Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Theo tin học về nông thôn
Người dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... không còn xa lạ gì với máy tính và Internet. Nhưng ở Bắc Ninh, địa phương chỉ cách thủ đô chừng 30 km, tin học vẫn còn là khái niệm phức tạp đối với nhiều người.
Chương trình đưa tin học tới cộng đồng do công ty Intel Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của các công ty máy tính CMS, FPT Elead và báo Tuổi Trẻ dừng chân ở Bắc Ninh vào một ngày cuối tuần. Trong khu hội chợ việc làm tại Trung tâm văn hoá của tỉnh, "gian hàng" công nghệ thông tin đã gây ấn tượng đặc biệt và thu hút sự quan tâm của hầu hết người dân địa phương đến tham quan. Khoảng hơn 3 chục chiếc desktop và laptop của công ty CMS và FPT Elead đặt tại đây để phục vụ cộng đồng không lúc nào vắng người ngồi sử dụng. Đa phần trong số họ là học sinh, sinh viên. Phóng viên VnExpress đã chứng kiến nhiều em học sinh tranh nhau giành phần ngồi trước màn hình để được trực tiếp sử dụng PC.
Hương, một em trong nhóm học sinh lớp 10, trường phổ thông trung học chuyên tỉnh Bắc Ninh, có mặt tại hội chợ cho biết: "Chúng em đều là học sinh chuyên tin nên rất quan tâm đến những gì diễn ra ở đây". Hương và các bạn của mình mới bắt đầu làm quen với máy tính và tin học từ năm học này. Mặc dù là dân "chuyên tin", song các em thậm chí chưa biết làm thế nào để vào mạng. "Chương trình học ở trường chỉ là soạn thảo văn bản và những thuật ngữ rất khó hiểu", Hương bày tỏ.
"Trình độ và sự hiểu biết về vi tính của người dân Bắc Ninh cũng như nhiều vùng nông thôn khác rất thấp. Họ hầu như không biết sử dụng máy tính, thậm chí là phải nhờ những người hướng dẫn bật games hoặc thay đổi chương trình", anh Hoàng Thế Thanh, cán bộ kinh doanh của CMS, kể. "Họ không hiểu và phân biệt được ý nghĩa các biểu tượng (icon) hiện trên desktop. Vì thế mà có người ngồi cả chục phút trước màn hình nhưng không biết phải bấm chuột như thế nào".
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là tinh thần học hỏi và khám phá cái mới của thanh niên ở đây. Hàng chục người đã quây kín gian hàng để tham gia trả lời phần câu hỏi về kiến thức công nghệ. "Tôi tham gia không vì giải thưởng. Tôi sẽ đứng đây theo dõi hết cuộc thi vì làm thế tôi sẽ có thêm sự hiểu biết về tin học và công nghệ thông tin. Thú thực, trong lĩnh vực này, tôi biết rất ít", Hưng, học viên trường công nhân xây dựng Bắc Ninh, nói.
Phóng viên VnExpress đã gặp một em gái không được đi học vì nhà nghèo nhưng đi chân đất đến hội chợ và say mê ngồi bấm điện tử suốt mấy giờ đồng hồ. "Em tên Thanh, em không biết mình mấy tuổi. Mẹ em bảo em sinh năm 1992", cô bé vừa dán chặt mắt vào màn hình, vừa nhát gừng trả lời những câu hỏi của chúng tôi.
Nhìn nước da cháy nắng, mái tóc lởm chởm vàng hoe và những kẽ móng chân, tay cáu bùn đất của Thanh, có lẽ người ta cũng dễ dàng đoán biết một phần cuộc sống của em. Và ước mơ để những trẻ em như Thanh trên khắp các vùng nông thôn VN có cơ hội được học, được biết về vi tính không dễ thực hiện trong một sớm một chiều và cần rất nhiều những đóng góp từ cộng đồng. Chương trình của Intel và các nhà tổ chức đang được thực hiện được nhiều người đánh giá là có ý nghĩa thiết thực.
Ông Chu Bá Chín, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường công nhân xây dựng Bắc Ninh, cho biết: "Trường chúng tôi muốn tuyển một kỹ sư tin học mà khó quá vì ít người có trình độ thực sự. Tôi hy vọng sẽ có nhiều chương trình như thế này để góp phần khích lệ tinh thần học tập môn tin học của thanh niên địa phương".
Tuy nhiên, ông Chín cũng cho rằng, chương trình cần phải được thực hiện riêng biệt và quy mô hơn. "Tôi thấy gian hàng vẫn còn nhỏ nên nhiều người khó tham gia. Tôi cũng rất tiếc là các máy tính ở đây không được nối mạng Internet. Giá như có mạng, kiến thức mà các em học sinh, sinh viên thu được sẽ nhiều hơn".
Nhiều thanh niên cũng phàn nàn là chương trình hay mà kết thúc quá nhanh khiến họ cảm thấy tiếc nuối. Anh Thanh phân trần với VnExpress: "Chương trình chỉ diễn ra có 1 ngày trong khi cơ sở hạ tầng ở địa phương không có nên chúng tôi không thể nối mạng Internet. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của mọi người trong điều kiện có thể".
Bên cạnh những hình thức giải trí mang tính bổ trợ kiến thức như chơi ô chữ, hỏi đáp có thưởng, thi đấu games, tìm hiểu máy tính... Intel cũng giới thiệu về công nghệ máy tính mới nhất với các bộ máy tính hiện đại gắn bộ vi xử lý Intel Pentium IV hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng.
Hoạt động này là một phần cam kết của công ty Intel giúp VN thu hẹp khoảng cách số. Chương trình đã đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (cuối tháng 7) và các tỉnh miền Đông nam bộ (cuối tháng 9). Hành trình tại đồng bằng Bắc bộ gồm các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Ninh Bình sẽ kéo dài đến hết 6/11.