Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Sau giảm giá là giảm chất lượng?
Sau các đợt giảm giá cước, thị trường điện thoại di động vẫn sôi động với những chiêu cạnh tranh mới.
Thế nhưng các nhà cung cấp dịch vụ dường như chỉ chú trọng đến việc giành giật khách hàng mà thả nổi chất lượng dịch vụ. Phải chăng khách hàng đang phải chấp nhận cái gọi là tiền nào của nấy?
“Cuộc chiến” chưa ngừng
Tưởng như “cuộc chiến” cạnh tranh giữa bốn nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động sẽ kết thúc bởi Bộ Bưu chính - viễn thông đã tuyên bố sẽ không xem xét cho giảm cước đối với hai “đại gia” Vinaphone và MobiFone từ nay đến hết năm 2004. Tuy nhiên, “cuộc chiến” vẫn chưa đến hồi kết khi các hãng tiếp tục tung ra nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn nhằm giành khách hàng.
Sau khi kết thúc tháng tặng máy miễn phí, từ đầu tháng chín S-Fone giảm 50.000 đồng đối với mỗi thuê bao hòa mạng mới. Vinaphone và MobiFone cũng giảm 50.000 đồng đối với mỗi thuê bao hòa mạng mới và tặng thêm tiền vào thẻ nạp mới cho các thuê bao trả trước. Về phần Viettel Mobile, nhà cung cấp này tung chiêu miễn phí 100 phút liên lạc (tương đương 150.000 đồng) đối với thuê bao trả sau hòa mạng mới.
Trước đó, trong tháng tám Viettel Mobile đã công khai giành giật khách hàng tung chiêu kêu gọi thuê bao của ba mạng Vinaphone, MobiFone và S-Fone nếu chuyển sang dùng dịch vụ trả sau của Viettel Mobile thì được giữ nguyên bảy số cuối cùng. Với chiêu thức này, chỉ sau một tháng khuyến mãi, Viettel Mobile đã có được 30.000 thuê bao mới. Trong tháng chín, Viettel Mobile tiếp tục tung chiêu miễn cước hòa mạng và miễn phí 100 phút liên lạc đầu tiên khi chuyển từ mạng khác sang.
Theo quan sát của các chuyên gia kinh doanh viễn thông, chiêu cạnh tranh của Viettel Mobile đem lại lợi ích trước mắt là phát triển nhanh số thuê bao mới nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro. Trong khi các mạng khác kiểm tra chặt chẽ địa chỉ của khách hàng trước khi ký hợp đồng thì khách hàng của Viettel Mobile chỉ phải đem giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu tới đại lý đối chiếu là được ký hợp đồng.
Các chuyên gia cho rằng như thế có thể sẽ có những khách hàng đi thuê, mượn hộ khẩu trùng tên để đăng ký và Viettel Mobile có thể bị thất thoát cước. Một đại diện của Viettel Mobile cho hay phải chấp nhận rủi ro để phát triển thuê bao mới.
Viettel Mobile và S-Fone bị phá sóng?
Khi tháng khuyến mãi miễn phí cước hòa mạng của Viettel Mobile chưa kết thúc, một hung tin được tung ra: Viettel Mobile bị phá sóng. Chưa biết thực hư thông tin này như thế nào nhưng thực tế không ít khách hàng đã từ bỏ ý định sử dụng điện thoại của Viettel Mobile.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Viettel Mobile mà ngay cả S-Fone cũng bị “dính” hung tin này. Một chuyên gia viễn thông khẳng định việc các mạng viễn thông phá sóng lẫn nhau là không thể xảy ra bởi kinh phí đầu tư thiết bị phá sóng rất tốn kém. Tuy nhiên, cả S-Fone và Viettel Mobile đều thừa nhận ở một vài khu vực nhất định, sóng của hai mạng này không thật sự tốt như mong muốn.
Có thể có nhiều lý do, nhưng chất lượng sóng chưa tốt không thể không kể đến nguyên nhân do mật độ các trạm phủ sóng của S-Fone và Viettel Mobile còn thưa. Mặc dù Viettel Mobile tuyên bố đã phủ sóng 56 tỉnh, thành nhưng tổng cộng cả nước, Viettel Mobile mới có khoảng 300 trạm thu phát sóng, tức là mỗi tỉnh có chưa tới mười trạm. Con số này chẳng thấm tháp gì nếu biết rằng chỉ riêng khu vực TP.HCM, Vinaphone đã có khoảng 300 trạm và MobiFone trên 300 trạm. Trong khi đó S-Fone mới chỉ phủ sóng được 13 tỉnh, thành với tổng số 100 trạm.
Theo các chuyên gia viễn thông, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động mới ra đời thường lấy tiêu chí phạm vi phủ sóng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, do việc đầu tư một trạm thu phát sóng khá cao, khoảng 1 tỉ đồng/trạm, nên những doanh nghiệp viễn thông mới ra đời đều không lắp đặt đủ các trạm thu phát sóng cần thiết.
Trước tình hình đó, để phạm vi phủ sóng được rộng, những doanh nghiệp mới thường để góc mở của ăngten trên các trạm thu phát sóng rộng. Điều này đồng nghĩa với việc phạm vi phủ sóng rộng nhưng chất lượng phủ sóng kém, thường bị mất sóng khi thuê bao di động ở trong những ngôi nhà bị che chắn kín. Ngược lại, nếu để góc mở ăngten hẹp thì chất lượng sóng tốt ở những nơi bị che chắn kín nhưng phạm vi phủ sóng lại không rộng.
Thông thường, khi giá thuê đất, lắp đặt một trạm thu phát sóng cao thì các doanh nghiệp viễn thông thường thuê lại cơ sở hạ tầng của nhau. Nhà nước cũng qui định điều này để tránh lãng phí, nhưng trên thực tế S-Fone và Viettel rất khó thuê được cơ sở hạ tầng của VNPT.
Vinaphone và MobiFone quá tải
Dù có một mạng lưới trạm thu phát sóng khắp cả nước nhưng sau khi giảm cước và tung ra các đợt khuyến mãi, số thuê bao của Vinaphone và MobiFone tăng chóng mặt (3.000-4.000 thuê bao/ngày) khiến hai mạng này đang đứng trước nguy cơ quá tải dẫn tới nghẽn mạch, rớt cuộc gọi.
Theo Vinaphone, sáu tháng đầu năm nay Vinaphone đã phát triển mới được 400.000 thuê bao, đạt hơn 50% kế hoạch của cả năm. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2004, mạng MobiFone sẽ phát triển mới 550.000 thuê bao nhưng chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm, số thuê bao mới đã đạt con số 400.000, tăng gấp gần ba lần so với cùng thời điểm của năm 2003.
Dự báo đến hết tháng mười, nếu không đầu tư nâng cấp tổng đài thì mạng MobiFone sẽ quá tải. Đối với Vinaphone, tổng số thuê bao trên mạng hiện đã chiếm 70% dung lượng tổng đài, tức là quá 5% so với tiêu chuẩn cho phép để mạng hoạt động ổn định. Nhà cung cấp này đang hi vọng tổng đài mới dung lượng 300.000 thuê bao lắp đặt tại Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động trong tháng mười một tới nhằm cứu vãn tình hình.