Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Nhạc trực tuyến Việt Nam còn manh mún nhưng giàu tiềm năng
Khi quyết định kinh doanh nhạc online có bản quyền, Giám đốc FPTmusic Phùng Tiến Công tính toán rằng, với 7 triệu người sử dụng Internet trong nước và 3 triệu kiều bào, nhacso.net sẽ có 2 triệu khách hàng sau một năm ra mắt.
Giới chuyên môn trong làng nhạc Việt Nam cho rằng, phép tính của Giám đốc FPTmusic không phải là không có cơ sở, bởi lợi thế lớn nhất của nhacso.net là người đi tiên phong trong khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng trở nên phổ biến. "Trong một thế giới mà USB, điện thoại di động, máy ảnh và nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại khác đều trở thành những thiết bị tích hợp tính năng nghe nhạc thì không có lý do gì để không tin rằng nhạc trực tuyến sẽ là một thị trường hấp dẫn", Phùng Tiến Công khẳng định.
Những con số thống kê trên thế giới là bằng chứng rõ ràng nhất về "cơn sốt" nghe nhạc luôn nóng bỏng ở khắp nơi. Năm 2004 được đánh dấu là năm bản lề, giai đoạn cất cánh của nhạc số và theo hãng NPD, có tới 1,3 triệu người tiêu dùng trên toàn cầu trả tiền tải nhạc trong tháng 4 năm ngoái. Cũng vào thời điểm đó, các site nhạc trực tuyến lớn như Emusic.com thu hút 165.000 người dùng ở Anh, trong khi OD2.com đón 523.000 khách...
Tuy nhiên, có một thực tế là nếu như trong năm 2004, nước Mỹ "bỏ túi" 300 triệu USD từ các dịch vụ nghe và tải nhạc trực tuyến thì ở Việt Nam con số này là bằng 0, dù số lượng các website cung cấp nhạc trong nước có thể thống kê được cả nghìn trang. Các site nhạc phổ biến như vietnamaudio.com, nghenhac.info, giaidieu.net, yeuamnhac.com... luôn có vài trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày với số trang được xem (Page Views) từ hơn trăm nghìn đến vài triệu. Những trang cho phép đăng ký thành viên thu hút từ 255.000 đến 330.000 nghìn member. Điều này khiến nhiều người cho rằng kinh doanh nhạc trực tuyến có bản quyền ở VN là việc làm quá mạo hiểm và khó mà có thể thành công.
Song, việc xây dựng, phát triển và thương mại hoá một hệ thống nhạc trực tuyến không chỉ có vấn đề bản quyền mà còn đòi hỏi các yếu tố khác như sự phát triển của môi trường Internet nói chung trong cộng đồng, các nguồn lực về tài chính và con người đủ mạnh để giải quyết cơ sở dữ liệu, máy chủ, băng thông, xây dựng công nghệ, quảng bá... và yếu tố không thể không nói đến là một hành lang pháp lý thuận lợi cũng như thói quen tuân thủ luật pháp của người dân. Có thể thấy ngay rằng không phải cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp nào cũng dễ dàng nắm được trong tay những điều kiện này.
Sự ra đời và tồn tại của các site nhạc ở VN đa phần lại chỉ như "cuộc chơi" đầy phiêu lưu của những thanh niên còn rất trẻ. Có người làm website âm nhạc để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc khi xa quê hương du học của chính mình, có người làm để chơi và chia sẻ với bạn bè vì biết chút ít công nghệ... vietnamaudio.com, giaidieu.net là những website ra đời từ một trong những lý do đó.
Việt Hoàng, webmaster của giaidieu.net, tâm sự: "Năm 1999, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Internet, tôi đã nhận thấy âm nhạc VN trên Internet quá ít ỏi trong khi nhu cầu được nghe giai điệu quê hương của kiều bào và du học sinh rất lớn. Tôi đã làm ra giaidieu.net với cơ sở dữ liệu đều là âm nhạc trong nước".
Tác giả giaidieu.net cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ vấn đề bản quyền bằng việc khẳng định: Chỉ giới thiệu trên site của mình những bài hát đã được phát hành sau một thời gian dài. "Tôi nghĩ, trong giai đoạn khởi đầu, chúng ta nên chấp nhận nhạc số không bản quyền như là một cách tạo thói quen sử dụng và tiềm năng cho một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn phát triển nhanh hơn", Việt Hoàng nói. "Nếu kinh doanh nhạc trực tuyến, chúng tôi buộc phải phụ thuộc vào thương mại điện tử. Nhưng với tình hình ở VN lúc này, tất cả những gì tôi có thể nói là: chờ đợi. Và tôi tin rằng nhiều website âm nhạc khác trong nước cũng đang trong tình cảnh tương tự".
Nguyễn Bá Đức, người làm ra nghenhac.info chỉ với mục đích dành tặng người yêu, đã không thể ngờ rằng chỉ sau hơn 2 năm xuất hiện trên mạng, site này đã có tới vài trăm nghìn thành viên. Đức nói: "Những thành viên ban điều hành của nghenhac.info đều chỉ vì tình yêu âm nhạc mà muốn giai điệu VN đến với khắp thế giới. Kinh phí duy trì site hàng tháng cũng khá tốn kém và do chúng tôi tự bỏ tiền túi. Chúng tôi không hề thu lợi nhuận từ việc này".
Dù vấn đề bản quyền luôn được nhắc đến khi thị trường âm nhạc trực tuyến của VN có "những tiếng gõ cửa" đầu tiên, người ta vẫn không thể phủ nhận rằng những vietnamaudio.com, nghenhac.info, giaidieu.net, yeuamnhac.com... cùng nhiều website tương tự khác đã vô tình là cầu nối hữu hiệu giữa người nghe và loại hình âm nhạc online, để rồi nhanh chóng trở thành một trào lưu phổ biến trong giới trẻ.
Khi nghe nhạc trên Net đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người, cũng là lúc công nghệ và cơ sở hạ tầng thông tin đạt được sự phát triển mạnh mẽ cuốn cả thế giới vào cơn lốc tưởng như bất tận của các dịch vụ truyền thông hiện đại. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Với những chương trình phổ cập tin học, máy tính giá rẻ, sự xuất hiện, phát triển của băng thông rộng cùng cuộc đua giảm giá dịch vụ ADSL, rồi những chuẩn bị cho việc ra đời của Luật giao dịch điện tử, Luật công nghệ thông tin... nhiều chuyên gia đã nhận định, đây chính là thời điểm để có thể khởi nghiệp với nhạc trực tuyến tại VN.
Vấn đề căn bản nhất theo như Russ Crupnick, Phó chủ tịch NPD, từng phân tích: “Thách thức trước hết đối với dịch vụ âm nhạc qua Internet là phải quảng bá sâu rộng khái niệm tải nhạc bản quyền và rồi mới dần dần tạo dựng sự gắn bó của khách hàng”.
Tác giả giaidieu.net cũng khẳng định: "Ở VN, chúng ta không thể xây dựng lên những công ty nhạc số khổng lồ và thành công như kiểu iTunes. Nhưng chúng ta vẫn có thể thành công với mô hình nhỏ hơn. Vấn đề là bạn phải biết mình đang có trong tay những gì".
Trong báo cáo toàn cảnh công nghệ thông tin và truyền thông vừa được công bố, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học TP HCM, cũng nhấn mạnh, năm 2005 VN chứng kiến sự bùng nổ Internet băng rộng và dịch vụ. Điều đó thêm một lần thắp sáng hy vọng thành công từ những bước đi đầu tiên của thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam.
Nguyễn Hằng