Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Paul Otellini - nhà chiến lược mới của Intel
Vị thạc sỹ kinh tế 54 tuổi này đã được chọn làm Tổng giám đốc điều hành thứ 5 cho hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới hôm 18/5. Trong tình hình hãng đang phải đối mặt với những thách thức về công nghệ và chiêu thức kinh doanh, Paul Otellini sẽ phải tìm ra sách lược mới.
Việc thay đổi lãnh đạo trong một tập đoàn có ảnh hưởng lớn như Intel không khỏi gây ra những ý kiến trái chiều. Trong khi Craig Barrett, vị giám đốc vừa mãn nhiệm, đánh giá Paul Otellini là "cánh tay phải" của ông khi đương chức và là người "thích hợp" với vị trí chèo lái cho Intel thì giới chuyên môn vẫn có ý kiến lo ngại do Otellini là Tổng giám đốc điều hành đầu tiên của Intel không có bằng Tiến sỹ, hơn nữa chuyên ngành của ông lại là kinh tế chứ không phải công nghệ. Dù vậy, ông vẫn khẳng định mình không kém cỏi các bậc tiền bối huyền thoại là Robert Noyce, Gordon Moore, Andy Grove, và Craig Barrett.
"Tôi cho rằng mình là người của ngành vi xử lý", Otellini phát biểu. "Tôi đã ghi dấu tay mình trên sản phẩm này 20 năm nay. Tôi đã quản lý bộ phận vi xử lý đến cả một thập kỷ, trong suốt thời của 486 và Pentium". Rick Doherty, Giám đốc nghiên cứu hãng tư vấn công nghệ Envisioneering Group tại New York (Mỹ), bình luận: "Đây là con người hiểu biết công nghệ hàng đầu, được tôi luyện trong lĩnh vực tiếp thị và có khả năng nhanh nhạy để quản lý công ty bán dẫn lớn nhất thế giới này".
Các ý kiến đều có lý khi họ nhìn vào những thách thức mà Intel đang gặp phải và phương pháp giải quyết của người lãnh đạo mới.
Thách thức đầu tiên là về mặt kỹ thuật. Nhiều năm qua Intel không ngừng cải tiến hoạt động của sản phẩm chip bằng cách tăng tốc độ xung đồng hồ. Tuy nhiên, khi mà tốc độ xử lý của chip ngày càng nhanh thì chúng càng tốn nhiều năng lượng và tỏa nhiệt nhiều hơn nữa. Chính Otellini đã vận động Intel chuyển sang một phương pháp thiết kế mới không thiên về cải tiến tốc độ đồng hồ mà ghép thêm "lõi" xử lý cho chip vào tháng 5/2004. Theo lý thuyết thì chip lõi kép ít nhất có thể cải tiến gấp đôi khả năng xử lý so với chip lõi đơn mà tốc độ đồng hồ vẫn tương đương. Còn trong thực tế, các nhà phát triển phải viết lại phần mềm mới có thể khai thác chip đa lõi.
Khó khăn thứ hai là thị trường máy tính cá nhân PC đã phát triển bão hòa. Phần lớn doanh thu của Intel kiếm được là từ việc bán chip dùng cho PC. Những người tiền nhiệm của Otellini đã lãnh đạo hãng trong thời mà thiết bị này đang thịnh và họ có thể dựa vào thị trường rộng mở để gặt hái mức tăng trưởng hai con số cho Intel. Còn Otellini thì không thể làm như thế. Ông phải tìm kiếm những nguồn lợi khác trong thị trường PC và xa hơn thế nữa.
Rào cản thứ ba là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường này với đối thủ nặng ký nhất là AMD. Một điều đáng chú ý là AMD đã tìm ra một cách thức rất thông minh để chip của họ có thể xử lý trong cả hai loại phần mềm 32 bit và 64 bit. Sau khi đã dành nhiều năm phát triển loại chip 64 bit hoàn toàn mới là Itanium, Intel buộc phải quyết định tương lai của mình bằng cách thêm phần mềm hỗ trợ 64 bit vào loại chip Pentium và Xeon 32 bit.
Theo các quan chức Intel thì cách Otellini đối phó với những trở ngại này chính là một "bước ngoặt hợp thời": phải thay đổi phương pháp thiết kế chip. Ngoài việc tạo ra những chip lõi kép (và sau đó là chip đa lõi), hãng còn phải chuẩn bị tích hợp những chức năng khác vào sản phẩm như bảo mật và hoạt động mạng.
Chính điều này đã tạo ra phần tiếp theo trong kế hoạch của Otellini: cung cấp toàn bộ "nền tảng xử lý" (platformisation). Không chỉ bán chip cho những nhà sản xuất PC, Intel còn dự định cung cấp toàn bộ hạ tầng thiết bị xử lý cho họ. Đó là những gói sản phẩm bao gồm một processor, chip phụ thuộc, thiết bị mạng và một phần mềm để liên kết hoạt động của 3 thành phần đó với nhau. Với ý tưởng này, Intel hy vọng bán được nhiều thiết bị hơn và giảm được giá bán PC. Họ cũng hy vọng kích thích được nhu cầu của người sử dụng bằng cách tạo ra những nền chuyên nghiệp cho một số thị trường tiềm năng mới như giải trí tại nhà, các thiết bị di động và chăm sóc sức khỏe. Lãnh đạo Intel hy vọng kế hoạch này sẽ giúp họ giành được ưu thế so với các đối thủ chuyên về một loại chip nhất định như AMD hay Broadcom. Và theo lý thuyết thì các nhà sản xuất PC sẽ thích mua gói sản phẩm tích hợp của Intel hơn là lắp đặt các bộ phận mua từ nhiều nhà sản xuất khác nhau.
Tất cả các kế hoạch đều có vẻ rất triển vọng theo lý thuyết, nhưng giới chuyên môn vẫn nghi ngờ khi triển khai trong thực tế. Khi được hỏi, các giám đốc điều hành của Intel đều trích dẫn thành công của Centrino - chip này bao gồm một processor với chip xử lý mạng Wi-Fi, phần mềm và các thành phần hỗ trợ. Centrino được tung ra thị trường vào năm 2003 và chính là hình mẫu cho cách thức Intel bán sản phẩm trong tương lai. Khách hàng sử dụng laptop giờ đây có thể đòi hỏi “chip Centrino” và điều này đang thúc đẩy những nhà sản xuất PC mua toàn bộ nền xử lý.
Intel đang tiến hành xây dựng hai nền giống nhau cho các máy desktop tại nhà và công sở với tên hiệu là “Desktrino”, dự định giới thiệu vào cuối năm nay. Vào tháng 1/2005, Otellini đã tái tổ chức Intel theo các nhóm thiết kế nền chuyên dụng, trong đó có các bộ phận phụ trách thiết bị kỹ thuật số gia đình, doanh nghiệp, mạng di động và ngành y tế (đây chính là thị trường Intel coi là tiềm năng).
Khi Centrino mới được giới thiệu, một số nhà sản xuất laptop tỏ vẻ coi thường loại chip Wi-Fi này và quyết định chỉ mua bộ vi xử lý laptop trước đây của Intel và cho rằng loại chip mới này không bằng chip Wi-Fi của hãng khác. Nhưng chỉ khi chip Wi-Fi của Intel được tung ra thị trường thì các nhà sản xuất laptop mới thích thú và mua luôn cả gói sản phẩm.
Dù vậy, khi Intel có cơ hội tốt để đưa nền này vào hoạt động với các desktop thì việc dấn bước vào những thị trường mới có thể khó khăn hơn. Hãng vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong thị trường điện thoại di động dù có tham vọng chiếm lĩnh những thị trường mới như điện thoại thông minh và băng rộng không dây (Intel là công ty ủng hộ nhiệt thành nhất đối với WiMax). “Họ không có lợi thế công nghệ quan trọng nào đối với những hãng lớn khác trong lĩnh vực mobile”, Kevin Krewell, chuyên gia của chuyên san công nghệ vi xử lý Microprocessor Report, phát biểu. “Đến khi nào họ đạt được bước tiến thực sự độc đáo thì họ mới trở thành đối thủ”.
Ngoài ra, Intel còn gặp nhiều rào cản tiềm ẩn khác nữa. Bình thường thì Dell - nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới và là một trong những đồng minh thân cận của Intel, vẫn quyết định không dùng chip của AMD, nhưng Kevin Rollins, Tổng giám đốc điều hành của Dell, hồi tháng 2 đã thừa nhận rằng hãng của ông đang thay đổi ý định do những trục trặc về sản phẩm và các khó khăn khác với Intel. Nếu Dell sau này thay đổi ý định thì thị phần của Intel trong lĩnh vực vi xử lý cho PC sẽ rơi vào tình trạng báo động.
Với việc Otellini nắm quyền lãnh đạo, Intel đang bắt đầu chuyển hướng theo con đường mà ông đã vạch ra hồi cuối năm 2001. Đây là vị lãnh đạo đầu tiên của hãng đặt chính sách kinh doanh và tiếp thị lên cao hơn chính sách kỹ thuật. Trong khi Intel đang gặp khó khăn không chỉ trong việc thiết kế chip theo cách mới mà còn trong việc bán sản phẩm theo cách mới thì Otellini tỏ ra là người thích hợp cho vị trí này.