Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Quản lý công nghệ thông tin: Những lời cảnh báo
Tại Hội thảo Kiên Giang 2004, có khá nhiều báo cáo nêu lên thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta hiện nay. Trích giới thiệu một số ý kiến của đại biểu.
KS Phạm Văn Bảy, nguyên chủ tịch Hội Tin học TP.HCM:
Bệnh đã biết, chỉ còn chờ thuốc chữa…... Thấy mỗi lần đại biểu đi họp Quốc hội quá lâu, đi lại quá tốn kém, tôi muốn đề nghị các đại biểu Quốc hội sử dụng thư điện tử (e-mail) để giải quyết vấn đề, hạn chế thời gian hội họp.Thế nhưng khi gặp bà Đồng Thị Bích Thủy, chuyên gia tin học, hiện đang công tác tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và là đại biểu Quốc hội, nêu đề xuất này thì nhận được câu trả lời: “Tôi đã đề nghị bao nhiêu lần rồi mà có ai nghe cho!”.
Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao?
… Tình hình quản lý của Việt Nam còn có nhiều khó khăn… từ quản lý yếu kém đến lãng phí, tham ô. Nếu “Trên bảo, dưới không nghe” thì làm sao còn đầu óc và thời giờ chú ý đến CNTT… chẳng qua xem CNTT chỉ là một thứ mốt thời thượng?
Nói thế, để thấy rằng chính chúng ta chưa hiểu thấu đáo về ngành CNTT. Làm sao trong điều kiện này mà cứ mơ ước tổ hợp lớn, với số liệu của rất nhiều ngành được. Một số lớn trong chúng ta vẫn còn đầu óc của sản xuất nhỏ thì làm sao biết làm việc theo tổ đội (team working). Nhược điểm của con người Việt Nam là thiếu sự đoàn kết chặt chẽ, một yếu tố cơ bản trong cung cách làm việc của thời đại CNTT. Người Nhật nhận xét: Doanh nghiệp Việt Nam luôn thiếu thông tin nhưng không chú ý khắc phục. Đặc trưng quản lý của người Việt Nam là tập quyền, gia trưởng, luôn coi trọng giao tiếp, nhậu nhẹt, họp hành chứ không dựa trên các trao đổi thông qua hệ thống tin, khách quan.
Ta lại cũng chưa thấy thông tin là nguyên liệu chủ yếu và cần thiết. Chúng ta lại hay lao vào những đề án lớn với kiểu suy nghĩ “máy tính mà, làm việc gì lại không được!?”. Thành thử, khi triển khai, dẫn đến nhiều yếu tố không đồng bộ, gây lãng phí lớn vì máy tính mau lạc hậu và đòi hỏi khấu hao rất nhanh. Ông Ngô Trung Việt, Trung tâm VITEC-Viện CNTT: Không hiểu đúng vấn đề đào tạo con người, ứng dụng CNTT chỉ là lãng phí TS Đỗ Nam, giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Thừa Thiên-Huế: Hãy xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người sử dụng
Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về” Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” khi vạch ra ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta đã chỉ ra đúng nguyên nhân: Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của CNTT chưa đầy đủ.
Bác sĩ đã chẩn đoán đúng bệnh. Nhưng chỉ có cách tìm thuốc đúng thì mới thật sự phát huy ưu điểm của CNTT. Đây lại là một vấn đề lớn. Nó nằm ngoài phạm vi của những người làm công tác CNTT.
Sau một quá trình dài mò mẫm để dùng công nghệ trong quản lý, người ta mới phát hiện ra rằng vấn đề cơ bản không phải ở chỗ trang bị công nghệ mới. Có tiền là người ta có thể mua được công nghệ mới. Có tiền, người ta có thể đào tạo được người dùng máy mới. Nhưng có tiền, người ta cũng chưa thể ngay một lúc tạo ra được đội ngũ nhân viên biết dùng công nghệ mới này trong nghiệp vụ của họ. Vấn đề đào tạo dùng công nghệ mới uốn theo nghiệp vụ nổi lên hàng đầu và đòi hỏi phải có nhiều đầu tư đúng hướng để đồng bộ đội ngũ cán bộ biết dùng công nghệ mới.
Đối chiếu với quan niệm về đào tạo trong các tổ chức hiện nay của chúng ta, sẽ thấy ra nhiều vấn đề bất cập. Trong mọi tổ chức đều có bộ phận tổ chức cán bộ và một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận này là chăm lo việc đào tạo cán bộ theo nhu cầu của tổ chức. Tuy nhiên, thực sự trong hầu hết các tổ chức, vấn đề đào tạo vẫn chưa được coi là vấn đề chiến lược và quan trọng. Điều đó thể hiện ở chỗ các tổ chức chưa có chiến lược về học tập lâu dài cho toàn tổ chức, chưa có những chi tiêu thường xuyên cho việc đào tạo toàn diện và đổi mới tư duy cho các nhân viên. Đào tạo cán bộ trong các tổ chức chúng ta thường được hiểu là việc cử cán bộ đi học các lớp chính trị, quản lý hay đi học tại chức, đi học để có được thêm bằng cấp, chứng chỉ. Và các cán bộ được đánh giá một phần lớn theo các bằng cấp, chứng chỉ đó
Một vấn đề nữa cũng cần được nhắc tới, có liên quan tới đào tạo, là việc đào tạo về phương pháp luận lãnh đạo và quản lý cho các cán bộ đương chức. Hệ thống quản lý của chúng ta thường bổ nhiệm những người làm việc tốt ở cấp dưới vào cấp lãnh đạo và quản lý cao hơn nhưng lại thiếu trang bị cho họ những tri thức lãnh đạo và quản lý cần thiết. Kết quả là công tác lãnh đạo, quản lý vẫn phụ thuộc nhiều vào khả năng, tài năng của từng người mà chưa đưa được yếu tố khoa học quản lý tới trang bị cho từng người.
Hơn nữa, nhiều người ở chức vụ quản lý làm rất tốt nhưng khi được đặt vào chức vụ lãnh đạo thì lại không đảm đương được và làm cho tổ chức bị phân tán. Lãnh đạo và quản lý là hai hoạt động khác nhau. Mục tiêu của quản lý là làm tốt nhiệm vụ được giao. Mục tiêu của lãnh đạo là chỉ rõ mục đích cần đạt tới của tổ chức và chia sẻ tầm nhìn đó cho mọi người trong tổ chức thực hiện. Nếu người lãnh đạo vẫn mang tư duy, cách nghĩ của người quản lý thì tổ chức sẽ không thể phát triển và thích ứng được với thực tế.
Khi nói đến CNTT, ta tạm chia thành ba nhóm người.
Nhóm 1: Giới CNTT (chuyên gia công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ,…). Nhóm 1 có đặc điểm là say mê nghề nghiệp, luôn mơ ước CNTT là cứu cánh, là cơ hội đưa đất nước hóa rồng, hóa hổ.
Nhóm 2: Nhà quản lý (chưa thật rõ vai trò…). Nhóm 2 là những công chức các cấp. Đối với họ, việc ứng dụng và phát triển CNTT là trách nhiệm được giao. Đôi khi, còn bị bắt buộc phải học CNTT. Họ thích các dự án CNTT vì "...", nhưng lại chưa chắc thích ứng dụng CNTT vì "...".
Nhóm 3: Người sử dụng, một tập hợp người đông đảo nhất và quan trọng nhất. Nhóm 3 chính là đông đảo nhân dân. Họ không đủ tiền, thời gian và nghị lực để dự các lớp đào tạo CNTT mà chúng ta sẽ mở cho họ (thậm chí miễn phí). Với họ, CNTT là xa xỉ phẩm. Điều quan trọng nhất đối với họ là cơm ăn, áo mặc, nhà ở và học hành của con cái. Nhưng những ước vọng rất đỗi tầm thường này mới chính là động lực cho các nhu cầu khác trong xã hội.
Quan tâm đến nhóm thứ ba - nhóm những người sử dụng - tức là quan tâm đến nhu cầu của họ. Không chỉ quan tâm đến nhu cầu mà còn phải quan tâm đến động lực lợi ích. Chính động lực lợi ích là tiêu chí quan trọng để tìm ra giải pháp cho mỗi nhóm con.
Với nhóm công chức, nếu khoán chi hành chính được thực hiện thì, cho dù chỉ quản lý 20 đề tài một năm, họ cũng sẽ tìm cách tăng năng suất và hiệu quả. Liệu quản lý 20-50 đề tài khoa h0c5-công nghệ (KHCN) mỗi năm có cần ứng dụng CNTT không? Có ai chỉ ra cho họ là trong cái công việc phải quản lý 20-50 đề tài một năm thực sự cần phải có CNTT? Đấy là một bài toán của cải cách hành chính trong quản lý KH-CN mà các nhà CNTT không thể trả lời thay cho họ được.
Với nhóm học sinh-sinh viên, nếu các thầy không dạy tất cả kiến thức mà chỉ dạy cách học, cách hiểu, còn kiến thức sẽ được bổ sung từ các nguồn khác, mà chủ yếu là từ mạng Internet thì chắc chắn họ sẽ tự đến với CNTT và không chỉ có đến cà phê internet để “chat“ mà thôi.
Với các doanh nghiệp, hiệu quả của tiếp thị quảng cáo qua mạng sẽ đem lại lợi nhuận. Mè xửng, tôm chua Huế,... đã bắt đầu lên mạng chính là vì thế!