Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
PC bị nhiễm mã độc đã tìm được chỗ mới ở … bãi rác
Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, Lew Tucker bỗng nhiên nhận ra rằng chiếc máy tính Dell của mình tràn ngập quảng cáo không mời mà đến cũng như phần mềm gián điệp, nghĩ rằng mình không đủ khả năng khắc phục vấn đề này nên anh ta vứt luôn chiếc máy tính ra bãi rác.
Anh Tucker phó chủ tịch của Salesforce.com, vừa nhận bằng tiến sĩ công nghệ thông tin, cũng gặp một trường hợp tương tự và quyết định vứt đi chiếc máy cũ và mua ngay một chiếc máy tính mới với giá 400USD thay vì tốn quá nhiều thời gian để khắc phục vấn đề rắc rối trên.
Hai nhân vật trên không phải là những người duy nhất phải đối mặt và đầu hàng với những “dã thú” kỹ thuật số trên Internet, nhiều chủ nhân máy tính tại các nước phát triển hiện nay nghĩ rằng biện pháp hiệu quả nhất là vứt đi chiếc máy tính cũ và mua một chiếc máy mới thay vì tìm cách khắc phục.
Anh Tucker cho biết:”Tôi đã tốn rất nhiều thời gian mỗi tuần để quét virus và khắc phục mọi sự cố trong máy tính, nhưng tôi nghĩ mình đã thất bại. Cách tốt hơn và rẻ hơn cả là ra cửa hàng mua quách một máy tính mới với giá vừa phải”.
Lee Rainie, giám đốc của “Pew Internet and American Life Project” nhận định rằng việc vứt quách đi một máy tính bị nhiễm đầy mã độc đến nỗi trở thành vô dụng được xem như là một “phản ứng hợp lý”.
Trong tháng 7 này, Pew đã đưa ra một nghiên cứu cho biết có khoảng 43% người dùng máy tính trưởng thành tại Mỹ cho biết rằng họ đã nhiều lần bị dính mã độc (sâu mạng, virus, trojan, phần mềm gián điệp, phần mềm tung quảng cáo). 48% cho biết rằng họ không bao giờ dám bén mảng đến những trang web lạ, có vẻ không an toàn cho máy tính của mình. 68% cho biết máy tính của họ đã bị trục trặc vì mã độc trong năm ngoái và khoảng 60% không biết chắc máy mình đang xài bị trục trặc vì vấn đề gì.
20% cho biết tự mình đã cố gắng khắc phục nhưng không hiệu quả và đa số còn lại đành bấm bụng bỏ tiền ra để mời “bác sĩ máy tính” về “chữa thuốc” cho PC với giá “hữu nghị” trung bình khoảng 129USD/lần (chứ không phải chỉ tốn có 50.000 đồng như ở Việt Nam), tức với 4 lần “cấp cứu” là đã mua được một máy tính đời mới mạnh hơn - đẹp hơn - bảo mật tốt hơn - với màn hình đập thùng!
Vincent Weafer, giám đốc của công ty bảo mật Symantec cho biết rằng số lượng virus hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với nửa năm trưóc đây và số lượng phần mềm gián điệp và quảng cáo lại tăng đến gấp bốn. Syman tec nhận định rằng việc tăng trưởng mạnh mẽ của băng thông tốc độ cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mạnh mẽ lượng virus lan truyền và gia tăng ngần đó cơ hội để chúng xâm nhập vào mọi máy tính nối net.
Sở dĩ người dùng máy tính hiện nay hay vứt đi máy tính khi bị mã độc phá hỏng chính là do mã độc, chương trình và máy tính hiện nay ngày càng hiện đại và phức tạp hơn… đòi hỏi các kỹ thuật viên có trình độ cao và… giá cũng quá cao mới khắc phục được. Hiện nay có rất nhiều công cụ chuyên dùng để diệt mọi loại mã độc hoặc thiết lập tường lửa bảo vệ… nhưng quả thật các công cụ này cũng còn lâu mới đạt được mức độ hoàn hảo.
David Gelernter, giáo sư máy tính tại đại học Yale nhận xét: ”Máy tính bị dính mã độc đã vượt ngoài tầm kiểm soát”. Chiếc PC tại gia của giáo sư này đã bị dính mã độc trầm trọng chỉ sau một tuần tậu về. Ông ta đã cùng hai đứa con kiên nhẫn hàng nhiều giờ để quét virus, phần mềm gián điệp - quảng cáo bằng đủ loại công cụ bảo mật nhưng gần như hiệu quả rất ít. Quá bực mình, ông ta la toáng lên rằng giới công nghệ bảo mật chỉ toàn cung cấp cho người dùng những công cụ vớ vẩn mà cũng đòi bảo vệ máy tính.