Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Phần mềm MISA vẫn được xét trao giải Sao Khuê
Trong buổi họp báo tại Hà Nội chiều nay, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm VN - VINASA, cho biết, Công ty BuCA đã không đưa ra bằng chứng rõ ràng về những khiếu kiện đối với phần mềm kế toán MISA trong khi Viện CNTT khẳng định sản phẩm này không thuộc sở hữu của Viện.
Theo ông Công, trong buổi làm việc với VINASA, ông Vũ Đức Thi, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), đã xác nhận Viện không đăng ký bản quyền sản phẩm nào mang tên "Phần mềm kế toán MISA" và cũng không có bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bản quyền phần mềm. Trước đó, GS. Bạch Hưng Khang đã có văn bản gửi đến Hội Tin học viễn thông Hà Nội với nội dung trong thời kỳ giáo sư là Viện trưởng thì Viện CNTT không đăng ký bản quyền phần mềm MISA.
Về phía BuCA, công ty này cũng đã không cung cấp thêm chứng cứ và tài liệu nào liên quan đến kiến nghị của mình mà chỉ trả lời với VINASA qua điện thoại là "trông chờ vào sự giúp đỡ của Ban tổ chức giải thưởng Sao Khuê". Ngay trong buổi họp báo chiều nay, BuCA cũng từ chối xuất hiện với lý do bận việc kinh doanh và xin hẹn gặp vào một buổi khác. Tuy nhiên, công ty này khẳng định trong tờ fax gửi cho VINASA: "Nếu quyền và lợi ích hợp pháp của BuCA vẫn bị xâm hại, chúng tôi tiếp tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để làm rõ hơn".
Trong lá đơn gửi Ban tổ chức trước đó, Công ty BuCA khiếu nại 3 vấn đề liên quan đến Công ty MISA. Đó là ông Lữ Thành Long khi còn đang là công chức nhà nước làm việc tại Viện CNTT lại đứng ra lập doanh nghiệp riêng mang tên MISA; Sản phẩm phần mềm kế toán MISA đã được Công ty MISA (do ông Long làm giám đốc) thương mại hoá trong khi nó vẫn là tài sản thuộc Viện CNTT; Công ty MISA cố tình đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cũng như tên miền trên Internet có tên BuCA.
Song, theo ông Công, ngoài lĩnh vực bản quyền phần mềm liên quan đến việc trao giải, các yếu tố khác không nằm trong điều chỉnh của quy chế giải Sao Khuê và không thuộc lĩnh vực của Hiệp hội nên VINASA không có trách nhiệm giải quyết. "Cùng với việc doanh nghiệp MISA chứng minh được quyền sở hữu phần mềm kế toán bằng hai giấy chứng nhận bản quyền đối với sản phẩm này, đối chiếu với quy chế của giải Sao Khuê, VINASA kết luận Công ty MISA và phần mềm kế toán MISA vẫn có đầy đủ điều kiện để tiếp tục được xem xét trao giải như các ứng cử viên khác của vòng chung tuyển", ông Công khẳng định.
Ông Lữ Thành Long: "Đây không phải là vụ việc tranh chấp bản quyền mà là Công ty MISA bị vu khống". |
Giám đốc Công ty MISA Lữ Thành Long cho biết, đây không phải là vụ việc tranh chấp bản quyền giữa 2 doanh nghiệp MISA và BuCA. "Tôi cho rằng BuCA đã vu khống chúng tôi ăn cắp bản quyền của Viện CNTT một cách không có cơ sở và công ty này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tung tin nặc danh trên mạng cũng như viết đơn vu khống gây tổn hại đến danh dự và vật chất cho đơn vị chúng tôi", ông Long bức xúc.
Tuy nhiên, Giám đốc MISA cũng thừa nhận mối quan hệ cá nhân thân thiết trước đây với ông Đỗ Ngọc Quang - Giám đốc BuCA: "Chúng tôi từng như anh em ruột thịt và tôi sẵn sàng đối thoại trực tiếp nếu anh Quang có thiện chí".
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm, đơn vị được VINASA mời tư vấn giải quyết khiếu nại của Công ty BuCA, nhận định: "Trong vụ việc này có dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng cụ thể là bên nào thì chúng tôi không thể khẳng định".
Theo Tổng thư ký VINASA, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới bước vào nền kinh tế thị trường và còn phải học rất nhiều, học làm ra sản phẩm, học kinh doanh và có lẽ là học cả cách ứng xử lẫn nhau. "Thông qua sự việc này, có lẽ các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ rút ra bài học cho riêng mình", ông Công nói.