Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Những hứa hẹn từ ngành công nghiệp nội dung
Khi mục tiêu 500 triệu USD giá trị công nghiệp phần mềm không thể thực hiện được, việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại VN được nhìn nhận thực tế hơn. Người ta bắt đầu dự báo về một lĩnh vực khác: công nghiệp nội dung.
Một thành viên lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VN (VINASA) cho rằng có một thực tế phải nhìn nhận là không thể tồn tại một ngành "CNTT vị CNTT" hay "phần mềm vị phần mềm" mà CNTT nói chung hay phần mềm nói riêng muốn phát triển được thì phải có địa chỉ phục vụ rõ ràng với một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Đương nhiên, nếu chỉ có những cử nhân, kỹ sư CNTT thì sẽ khó có thể làm được cái gì bởi ngay cả việc lập trình các module nhỏ cũng không chắc đã có thể làm tốt nếu như không am hiểu gì về nhu cầu ứng dụng cho nó. Bài học của giáo sư Chu Hảo, đồng tác giả của một bản đề án về nhân lực, là phải có được đội ngũ kỹ sư xây dựng, bác sĩ... có đủ tri thức về tin học chứ không đơn thuần chỉ cần chuyên gia CNTT và các lập trình viên.
Điều dễ nhận thấy là nhiều người cố công theo học để trở thành kỹ sư, cử nhân CNTT hoặc làm lập trình viên nhưng khi tốt nghiệp lại không dễ tự hành nghề. Trong khi đó, các đồ họa viên vi tính lại khá đắt giá bởi một nhu cầu rất lớn về thiết kế đồ họa quảng cáo, làm kỹ xảo... Chính vì thế, đã có những dự báo cho rằng năm 2006, VN sẽ thiếu khoảng 17.000 chuyên viên về công nghệ đa phương tiện (multimedia). Nhưng là nước đi sau nên có lẽ VN khó lòng đóng góp gì cho việc phát triển công nghệ đa phương tiện mà chỉ hy vọng ứng dụng tốt được nó trong các lĩnh vực có nhu cầu.
Đến nay, đa phần các đạo diễn vẫn phải ra nước ngoài để thuê thực hiện kỹ xảo vì trong nước vẫn còn manh mún trên mọi phương diện. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, nguyên tổng thư ký Hội Điện ảnh VN, đã kỳ vọng về sự hợp tác giữa khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng với các lĩnh vực nghệ thuật. Ông cũng lưu ý rằng nghệ thuật thứ bảy ra đời nhờ những thành tựu khoa học thì không có lý do gì để cứ thụ động, chờ đợi mà phải nắm bắt lấy các công nghệ hiện đại, trong đó có CNTT.
Đối với lĩnh vực âm nhạc và xử lý âm thanh, đương nhiên đó cũng là một nhu cầu nhìn thấy và việc hằng ngày chúng ta vào mạng Internet để nghe nhạc hay tải về các bản nhạc số cũng là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, những gì sẽ còn phải làm cho âm nhạc VN chắc chắn là rất nhiều và điều đó hẳn không cần chờ đợi ở một chính sách, chiến lược của ngành CNTT hay văn hóa mà chính giới trẻ cũng đã chủ động. Điển hình là website vietnamaudio.com của một nhóm sinh viên làm ra đã giành cup vàng CNTT châu Á - Thái Bình Dương APICTA 2003 và giải ba Trí tuệ VN 2003. Với sự gia tăng của thị trường Internet, đặc biệt là Internet băng thông rộng, các dịch vụ truyền hình Internet cũng đã được công ty Đầu tư phát triển công nghệ truyền hình VTC cùng một số đài truyền hình trong nước quan tâm đầu tư. Đó là chưa kể đến hoạt động của trò chơi điện tử qua mạng (game online) đang phát triển rầm rộ ở khắp nơi.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Chúng ta gọi nó là công nghiệp nội dung thông tin nhưng cũng cần phải nhìn nhận lại theo một góc độ khác bởi ứng dụng CNTT là vì mục đích phát triển của chính các lĩnh vực khoa học.