Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sinh viên công nghệ thông tin: Thiếu nhiều thứ!
Mục tiêu nâng cao khả năng xuất khẩu phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam dường như còn quá xa khi sinh viên ngành này còn thiếu nhiều thứ như định hướng, kiến thức mới, kỹ năng, ngoại ngữ và thông tin. Vấn đề được đặt ra trong buổi giao lưu "Đào tạo và yêu cầu tuyển dụng CNTT" tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) vào tối ngày 11/11.
Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học-Công nghệ và Giáo dục Đại học (KHCN&GDĐH) TP.HCM, buổi giao lưu này đã thu hút hàng trăm sinh viên, học sinh tham dự.Tham gia chương trình còn có có đại diện của Sở KH-CN, Hội Tin học TP.HCM, trường Cao đẳng Hoa Sen, Đại học Quốc gia TP.HCM, các công ty...
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã thẳng thắn đặt câu hỏi, qua đó bộc lộ nhiều bất cập trong học hành và đào tạo hiện nay. Nhiều câu hỏi đã cho thấy SV chưa có sự định hướng cho nghề nghiệp tương lai. Mơ hồ và không tự tin vào ngành nghề, nơi đào tạo mà mình đã chọn. "Hiện là SV Cao đẳng Khoa CNTT, nhưng hiện nay em chưa có định hướng sẽ theo ngành nào". "Phần cứng và phần mềm, cái nào dễ kiếm việc làm hơn?". "Bằng cấp của trường đại học và các trung tâm như Aptech, cái nào được xem trọng hơn?",... Mơ hồ như vậy, dẫn đến tình trạng học quá nhiều và không cần thiết trong khi mỗi loại hình đào tạo phục vụ một mục đích riêng, không thể đặt vấn đề cái nào hơn cái nào. Hiện đã rõ xu hướng sau: Doanh nghiệp không quan tâm ứng viên học cái gì mà chỉ quan tâm họ làm được những gì.
Với những câu hỏi thuộc dạng này, ông Lưu Tiến Hiệp, phó hiệu trưởng trường Hoa Sen đã thốt lên: "Qua những câu hỏi của các em, tôi có cảm giác các em chưa trưởng thành trong sự lựa chọn nghề nghiệp của mình". Cũng theo ông, SV còn thiếu môi trường học tập. Nhịp độ và cách thức học hành bị lệch. "Trong một môi trường học tập đúng nghĩa, SV phải là trung tâm. Thế nhưng rất tiếc, hiện nay thầy giáo là trung tâm. SV học rất nhiều nhưng không có thói quen đọc sách để tìm tòi, học hỏi." - ông nói.
Một vấn đề tồn tại nữa là những kiến thức ở trường cao đẳng, đại học chưa đủ để phục vụ yêu cầu của thị trường nhân lực. Nhiều bạn đã quan tâm và băn khoăn về vấn đề này. Làm sao để hạn chế được hiện tượng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Trả lời vấn đề này, những người có trách nhiệm đã thừa nhận rằng giữa đào tạo trong nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp còn một khoảng cách khá xa. Trường chỉ đáp ứng kiến thức cơ bản một cách "mênh mông bể sở" trong khi các doanh nghiệp đòi hỏi kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật mới. Hiện nay doanh nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, thời gian tuyển dụng ít nhất là hai-ba tháng.
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ cũng quan tâm rất nhiều tới việc phát triển công nghệ phần mềm (CNPM) tại Việt Nam, trong đó có mục tiêu 500 triệu UDS từ xuất khẩu phần mềm vào năm 2004. Ngoài những câu hỏi tại sao chú trọng đến phát triển CNPM, các bạn cũng lo ngại tình trạng với việc đào tạo như hiện nay, đây là một mục tiêu quá tầm. Bạn Nguyên, SV Bách khoa năm nhất "bỏ nhỏ" với PV VietNamNet: "Em sợ mục tiêu này sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Ở trong nước không được mà đi ra ngoài cũng không xong"! |
Thiếu trầm trọng ngoại ngữ và các kỹ năng làm việc sau khi ra trường cũng là một sự hụt hẫng rất lớn của SV. Muốn xuất khẩu phần mềm, trình độ ngoại ngữ của người lao động phải tốt. Nhưng dân CNTT ở Việt Nam hiện nay nhiều người biết tiếng Anh lõm bõm, còn nói thì rập khuôn theo kiểu "Việt Nam hóa". Ngoài ra, nhà tuyển dụng đánh giá cao khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm và tinh thần làm việc. Nhưng theo các doanh nghiệp, SV CNTT kém xa SV ngoại thương trong khoản này. Đại diện Công ty AIA còn cho biết bằng cấp chỉ là vòng một. Nhiều ứng viên không biết "biến hồ sơ của mình thành vàng" vì trong số các hồ sơ nhận được thì hết 80% giống nhau, nhà tuyển dụng không thấy được sự cách biệt.
Một điều nữa là SV đang rất "đói" thông tin về những nhu cầu, yêu cầu của nhà tuyển dụng và những nơi "đỡ đầu" cho các ý tưởng, động lực cho sự phát triển.
"Thành phố có nơi nào cho SV gõ cửa bất cứ lúc nào để SV gửi gắm những ý tưởng của mình và biến chúng thành hiện thực?" - câu hỏi của một bạn SV trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP.HCM thật đầy ý nghĩa. Trong khi đó, theo những người có nhiệm vụ giải đáp thắc mắc, hiện nay có những sân chơi rất thú vị như các cộng đồng nguồn mở trên mạng, các dự án sử dụng tài nguyên chất xám của giới trẻ sắp được triển khai. Do đó, một vấn đề khác cũng đặt ra: Việc phổ biến thông tin rộng rãi đến số đông SV, kể cả về khả năng sử dụng máy tính, Internet...