Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Thị trường ĐTDĐ Việt Nam: hàng trung, cao cấp lên ngôi!
Giá cao đi song song với các hãng sản xuất tên tuổi. Đó là điều đương nhiên. Ở phân khúc giá từ 8-10 triệu đồng, hiện thị trường Việt Nam chỉ thấy tên tuổi của 5 đại gia. Ở phân khúc này, ngoài chuyện về thiết kế, kiểu dáng, công nghệ là vũ khí để cạnh tranh.
Xét về số lượng tiêu thụ, các hàng cao cấp không chiếm số lượng lớn, nhưng nó thật sự là nguồn mang lại lợi nhuận cao cho các hãng. Thậm chí có hãng còn định vị sản phẩm chủ yếu ở các dòng cao cấp.
Không "đua" được với các đại gia...
Nếu như ở mức giá từ 3-4 triệu đồng/1máy, tương quan lực lượng giữa 5 hãng chiếm thị phần lớn và các hãng nhỏ còn không chênh nhau quá nhiều, thì từ mức giá 4-6 triệu đồng, khoảng cách này được nới rộng ra. Trong 23 mẫu ở phân khúc này, chỉ có 6 mẫu của các hãng nhỏ. Ba tên tuổi còn đeo bám được là Philips, LG và Innostream, mỗi hãng có hai sản phẩm. Nói đúng hơn là chỉ có Innostream gây ngạc nhiên, còn Philips, LG thì vốn chỉ là những hãng có tên tuổi trong làng điện tử gia dụng.
Trong 8 sản phẩm có mức giá từ 6-8 triệu, có tới 7 sản phẩm thuộc các hãng lớn. Hãng nhỏ duy nhất có sản phẩm lọt vào tốp này là Panasonic, với điện thoại thông minh X800 khá mỏng.
Ở phân khúc trên 8 triệu, chỉ có hàng của các hãng lớn. Nếu tính thêm PDA, thì có các gương mặt mới như: HP và Lenovo.
Tính năng sành điệu chiếm ưu thế
Theo phân tích của các nhà kinh doanh điện thoại, các hãng nhỏ khó tạo được ưu thế để định vị sản phẩm ở phân khúc trung - cao cấp. Ở mức giá dưới 6 triệu đồng, các hãng cao cấp đã có những chốt chặn vững chắc, khó có thể vượt qua. Xét về các tính năng nghe nhạc MP3 và FM, các sản phẩm cạnh tranh khó có thể qua được Nokia 6230i. Đối với loại điện thoại thông minh (smart phone) và PDA, mo-del E680 của Motorola gần như không có đối thủ trong mức giá này. Còn về kiểu dáng thiết kế và màn hình rõ nét, các điện thoại của Samsung như D410, E800 luôn chiếm ưu thế.
Mạnh về công nghệ, nhưng giá của các sản phẩm này lại khá cạnh tranh so với các hãng nhỏ. Nếu Nokia 6230i hay Motorola E680 bán ở mức giá 5,6 - 5,7 triệu đồng, thì các hàng khác có tính năng tương tự khó có thể định giá cao hơn mức đó. Chính vì vậy mà các sản phẩm của Philips, LG, Innostream chỉ "dám" ở mức giá dưới 4,5 triệu đồng.
Ở mức trên 6 triệu, thì tầm cao của rào cản công nghệ được nâng lên một mức đáng kể. Camera phải là 1,3 Megapixel, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng, phần mềm thân thiện, dễ sử dụng..., khiến cho hàng của hãng nhỏ khó có thể chen chân. Đó là chưa kể đến lợi thế về thương hiệu cũng như ngân quỹ quảng cáo lớn giúp cho các sản phẩm của các hãng tên tuổi có thêm lợi thế cạnh tranh.
Vòng đời ngắn dần, ngắn dần...
Theo hãng phân tích thị trường GfK (Đức), vòng đời của sản phẩm di động ngày càng ngắn. Một năm trước, vòng đời của một điện thoại là 12 tháng, thì nay đã giảm xuống còn 9 hay 10 tháng. Chính vì vậy, các sản phẩm ở phân khúc trung-cao cấp khi mới ra đời thường được định giá khá cao, rồi sau đó, giảm dần. Trong trường hợp không có sản phẩm cạnh tranh, thì giá đó gần như không đổi. Trường hợp này thường xảy ra với hàng trên 10 triệu như P900, P910 của Sony Ericsson hay Nokia 9300, 9500.
Trường hợp gặp đối thủ cạnh tranh nặng ký, các hãng buộc phải hạ giá, khiến cho giá các mặt hàng tiếp tục giảm nhanh. Chẳng hạn D500 của Samsung khi mới tung ra thị trường được bán với giá trên 7,5 triệu đồng. Thì nay, sau hai tháng, giá đã giảm còn 6,8 triệu đồng.
Đến cuối vòng đời, các sản phẩm trung và cao cấp được bán với giá thấp hơn khi mới ra đời từ 2 - 2,5 triệu đồng. Chẳng hạn, giá của điện thoại LG K700i hiện nay là 4,8 triệu đồng, thấp hơn khi mới ra 2,2 triệu đồng. Theo một nhà kinh doanh điện thoại, chính sự xuống giá như vậy khiến cho hàng các hãng nhỏ khó có thể chen chân được vào "miếng bánh béo bở" này.