Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Phần mềm 2005 - Vừa mở vừa đóng?
Đâu là xu hướng chủ đạo của ngành phần mềm trong tương lai gần? Đọc trên hầu hết các mặt báo công nghệ thì có vẻ khuynh hướng chính là mã nguồn mở. Câu hỏi là tại sao lại có mối quan tâm lớn mang tính thương mại đối với một thứ mà hầu như luôn gắn liền với khái niệm tự do và miễn phí.
Nếu xét theo logic thì có vẻ như chẳng có cơ hội kiếm lời gì với phần mềm tự do. Ở bề nổi, xu hướng mã mở có vẻ thách thức các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Nhưng có lẽ cái khái niệm khá rộng về mở và tự do chính là chỗ phát sinh rất nhiều sự khác biệt về cách nhìn nhận đối với nguồn gốc của cái hệ thống thương mại này. Ví dụ, sử dụng mã nguồn không phải mua nhưng việc thiết kế và phát triển những cái mới lại phải bỏ ra không ít tiền để rồi ai đó, ở nơi nào đó, được thoải mái sử dụng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trái với cách nghĩ phổ biến, những chí phí phát triển nói trên có thể rất lớn và trong một số trường hợp cũng dễ dàng ước tính được. Ví dụ, IBM cho biết họ đã đầu tư 40 triệu USD vào việc phát triển phần mềm Eclipse trước khi chuyển nó thành một dự án mã mở và giao cho tổ chức có tên Eclipse Foundation. Năm nay “Big Blue” cũng đồng ý hiến tặng công nghệ cơ sở dữ liệu Cloudscape của họ (nay đã được đổi lại tên là Derby) như một món quà mã mở cho Tổ chức phần mềm Apache. Ước tính tổng chi phí mà IBM và các đơn vị sở hữu trước đó bỏ vào việc xây dựng Cloudscape là khoảng 85 triệu USD.
Các chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp phần mềm nói rằng những nguy cơ tiềm tàng về pháp lý có thể sẽ lấn át ích lợi lâu dài của việc sử dụng một hệ điều hành mã mở cũng như những ứng dụng và công cụ liên quan trong môi trường doanh nghiệp. Cũng chính vì lý do này mà một tổ chức có tên “Quản lý rủi ro mã mở” đã ra đời tại Mỹ như một giải pháp cho băn khoăn nói trên.
Những người chê bai mã mở thì cho rằng tổng chi phí ẩn của việc sở hữu những ứng dụng này gắn liền với việc tích hợp, hỗ trợ cũng như việc thiếu nhân công phát triển có trình độ trong các doanh nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, cũng có những giải pháp mới cho tất cả những vấn đề này. Một số công ty như OpenLogic đang thiết kế những gói ứng dụng tích hợp cho nhiều dự án mã mở cơ bản, giống như cách mà RedHat và một số nhà cung cấp đã làm với Linux.
Vậy, có phải mã nguồn mở thực sự là một mối đe dọa đáng sợ đối với hiện trạng của ngành phần mềm? Hay đơn thuần đó chỉ là một biến động tạm thời của thị trường? Nhiều người cho rằng mã nguồn mở là ngôn ngữ tự nhiên của cộng đồng kết nối mạng. Chỉ cần có đủ nhà phát triển và một mạng lưới để kết nối họ thì phong cách phát triển theo kiểu mã mở sẽ tự nhiên hình thành. Hơn nữa, theo giới quan sát, một trong những bí mật vốn có trong sự thành công của các dự án mã mở chính là: coi người sử dụng như các đối tác tham gia phát triển.
Tóm lại, 2005 có thể sẽ là một năm diễn ra nhiều hoạt động kinh doanh cộng tác trong cộng đồng mã nguồn mở. Các mô hình kinh doanh mã nguồn mở và cả mã đóng, phụ thuộc lẫn nhau (chẳng hạn như WebSphere và Eclipse của IBM ), sẽ tiếp tục phát triển đan xen và biến đổi trong quá trình song song tồn tại ở một thị trường phần mềm doanh nghiệp ngày càng đa thể loại.