Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Quan điểm của HP Vietnam về "sự kiện Carly Fiorina"
Sau 6 năm ở vị trí lãnh đạo cao nhất của tập đoàn máy tính HP, tạo ra cuộc sáp nhập HP-Compaq lớn nhất trong lịch sử ngành máy tính hồi 9/2001, "bà đầm thép" Carly Fiorina, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của HP đã từ chức, hay đúng ra là buộc phải từ chức do yêu cầu của HĐQT hôm 8/2 vừa qua.
"Người đàn bà thép" Carly Fiorina: "Dù rất tiếc, nhưng tôi tôn trọng quyết định của Ban giám đốc!"
Thông cáo chính thức từ công ty HP cho biết, quyết định từ chức của bà Carly Fiorina sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Các vị trí lãnh đạo mới cũng đã chính thức được công ty này công bố: ông Robert P. Wayman, Giám đốc tài chính có 36 năm làm việc cho HP được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành lâm thời và vẫn kiêm nhiệm làm Giám đốc tài chính, ông Patricia C. Dunn tạm thời làm Chủ tịch HĐQT (không điều hành). Hai quyết định bổ nhiệm này cũng có hiệu lực ngay lập tức.
Buộc phải ra đi, bà Fiorina nói: "Dù rất tiếc là tôi và Ban giám đốc có một số quan điểm khác nhau về việc thực hiện chiến lược của công ty, nhưng tôi tôn trọng quyết định của Ban giám đốc", Còn đại diện ban lãnh đạo mới của HP, ông Patricia C. Dunn cũng có những lời lẽ nghe thì rất tốt đẹp, nhưng có hàm chứa ẩn ý: "Carly Fiorina đến với HP nhằm làm sống dậy và tạo nguồn lực mới cho công ty. Bà đã có một tầm nhìn chiến lược và đưa vào thực hiện một kế hoạch nhằm giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và thắng lợi cho HP". Tuy nhiên, tầm nhìn chiến lược và kế hoạch nhằm tăng cường cạnh tranh ấy của bà đã chưa đi đến thắng lợi và không làm Ban giám đốc hài lòng. Và không giống như sự không hài lòng và bất đồng trong HĐQT và gia đình Hewlett hồi tháng 2/2002, lần này, bà Fiorina đã buộc phải ra đi!.
Bà Trần Thị Minh Thuận, Tổng giám đốc công ty HP Việt Nam cũng thừa nhận, quyết định buộc bà Carly Fiorina từ chức là kết quả của hàng loạt các bất đồng giữa HĐQT. "Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân", bà Thuận nói. "Mặc dù, việc công bố dường như bất ngờ nhưng quyết định thì không. HĐQT đã xem xét sự việc trong nhiều tuần, đồng thời được tư vấn bởi các nhà tư vấn bên ngoài như Larry Sonsini và giáo sư John Coffee từ đại học Columbia. HĐQT liên tục xem xét hoạt động kinh doanh của công ty, và tin tưởng rằng, đây là thời điểm thích hợp để thay đổi".
Thất bại nhìn thấy...
Robert P. Wayman, người cầm cương mới của HP, liệu sẽ dẫn dắt HP đi theo đúng hướng, theo đúng "HP way"?
Dù rằng tập đoàn HP cũng như đại diện HP tại Việt Nam không bình luận gì về những thất bại của bà cựu chủ tịch, nhưng những thiệt hại cho HP từ khi nữ chủ tịch Carly Fiorina cầm quyền đã được thống kê: Sau 3 năm kể từ khi vụ sáp nhập HP Compaq hoàn tất, việc kinh doanh mảng PC của HP vẫn không mấy có lãi. Trong quý hoạt động thứ 3 sau ngày ra mắt, doanh thu mảng PC của HP đạt 6,5 tỷ USD, nhưng chỉ lãi 78 triệu USD, trong khi đó, mảng máy in của HP có cùng một doanh số như vậy nhưng đem về số tiền lãi lớn hơn nhiều: 1,1 tỷ USD.
Ước vọng của Carly Fiorina khi mua Compaq là muốn cộng gộp thành tập đoàn máy tính hàng đầu, cạnh tranh trực tiếp với IBM, nhưng xem ra, ước muốn đó không thành. IBM thì đã bán bộ phận máy tính cá nhân cho Lenovo (Trung Quốc), còn một báo cáo được hãng Nghiên cứu Gartner dự báo: "Các hãng CNTT lớn sẽ không còn mặn mà với thị trường PC". Vậy, có phải Carly Fiorina đã quyết định đầu tư vào một ngành tăng trưởng thấp và ít lãi như ngành PC?
Trước đó, cựu CEO Fiorina đã từng thất bại trong việc mua lại mảng tư vấn của Tập đoàn Pricewaterhouse Coopes (PwC).
Trả lời câu hỏi của PV VietnamNet về quan điểm của HP Việt Nam trước sự việc này, bà Thuận cho biết: "HP hôm nay có nhiều khác biệt so với thời điểm sáu năm trước đây khi Carly được tuyển dụng. Dưới góc độ HĐQT, họ tuyển Carly vào nhằm thực hiện một số thay đổi quan trọng trong công ty và các bộ phận. Bà Carly đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và quá trình sáp nhập với Compaq đã được xử lý tốt. Các bộ phận đã hoạt động nhịp nhàng và bây giờ là lúc chúng tôi cần chiết tinh các giá trị từ những bộ phận này!".
Ngoài một số câu hỏi của PV VietnamNet nêu mà bà Thuận xin miễn bình luận, đương kim Tổng giám đốc HP VN vẫn có một cuộc trao đổi ngắn:
- Sự kiện này có ảnh hưởng chút nào tới hoạt động của HP Việt Nam hay không, thưa bà?
Bà Trần Thị Minh Thuận, Tổng giám đốc công ty HP Việt Nam: HĐQT của HP đã cam kết không thay đổi định hướng chiến lược của công ty và trong thời gian tới và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những chiến lược mà công ty đang theo đuổi. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược do công ty mẹ đề ra. Từ sau khi có quyết định này, mọi hoạt động của HP tại Việt Nam vẫn bình thường và ổn định. Chúng tôi tin tưởng vào quyết định của HĐQT và tin rằng tình hình kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam sẽ đi đúng hướng, theo đúng kế hoạch đề ra.
- Doanh số + lãi của HP hàng năm, kể từ khi Carly đảm nhiệm dẫn đắt?
Bà Trần Thị Minh Thuận, TGĐ HP VN: "Tôi thật sự vui mừng khi thấy VN hiện nay có rất nhiều nữ lãnh đạo làm việc ở mọi ngành nghề, và họ rất thành công...Cho dù là nam giới hay nữ giới thì họ đều phải gặp nhiều vấn đề khi kinh doanh
Bà TTMT: Trong những năm qua, HP luôn đạt tăng trưởng doanh số và lợi nhuận với tốc độ đều đặn và rất tốt. Riêng quý 4 năm 2004, HP đạt doanh thu kỷ lục là 21,4 tỷ đô la, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2003. Lợi nhuận kinh doanh của nhóm sản phẩm Hình ảnh và In ấn là 16.6%, nhóm sản phẩm Hệ thống Cá nhân là 1.2%, nhóm sản phẩm Máy chủ và Hệ thống Lưu trữ dành cho Doanh nghiệp là 2.6%, liên tục tăng tới 315 triệu USD, lợi nhuận của nhóm dịch vụ là 10%, nhóm phần mềm bắt đầu đạt điểm hòa vốn.
- Xin bà cho biết tỷ lệ doanh số của các sản phẩm thương hiệu HP và thương hiệu Compaq tại thị trường Việt Nam, sau khi sự kiện sáp nhập HP-Compaq hoàn tất?
Bà TTMT: Thật sự, chúng tôi không thể công bố con số doanh thu lợi nhuận cụ thể tại thị trường Việt Nam. Tuy vậy, tôi có thể báo rằng, tính đến năm tài chính 2004, HP khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản đã đạt mức tăng trưởng 2 con số. Mức tiêu thụ sản phẩm HP tại thị trường Việt Nam trong năm qua cũng rất khả quan.
- Là nữ lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn, bà có nhận thấy sự khó khăn nào không?
Bà TTMT: Tôi cho rằng, vai trò nữ lãnh đạo còn tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố, ví dụ: môi trường làm việc, văn hoá công ty, con người, và các vấn đề xung quanh đó…Cho dù là nam giới hay nữ giới thì họ đều phải gặp nhiều vấn đề khi kinh doanh. Tuy nhiên đều đáng nói là tôi thật sự vui mừng rằng, Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều nữ lãnh đạo làm việc ở mọi ngành nghề, và đặc biệt là họ rất thành công. Và tôi mong rằng trong tương lai sẽ còn rất nhiều nữ lãnh đạo hơn nữa, thành công hơn nữa, chính họ sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Bà Thuận cũng xác nhận, số tiền trợ cấp thôi việc chính xác của Fiorina là 21,1 triệu USD, không phải là 45 triệu USD như một số báo đưa tin. Ngay sau khi thông tin bà Carly Fiorina từ chức được phát ra, cổ phiếu của HP đã tăng lên 10%. Chưa rõ tình hình kinh doanh của HP sẽ khả quan thế nào. HP cho biết sẽ công bố kết quả quý tài chính thứ nhất vào ngày 16/2/2005, sau phiên giao dịch cuối cùng. Cuộc họp cổ đông thường niên của công ty sẽ được tổ chức vào ngày 16/3/2005 tại Chicago (Mỹ).