Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sẽ tách đường trục viễn thông khỏi VNPT
Trong giờ giải lao phiên khai mạc sáng 11-5, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của báo giới về những vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm.
Trong đó, nổi lên vẫn là băn khoăn về tình trạng độc quyền của DN, vấn đề giá thuốc tăng, nạn mãi lộ...
* Thưa phó thủ tướng, Chính phủ có những biện pháp như thế nào để kiểm soát chặt chẽ các DNNN độc quyền?
- Trong báo cáo, tôi có nói: những lĩnh vực phải độc quyền Nhà nước thì sớm nghiên cứu để tách khỏi các tổng công ty kinh doanh trên lĩnh vực này, thực hiện cơ chế dịch vụ công ích. Ví dụ mạng phân phối, truyền tải điện, hay đường trục viễn thông...
Ở đây, Nhà nước đầu tư thông qua VNPT, nay nhiều DN kinh doanh dịch vụ phải kết nối vào đường trục này thì chúng ta nên nghiên cứu tách khỏi cái cũ, hình thành dịch vụ công ích. Cũng giống như một tuyến đường cao tốc, Nhà nước đầu tư xây dựng và ai đi trên đó thì phải chịu thu phí.
* Thực tế một số DNNN độc quyền đã không làm tròn vai trò của mình như Tổng công ty Thép, Tổng công ty Bưu chính viễn thông... Điều đó cho thấy Nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn?
- DN độc quyền có nhiều cái làm được, nhưng có cái làm cũng chưa tốt, đó là một thực tế. Còn Tổng công ty Thép VN, công suất của họ chỉ chiếm 20% tổng công suất của cả nước.
Trong thời gian giá thép tăng, Tổng công ty Thép đã đưa thép ra bán trên thị trường chiếm tới 40%. Nhưng có một điều mà không chỉ là khuyết điểm của Tổng công ty Thép, đó là thiếu một mạng lưới phân phối. Sản xuất, cố gắng bán ra chính là để ổn định thị trường thép, nhưng lại vào tay một số người, họ gom lại, trở thành người lưu thông độc quyền...
Khác với Tổng công ty Thép, Tổng công ty Ximăng lại có cả một hệ thống phân phối thuộc tổng công ty và cho tới giờ này họ vẫn đảm bảo ổn định. Chính phủ cũng đã thấy điều này và đã giao Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại quản lý sản xuất và tổ chức lại việc lưu thông. Qua thực tế lần này cũng thấy rõ hơn những cái gì chúng ta phải làm.
* Trong báo cáo, Chính phủ cho biết sẽ tăng cường kiểm soát và điều tiết thu nhập siêu lợi nhuận của các tổng công ty kinh doanh chiếm thị phần áp đảo. Điều này sẽ được tiến hành như thế nào?
- Cụ thể sẽ phải hình thành lợi nhuận bình quân, không thể để hạch toán giá thành, giá bán để thu lợi nhuận cao trong khi ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Chính phủ phải kiểm soát từ khâu hình thành giá thành. Giá thành chỉ được chấp nhận với điều kiện giá đó không cao hơn khu vực và thế giới.
Còn nếu đưa đến lợi nhuận lớn - có đơn vị lợi nhuận tới 30-40%, tất nhiên cũng là nộp thuế thu nhập, chia quĩ theo đúng luật pháp - nhưng sẽ không lợi cho toàn xã hội. Chính phủ đã giao cho Ban vật giá kiểm soát một số mặt hàng, hình thành giá thành sản phẩm với nguyên tắc không để giá cao hơn khu vực và thế giới. Cụ thể là giá bưu chính viễn thông, Chính phủ đã kiểm soát và vừa rồi đã công bố giảm giá. Ngoài ra còn có một số lĩnh vực khác như giá điện, giá xi măng...
* Thưa phó thủ tướng, một số bộ, ngành như Công nghiệp, Y tế... vừa qua chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tới đây nếu tiếp tục không hoàn thành, có thể chỉ “nhận khuyết điểm” được không?
- Bây giờ Chính phủ đặt vấn đề rút kinh nghiệm thuốc là mặt hàng thiết yếu, ngoài chấn chỉnh cũng phải dẹp: thứ nhất, không để độc quyền hoặc liên kết độc quyền, cái này là rất nguy hiểm.
Trong 500 mặt hàng thuốc tăng có trên 150 mặt hàng là do Zuellig Pharma. Cái này ai tạo độc quyền? Là do chúng ta cả, do chúng ta cho phép. Người ta kinh doanh tất nhiên phải tìm lợi nhuận, người ta xin phép, anh cho. Nhưng cái này có phải do Bộ Y tế cho phép đâu.
Thứ hai, đây là đầu tư nước ngoài, đã cho phép DN đầu tư thì phải có thời hạn mới rút giấy phép người ta được. Có một số việc phải rút kinh nghiệm, trong đó không thể để độc quyền khai thác, cũng như phải chấn chỉnh ngay việc cung ứng thuốc của bệnh viện.
Bệnh viện mà không đủ tiền mua thuốc đều phải lệ thuộc vào các DN. Chính phủ đã thay đổi, đảm bảo đủ tiền để cung ứng thuốc tại các bệnh viện, trước hết là những đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế.
Thứ ba mới đến trách nhiệm của ngành y tế, nhưng cũng không phải chỉ bộ, các bệnh viện phải làm mà phải cả đảng ủy, chính quyền địa phương... vào cuộc, đó là tình trạng bác sĩ kê đơn để lấy hoa hồng.
* Xin cảm ơn phó thủ tướng.