệ của thập niên trước mắt chắc chắn không thể so với những năm 1990, 1980 và nhất là những năm 1970 như một quy luật tất yếu của tự nhiên.