Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Phần mềm trái phép là 'bệnh' khó chữa
Tình trạng kinh doanh và sử dụng phần mềm với tỷ lệ vi phạm bản quyền 92% tại Việt Nam là con số báo động cao. Tuy nhiên, dù đã có những biện pháp cứng rắn của các cơ quan hữu trách, tình hình vẫn chưa có tiến triển khả quan hơn.
Ngay trong những ngày đầu năm 2005, Phòng an ninh văn hóa (Công an TP Hà Nội) đã phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tiến hành kiểm tra đồng loạt 3 cửa hàng kinh doanh đĩa CD Rom (đĩa dữ liệu) tại số 95H, 97 phố Lý Nam Đế và số 30/10 Tạ Quang Bửu. Tang vật thu được là 22 bao tải và 2 thùng chứa hơn 25.000 đĩa CD Rom lưu hành trái phép. Trước đó, các công ty Vĩnh Trinh, Nhật Hải và Sing PC ở Hà Nội cũng bị phát hiện có phần mềm trái phép. Các cuộc thanh tra cho thấy tình trạng đánh cắp, xài "chùa" vô tội vạ phần mềm của cả những công ty trong và ngoài nước với các chương trình luận văn, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, đĩa chip tự học của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), chương trình gia sư, vương quốc trò chơi của trường Into World (TP HCM), bộ từ điển điện tử của Lạc Việt...
Tại những chợ trời phần mềm ở Hà Nội như khu Bách Khoa và phố Lý Nam Đế, các bìa đĩa CD Rom phần mềm được xếp trên các kệ cao ngất ngưởng, từ hệ điều hành Windows mới nhất của Microsoft tới các game mà thậm chí nhà sản xuất chưa chính thức tung ra thị trường hoặc chương trình quản trị kinh doanh do chính Đại học Bách khoa giữ bản quyền... Giá của đĩa CD Rom phần mềm chỉ 12.000 đồng. Người bán hàng quảng cáo: "Giá này rẻ hơn 100 lần so với đĩa xịn có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, chất lượng lại ngang bằng, không như các loại sản phẩm được làm nhái, làm giả khác".
Trên các vỏ đĩa này không hề ghi tên nhà xuất bản, không có nguồn gốc. Chất lượng tốt, giá cực rẻ nên không ai không mua đĩa lậu và có tìm đĩa xịn ở những chợ trời kiểu như thế này cũng không ra.
Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh máy tính, vi phạm bản quyền là việc xảy ra tại tất cả các công ty sử dụng máy tính và cơ quan chức năng có thể làm sập tiệm bất cứ công ty máy tính nào, nếu muốn. Một chuyên viên công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN cũng cho rằng, nếu việc kiểm tra và xử phạt vi phạm bản quyền máy tính diễn ra một cách nghiêm minh và thường xuyên thì có thể xảy ra một tình trạng hoảng loạn dây chuyền đối với các công ty viễn thông và công nghệ thông tin. Bởi vì họ sẽ không đủ khả năng để trang bị ngay phần mềm có bản quyền.
Trong năm 2004, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra vụ việc vi phạm bản quyền đầu tiên tại TP HCM. Ông Lê Văn Kiều, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, cho biết: "Đây là lĩnh vực được thực hiện theo quyền của chủ sở hữu. Quan điểm của các hãng kinh doanh phần mềm như Microsoft là không phản đối việc cơ quan chính phủ, trường học, đơn vị hành chính công sử dụng phần mềm của họ mà chỉ đề nghị xử lý những người kinh doanh sinh lợi từ các sản phẩm phần mềm của họ mà thôi".
Theo ông Kiều, doanh nghiệp tại TP HCM là Hoàn Long và Phong Vũ bị phát hiện có phần mềm trái phép trong đợt kiểm tra năm 2004 chỉ là hai trong số danh sách 32 đơn vị vi phạm mà Microsoft cung cấp và yêu cầu kiểm tra xử lý. "Tất cả các cuộc kiểm tra này phải có chứng cứ, có yêu cầu của chủ sở hữu. Năm qua, mới chỉ có duy nhất đơn của Microsoft yêu cầu kiểm tra xử lý", ông Kiều khẳng định.