Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Thị trường Internet: Khởi động cuộc đua giảm giá mới?
Sau sự kiện VDC tuyên bố hạ giá cước Internet trực tiếp và gián tiếp cho các loại hình truy nhập, các nhà cung cấp Internet ngay lập tức tính đến việc điều chỉnh giá cước cho khách hàng. Theo các chuyên gia, động thái này không chỉ nhằm giữ chân khách hàng mà còn là bước chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các doanh nghiệp nước ngoài "đổ bộ" vào VN.
Cạnh tranh khốc liệt
Ông Vũ Hoàng Liên, GĐ Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), khẳng định quyết định giảm giá nằm trong chiến lược kinh doanh của VDC nhằm hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Thực chất của đợt giảm giá là tạo ra nhiều mức thanh toán đa dạng cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Chính vì thế, các chuyên gia nhận định rằng đợt giảm giá này khó có thể dẫn đến việc lượng khách hàng đăng ký thuê bao các dịch vụ vnn của VDC tăng đột biến. "Hiện nay thị trường dịch vụ Internet trực tiếp và gián tiếp qua mạng điện thoại công cộng về cơ bản là ổn định, trừ mảng ADSL băng rộng. Vì vậy, những điều chỉnh giá của VDC không ảnh hưởng nhiều đến thị trường", ông Vũ Thế Bình, phụ trách kinh doanh Cty Netnam nhận định. "Việc giảm cước có lợi cho những đơn vị mua dung lượng lớn của VDC (NetNam, FPT...) hơn là có lợi cho khách hàng cuối cùng của VDC mặc dù họ cũng được giảm cước".
Một lý do hết sức quan trọng, như nhận định của các chuyên gia, là nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi các đối thủ nước ngoài được phép hợp tác kinh doanh dịch vụ Internet tại VN từ 1/1/2005 theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. "VDC đang thể hiện tầm nhìn của một doanh nghiệp viễn thông khổng lồ để cạnh tranh với những đối thủ lớn", ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Các nhà cung cấp đồng loạt giảm giá?
Cước thuê cổng ISP (cung cấp dịch vụ truy nhập Internet) giảm 40% và cước trần giảm 20%. Các gói dịch vụ Internet trực tiếp cung cấp cho các khu công nghiệp phần mềm và đại lý giảm từ 32 - 46%. Đối với các dịch vụ Internet gián tiếp (khách hàng sử dụng dịch vụ cuối cùng), mức giá mới sẽ thấp hơn từ 10 - 15% và được áp dùng từ 1/6 cho các loại hình truy nhập 1260, 1260P (trả trước), 1269. |
"Hiện VDC đang nắm giữ đến 50% thị phần Internet nên mỗi động thái của VDC luôn có ảnh hưởng đến các nhà cung cấp khác cũng như tới khách hàng" - Bà Chu Thanh Hà, Phó Tổng GĐ Cty truyền thông FPT thừa nhận.
Dù không tiết lộ mức giảm cước cụ thể cho khách hàng sau 1/6, thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ Internet gián tiếp của VDC được giảm cước, bà Hà khẳng định: "Giá cước dịch vụ Internet VNN là bao nhiêu thì giá cước Internet của FPT sẽ là bấy nhiêu". Theo bà Hà, đối với các nhà cung cấp dịch vụ, việc sụt giảm doanh thu hiện có là không tránh khỏi trong đợt giảm cước này.
Là khách hàng mua kênh lớn nhất của VDC, Netnam cũng lên kế hoạch điều chỉnh giá cước cho khách hàng. Tuy nhiên, do giá thuê kênh vẫn chiếm từ 50 - 60% chi phí đầu vào của Netnam, dù đã được giảm giá, Công ty này còn đang tỏ ra khá thận trọng trong chính sách giảm giá cho khách hàng.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, trước mắt, những khách hàng gia hạn hợp đồng sử dụng dịch vụ của Netnam sẽ được điều chỉnh giá và sau đó sẽ áp dụng đối với tất cả khách hàng. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Phó Tổng GĐ Saigon Postel cho biết, ngay sau khi nhận được phương án cước mới, lãnh đạo công ty đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm cân đối lại giá thành các dịch vụ.
Song, đại diện các doanh nghiệp lớn đều khẳng định giá Internet hiện nay đã ở mức rất thấp. Tham gia vào cuộc chạy đua giảm giá luôn là giải pháp cuối cùng được tính đến. Mục tiêu của các doanh nghiệp là nghiên cứu công nghệ mới nhằm cung cấp những gói cước đa dạng cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc nhận định ngoài nâng cấp công nghệ, các doanh nghiệp phải cam kết nâng cấp đường truyền để mang lại chất lượng tốt hơn cho khách hàng.
Liệu việc giảm cước lần này có làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ? Các chuyên gia CNTT đều thống nhất rằng dù lượng khách hàng có tăng nhanh do hiệu ứng của đợt giảm giá cước, cơ sở hạ tầng vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi tổng băng thông kênh kết nối quốc tế của Việt Nam đã đạt 2,301 Gbps, trong đó chỉ riêng "người khổng lồ" VDC trong năm nay đã có kế hoạch nâng dung lượng băng thông kênh kết nối quốc tế lên 2 Gbps.Cước thuê cổng IXP (cung cấp dịch vụ kết nối Internet) giảm 32%, cước trần giảm 40%.
Theo Tiền Phong