Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sony ngừng bán PDA Clie ra thị trường thế giới
Hôm qua (1/6) Sony vừa tuyên bố sẽ ngừng phát triển và bán các sản phẩm thiết bị hỗ trợ số PDA mang nhãn hiệu Clie của mình tại thị trường Mỹ và các thị trường ngoài Nhật Bản trong năm nay. Quyết định rời bỏ một thị trường đang suy giảm này đã giáng một đòn mạnh vào PalmSource Inc., hãng cung cấp hệ điều hành chạy trên các máy PDA Sony. Quyết định này sẽ làm sụt giảm số lượng thiết bị số cầm tay sử dụng hệ điều hành Palm do PalmSource sản xuất, vì Sony là khách hàng được cấp bản quyền phần mềm Palm lớn thứ hai chỉ sau palmOne Inc. (PalmSource và palmOne được tách từ hãng Palm, một chuyên về phần mềm, một chuyên về thiết bị cầm tay). Ngay lập tức, giá cổ phiếu của PalmSource giảm 14% trong ngày hôm qua. Sony, một trong những nhà sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tập trung các nỗ lực của mình vào việc phát triển các thiết bị di động với liên doanh Sony Ericsson, sản phẩm hợp tác đầu tư liên doanh giữa Sony và Ericsson của Thuỵ Điển. Một phát ngôn Sony cho biết: 'Sony đang xác định lại hướng phát triển của thị trường PDA truyền thống, và Sony sẽ không giới thiệu bất kỳ một model máy cầm tay Clie mới nào tại Mỹ trong mùa thu năm nay. Sony đã lựa chọn thu hẹp hoạt động phát triển PDA của mình và loại bỏ phương án đưa thêm các tính năng giao tiếp giọng nói của ĐTDĐ vào máy Clie, với lý do các sản phẩm kiểu đó sẽ xung đột với các loại điện thoại phổ biến hơn do Sony Ericsson sản xuất. Sự thiếu vắng Sony Clie tại thị trường Mỹ sẽ làm suy giảm thêm sự thống trị của PalmSources trên thị trường phần mềm máy cầm tay, vốn đang phải cạnh tranh gay gắt với hệ điều hành Pocket PC do Microsoft. Hệ điều hành Pocket PC đã được đưa vào các sản phẩm PDA của Dell Inc. và HP. Nhu cầu của PDA suy giảm, của Smartphone tăng Vào cuối những năm 1990, máy tính cầm tay là một thiết bị điện tử không thể thiếu, cho người tiêu dùng khả năng lưu giữ hàng ngàn số điện thoại, địa chỉ và các lịch hẹn trong túi của mình. Nhưng thời gian trở lại đây, nhu cầu đối với sản phẩm này đã giảm mạnh, do người tiêu dùng nhận thấy một vài lý do để từ bỏ các sản phẩm PDA đang có. 'Khi các loại ĐTDĐ thông minh đang mở rộng thêm các tính năng của một PDA, một phần không nhỏ khách hàng đang ngày càng chuyển sang mua một chiếc di động smartphone hơn là mang thêm một thiết bị cầm tay nữa', ông Slawsby, chuyên gia phân tích IDC nhận định. PalmSource cho biết họ 'tôn trọng' quyết định của Sony. Cần lưu ý là khi thị trường PDA suy giảm, phần mềm PalmSource lại tìm thấy một thị trường thiết bị 'smartphone' phổ biến hơn của các nhà sản xuất như palmOne và Samsung. Sony, hiện là một nhà đầu tư của PalmSource, cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu các model PDA mới tại Nhật Bản, nơi hãng không bị cạnh tranh bởi các đối thủ mạnh như palmOne, hãng sản xuất PDA lớn nhất thế giới. Sony kết thúc năm tài khoá 2004 với 13% thị phần PDA toàn cầu, đứng sau PalmOne đang sở hữu 38% thị phần và Hewlett-Packard chiếm 22%, theo số liệu của IDC. Cổ phiếu của PalmSource đã giảm 2,77 USD, tương đương mất 13,6%, xuống mức 17,48 USD trên thị trường chứng khoán Nasdaq.