Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sẽ có hội thảo chữ ký số-chứng thực điện tử
Để có thể thực hiện đúng kế hoạch trình Chính phủ Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử vào ngày 31/12/2004 tới, Ban soạn thảo Nghị định đã họp lần thứ ba vào hôm ngày 24/11 và thống nhất sẽ tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến cho bản dự thảo.
Trong buổi họp, các thành viên của Ban soạn thảo đã nghe tổ biên tập báo cáo bản dự thảo thứ 15. So với 14 bản dự thảo trước đó, Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử đã có những thay đổi lớn về cấu trúc cũng như nội dung. Dự thảo vẫn sẽ có bảy chương nhưng số điều sẽ khác đi.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ - uỷ viên thường trực Ban soạn thảo, ban đầu Ban soạn thảo và tổ biên tập dự kiến sẽ xây dựng một nghị định rất chi tiết, chỉ những vấn đề nào cảm thấy lớn quá cần phải hướng dẫn thì sẽ có các văn bản pháp lý hướng dẫn sau. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến sự không cân đối, không chắc chắn như thế đã đầy đủ và đúng chưa nên dự thảo nghị định đã được sửa đổi lại.
Vì vừa làm, vừa nghiên cứu, chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến đóng góp nên dự thảo sẽ được bổ sung những nội dung mới. Dự thảo lần này khác hơn nhiều với dự thảo lần hai, như xác định rõ Nhà nước quản lý những vấn đề gì và sẽ quy định rất chặt, ví dụ: Quản lý nhà nước bao gồm những nội dung gì? Cơ quan quản lý nhà nước phải làm gì? Doanh nghiệp thì phải làm gì?... Dự thảo đưa vào những nội dung tương đối rõ. Những vấn đề mang tính nguyên tắc về an toàn an ninh, kinh tế giá cước, tiêu chuẩn được làm rõ hơn so với dự thảo lần trước.
Thay mặt tổ biên tập, bà Mơ cũng đã nêu ra một số nội dung lớn cần phải tiếp tục xin ý kiến như: Giá trị pháp lý của dịch vụ chứng thực điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA); Đối tượng được cấp phép CA công cộng...
Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử là vấn đề mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm triển khai soạn thảo, nên phải học hỏi nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của các nước. Trong quá trình nghiên cứu còn luôn phải tính đến đặc thù của Việt Nam, đặc thù về công tác quản lý nhà nước, đặc thù về kinh tế xã hội, mức độ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến đâu, đặc thù về trình độ hiểu biết của người Việt Nam nhất là trình độ hiểu biết về pháp luật... nên sẽ còn phải tiếp tục xin ý kiến rộng rãi hơn của giới công nghệ thông tin cũng như những ai quan tâm đến vấn đề này.
Vì vậy, sẽ có một cuộc hội thảo xung quanh vấn đề chữ ký số và chứng thực điện tử được tổ chức trong thời gian sớm nhất. Hội thảo nhằm mục đích tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, giới công nghệ thông tin, các doanh nghiệp... để sớm xây dựng hoàn chỉnh được Nghị định đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ đã đề ra.