Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sôi động chợ ảo
Đó là những trang web chuyên mua bán các loại hàng hóa mà người ta thường định nghĩa là "chợ ảo" hay "siêu thị điện tử". Nơi đây từ một chiếc đĩa máy tính, một chiếc điện thoại di động đến những quyển sách, bộ bàn ghế... sẽ được cung cấp đến khách hàng một cách gián tiếp.
Chưa kể còn có những dịch vụ thu hút khá đông giới trẻ hiện nay như đọc sách, làm quen, giới thiệu việc làm...Chợ ảo ngày càng chứng tỏ ưu thế của nó.
Chợ ảo đã đông người
Mua sắm qua mạng Internet trên thực tế đã xuất hiện ở TP.HCM từ cuối năm 1998 nhưng thời điểm đó ngay cả thuật ngữ "mua hàng qua mạng" cũng còn rất mới mẻ. Tuy nhiên trong khoảng hai năm trở lại đây, có rất nhiều công ty tại TP.HCM đã biết cách nhờ Internet để tạo "chợ" riêng cho mình. Xét về ưu điểm, mua bán hàng hóa qua mạng (một hình thức của thương mại điện tử) là khả năng phục vụ 24 giờ (khách hàng có thể xem và đặt hàng) và khả năng cung cấp thông tin về sản phẩm, đơn hàng trực tiếp đến người tiêu dùng một cách khoa học (tra cứu và chọn hàng nhanh).
Tất nhiên, một gian hàng đặt trên Internet không cần đến mặt bằng, nhân viên phục vụ, bảo vệ... và nhờ vậy doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một số chi phí đáng kể. Từ hiệu quả đó, hàng trăm công ty đã lập website riêng với mục đích này, đơn giản thì là một showroom trưng bày hàng hóa, cao hơn một chút là tiến hành giao dịch trên mạng.
Trong số các doanh nghiệp chuẩn bị khá kỹ về thương mại điện tử phải kể đến Công ty thương mại An Dân. Đây là một trong những công ty đi đầu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh. Công ty này hiện đang có bốn website để kinh doanh ôtô, xe máy (vnmotors.com.vn), du lịch (gamitravel.com.vn), tranh ảnh nghệ thuật (gamifineart.com.vn) và bất động sản (nhaxinh.com.vn).
Trong năm 2004, sự xuất hiện của website chuyên bán điện thoại di động thegioimobi.com đã làm cho phong trào mua bán qua mạng thêm phần hứng khởi. Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng nhanh chóng nhận ra giá trị của siêu thị ảo. Ngoài ra, tại TP.HCM hiện nay, sách báo, văn hóa phẩm cũng là một mặt hàng kinh doanh được giao dịch qua mạng khá nhiều. Độc giả sẽ không khó để chọn lựa một quyển sách khi vào những trang web chuyên cung cấp văn hóa phẩm nói chung và sách nói riêng.
Đáng chú ý, thị trường ảo lại xuất hiện một "chợ nhạc" (aucomusic.com) mua bán - chuyển nhượng bản quyền tác phẩm âm nhạc. Đây là một loại hình chợ trên mạng Internet nhưng thú vị là chợ chỉ bày bán những tác phẩm và những dịch vụ liên quan đến âm nhạc. Xem ra chợ ảo hay siêu thị ảo đã bước đầu chinh phục được khách hàng thời nay.
Ngày càng khẳng định ưu thế
"Để khách hàng lựa chọn tự do, thỏa thích cũng không sợ trầy xước hay mất mát thứ gì, quan trọng là cuối cùng họ có chịu đặt mua món hàng đó hay không" - ông Nguyễn Đức Tài, giám đốc phát triển kinh doanh thegioimobi.com, cho biết như vậy. Hiện thegioimobi.com nhận 50 - 80 đơn đặt hàng mỗi ngày. Đó không phải là số lượng hàng bán ra nhưng phần nào cũng cho thấy khách hàng rất quan tâm đến dịch vụ kiểu này.
Một đại diện cho công ty C (chuyên về điện tử tại TP.HCM) cũng cho biết lượng hàng đặt qua mạng không thể so sánh với lượng hàng bán ra tại các điểm đại lý hoặc gian hàng của công ty nhưng xem ra tỉ lệ bán hàng giữa hai chợ ảo và thật này cũng khoảng 1/10. Điều này minh chứng rằng xã hội đã có một tầng lớp có nhu cầu mua sắm qua mạng.Ông Tài cho biết tại các nước khác, chợ trên mạng thường được bảo lãnh bởi một tổ chức nào đó trước người tiêu dùng và khi xảy ra sự cố (hàng hóa hư hỏng, giá cả không như thỏa thuận, gian lận thương mại...) thì tổ chức này sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trước khách hàng.
Tất nhiên, một chợ trên mạng muốn được bảo lãnh của tổ chức này phải ký một thỏa thuận liên quan để có được trách nhiệm và quyền lợi trước khi nhận chứng chỉ (dạng như chứng chỉ ISO). Một tổ chức (của nhà nước hoặc tư nhân) như vậy hiện chưa có tại VN, điều này đã làm cho người tiêu dùng e ngại. Để hóa giải tình trạng này, các chợ trên mạng ở VN chỉ còn cách là cho tồn tại song song hai chợ (một ảo, một thật) để củng cố lòng tin khách hàng.
Một điểm chung rất dễ nhận thấy từ những chợ ảo này là khách hàng được chọn lựa nhiều hơn về chủng loại hàng hóa, hình thức mua bán có phần thuận tiện riêng của nó. Thế nhưng, "đi chợ ảo" chưa trở thành thói quen của đại đa số vì máy vi tính, Internet chưa đến được nhiều người dân. Với loại hình này, các dịch vụ hỗ trợ như thanh toán qua mạng, thẻ tín dụng cũng chưa phổ biến. Thế nhưng trong một tương lai không xa, với những ưu thế vốn có của mình chắc chắn chợ ảo sẽ ngày càng được nhiều người lựa chọn.