Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Nhạc số - Nhìn từ góc kinh doanh

Phương tiện nào được bạn sử dụng để nghe nhạc? Đĩa CD, radio hay TV? Đã bao giờ bạn nghe nhạc qua máy vi tính, qua điện thoại di động, qua Internet chưa? Đó chính là nhạc số. Trên thế giới, nhạc số đang tạo ra một thị trường rất sôi động với doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD. "Chiếc bánh" nhạc số béo bở thoạt nghe có vẻ dễ dàng và hấp dẫn, nhưng những câu hỏi "thu bằng cách nào" và "bảo vệ bản quyền ra sao" đang làm đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ...

Khám phá thế giới nhạc số

 

Nhạc số (digital music), được hiểu là các bản nhạc được lưu trữ dưới dạng số trong các thiết bị nghe nhìn như máy vi tính, điện thoại di động, các thiết bị nghe nhạc cầm tay... Và là vì lưu trữ dưới dạng số, nên nhạc số còn có thể được sao chép, truyền tải trực tiếp giữa các thiết bị số hay qua mạng máy tính.

 

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Thực ra nhạc số có rất nhiều cách định nghĩa. Nhưng mà gần đây người ta đưa ra cái từ gọi là nhạc số tức là digital. Nhạc số có từ lâu rồi, ngay từ khi có đĩa CD, nó đã chuyển sang số hóa chứ không phải là băng cassett analog như ngày xưa. Nhưng gần đây người ta có thuật ngữ là nhạc số tức là các loại nhạc đã được số hóa và nén theo dạng như mp3 để có thể trao đổi hoặc là bán ở trên mạng Internet".

 

Nhạc số phát triển rất mạnh trên thế giới và đã trở thành một ngành kinh doanh thực sự. Ở nước ta, đề tài nhạc số được hâm nóng lên khi mới đây, FPT Music và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã bắt tay xây dựng một hệ thống nhạc số có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam. Những người làm dự án đang kỳ vọng vào thị trường 7 triệu người dùng Internet, cùng những áp lực bản quyền sở hữu trí tuệ.

 

Nhạc số - nhìn ra thế giới

 

Năm 2004 vừa qua được đánh dấu là năm cất cánh, năm bản lề của nhạc số. Số lượng người dùng tải nhạc có thu phí đã lên đến con số 350 triệu, với hàng tỷ lượt người nghe. Theo con số tính toán của Apple - một hãng máy tính lớn của Mỹ, đến thời điểm này, Apple download đã vượt ngưỡng 300 triệu bản nhạc. Jupiter research cũng loan báo thị trường nhạc số trong năm 2004 lên tới 330 triệu USD và có thể tăng gấp đôi vào năm 2005. Thị trường châu Á cũng đang có sự khởi sắc của Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên ở Đông Nam Á mới chỉ có Singapore và HongKong.

Tính đến thời điểm này, đang có gần 1 tỷ người dùng Internet, với hơn 30 triệu người hàng ngày lướt web trên 245 quốc gia. Đây quả là một con số lý tưởng cho các hoạt động quảng bá trên diện rộng. Nhạc số, nhạc trực tuyến theo đó phát triển như vũ bão. Hàng loạt tập đoàn lớn vào cuộc, hàng loạt kho nhạc đồ sộ đã mở ra cho cả thế giới lắng nghe, thưởng thức. Internet đang thực sự là một đại lộ mới rộng thênh thang cho những ai muốn đưa âm nhạc của mình ra thế giới. Và thực tế, có tới hơn 45% số người Mỹ chọn Internet là phương tiện truyền thông số 1, vượt trên cả TV.

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Trong sự phát triển rất là nhanh và mạnh của CNTT và viễn thông thì chắc chắn rằng nhạc số, nhạc trên mạng, trên các phương tiện viễn thông sẽ phát triển rất lớn. Nó có lấn át được các khu vực truyền thống của âm nhạc khác hay không thì tôi chưa dám nói nhưng rõ ràng là nó có thể trở thành 1 khu vực âm nhạc phục vụ cho công chúng một cách rất là hiệu quả và được hưởng ứng lớn".

 

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Cách đây mấy năm người ta đã có những trang web bán nhạc số, sau đấy họ bị kiện vì vi phạm bản quyền. Gần đây, theo tôi biết thì chỉ có mạng của hệ thống iTune của hãng máy tính Apple được hiệp hội bản quyền của Mỹ cho phép khai thác các bài theo dạng nén mp3, được bán trên mạng và nó mang lại thành công rất là lớn cho hãng máy tính đó".

 

Phùng Tiến Công - Giám đốc FPT Music: "Hai năm vừa rồi, với sự thành công bất ngờ của hãng máy tính Apple... thì Microsoft, Yahoo và MTV đã nhảy vào cuộc. Ta có thể thấy được việc thực thi bản quyền trên thế giới đã tiến hành và đã thu được những thành công ban đầu rất khả quan... Tiềm năng của thị trường nhạc số thế giới là đầy hứa hẹn".

 

Nhacso.net - Chắp cánh nhạc Việt

 

Nhacso.net là một trang web có giao diện đơn giản nhưng sang trọng, tông màu ấn tượng mà không loè loẹt! Hơn thế nữa, khi truy cập vào nhacso.net, các bạn đã đến với một bộ sưu tập nhạc Việt đương đại tương đối toàn diện. Nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến, nhạc rock và cả nhạc dân tộc, nhạc cách mạng, tất cả đều hiện diện tại đây. Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là chất lượng các bài hát. Với đường truyền ADSL, thậm chí kết nối qua modem điện thoại, chất lượng âm thanh các bản nhạc không kém cạnh gì so với việc nghe qua hệ thống CD!

 

Gần 1 tháng khai trương, nhacso.net đã có số lượt truy cập vượt qua con số 5 triệu. Hệ thống này đã sử dụng công nghệ của Microsoft, WMA 20K cho các file nhạc streaming nên các bản nhạc vẫn đảm bảo được chất lượng tốt nhất mà không bị ngắt quãng khi nghe bằng đường điện thoại bình thường. Muốn sử dụng hệ thống này, bạn chỉ cần truy cập vào trang chủ nhacso.net,  tìm 1 bài hát mà mình yêu thích, rồi nghe thử. Khả năng tìm kiếm là một trong những điểm mạnh nhất ở nhacso.net, người dùng chỉ cần gõ tên bài hát, hoặc tên ca sĩ, hoặc nhạc sĩ, hoặc album cần tìm rồi bấm Enter, rất đơn giản. Cho đến lúc này, khoảng 80% số bài hát trên nhacso.net có lời hát đi kèm.

Phùng Tiến Công - Giám đốc FPT Music: "Hiện nay nhacso.net có trên 5.000 bài hát nhạc Việt và đây là đợt đầu tiên chúng tôi đưa lên. Chúng tôi dự dịnh sẽ đưa lên khoảng 3 đến 4 đợt nữa để hoàn thiện số lượng hơn 20 nghìn nhạc phẩm chúng tôi hiện đã số hóa. Và trang nhacso.net sẽ hoàn toàn miễn phí cho khán giả Việt Nam nghe, tuy nhiên muốn tải bài hát về, muốn sở hữu nó thì phải trả phí gọi là phí tác quyền".

 

Ngay sau khi được sự đồng ý của chủ sở hữu, các albums và bài hát mới sẽ có mặt trên nhacso.net trong khoảng 1-2 tuần. Tiêu chỉ chọn bài hát để cập nhật là bài hát có bản quyền, được phép phát hành của Bộ Văn hoá và được nhiều người yêu thích.

 

Hiện nay, hệ thống chưa cho phép download và cũng chưa bán nhạc. Dự kiến đến cuối năm nay người yêu nhạc có thể trả tiền để download các file MP3 chất lượng cao từ 128K đến 192K và các dịch vụ âm nhạc khác. Các nhạc phẩm được khách hàng download bao nhiêu lần sẽ được hệ thống mạng trực tuyến báo về Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để tính phí...

 

Phùng Tiến Công cho biết thêm: "Việc thu phí chúng tôi sẽ tiến hành theo 3 cách. Cách thứ nhất là phát hành thẻ trả trước đối với những người yêu nhạc trong nước. Cách thứ 2 là thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng đối với người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài. Cách thứ 3 thì hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu tìm cách giải quyết. Có lẽ sẽ là thanh toán qua điện thoại và điện thoại di động. Đấy là 3 cách chính mà nhacso.net sẽ thu tiền".

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: "Việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kết hợp với FPT để xây dựng một hệ thống âm nhạc trực tuyến có bản quyền đầu tiên của nước ta có ý nghĩa rất lớn. Tôi có ý nghĩ rằng là ý nghĩa của nó cũng giống như sự kiện 30/7 năm ngoái mà THVN đã ký kết với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam".

 

Nhạc sĩ Huy Tuấn: "Tôi nghĩ đây là một tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy cái văn hóa trong chuyện bản quyền giữa các nhạc sĩ, bản quyền về trí tuệ. Và tôi cũng mong muốn trang web âm nhạc số này sẽ có một tương lai rất sáng lạn. Bởi vì tôi nghĩ là nếu mà họ làm ăn tốt thì chúng tôi cũng được nhờ".

 

Nếu như sự ra đời của các phương tiện  truyền thông hiện đại như truyền hình, Internet không thể làm tàn lụi thói quen đọc sách, đọc báo; thì nhạc số cũng khó có thể thay thế các phương thức nghe nhạc truyền thống: CD, DVD.

 

Song, đối với người trong cuộc, những nhạc sỹ, ca sỹ, việc quảng bá nhạc số qua các phương tiện số, phương thức số là một điều hoàn toàn mới mẻ, cũng là cách thức mới để tiếp cận thị trường. Số hoá âm nhạc là con đường ngắn nhất để âm nhạc trong nước tiếp cận với người dùng toàn cầu. Ngoài ra, số hóa còn được xem là phương thức tốt nhất để lưu giữ, bảo tồn các tác phẩm âm nhạc...

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Truyền hình thì đúng là 1 phương tiện truyền tải âm nhạc là cực lớn và chọn lọc. Thế nhưng so với nhạc số thì Truyền hình vẫn thua kém nhiều chỗ, rằng là: người ta có thể xem Truyền hình nhưng không thể lấy được nhạc xuống. Còn đây thì người ta xem xong, người ta thích có thể lấy nhạc về cho mình. Đấy là một thế mạnh của âm nhạc trực tuyến".

 

Nhạc sĩ Huy Tuấn nói: "Nhạc số có những thuận lợi mà không ai có thể phủ nhận được. Cùng 1 lúc họ có thể download được nhiều bản nhạc rất là nhanh và họ có thể mang theo người hàng nghìn bài và tính cập nhật của nó cũng rất là nhanh". Nhưng nhạc sĩ Quốc Trung lại cho rằng mặc dù nhạc số mang lại lợi ích cho việc quảng bá và sự trao đổi thuận tiện, tuy nhiên: "Chất lượng của nhạc số nén bằng mp3 cũng như là các dạng thấp hơn để được trao đổi trên mạng thì nó chưa thể nào so sánh được với chất lượng ít nhất là với CD... Tất nhiên là cũng còn 1 vài năm nữa kỹ thuật phải phấn đấu thế nhưng mà theo tôi nhạc số cũng khó có thể lấn át được các xuất bản phẩm bằng những cái truyền thống như là CD hay Video, hay DVD".

 

Kinh doanh bản quyền nhạc số - "cuộc chơi" mạo hiểm

 

Trên thế giới, nhạc số đang tạo ra một thị trường rất sôi động với doanh thu lên đến hàng trăm triệu đôla. "Chiếc bánh" nhạc số béo bở thoạt nghe có vẻ dễ dàng và hấp dẫn, nhưng những câu hỏi "thu bằng cách nào" và "bảo vệ bản quyền ra sao" đang làm đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ.

 

13 tỷ file nhạc online vi phạm bản quyền là thống kê mới nhất của BigChampagne. Riêng trong năm 2004, khoảng 60.900 website nhạc lậu, 477 mạng đồng đẳng (Peer to Peer) với số lượng 1,6 tỉ file nhạc đã bị đóng cửa.

Năm 2005, thị trường nhạc số được dự đoán là sẽ thu được khoảng 700 triệu đôla. Thế nhưng con số thiệt hại do 13 tỷ file nhạc online vi phạm bản quyền lại gấp gần 10 lần con số thu được. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi tất cả, nhưng quá trình sao chép ca khúc trái phép qua Internet một cách ồ ạt đã gây ra tổn thất nặng nề cho thị trường âm nhạc.

Phùng Tiến Công - Giám đốc FPT Music: "Hiện nay, trên thế giới cũng đang rất đau đầu về bài toán bản quyền đặc biệt là bản quyền âm nhạc. Thế cho nên là có lẽ trong thời gian tới chúng ta vẫn phải chấp nhận "sống chung với lũ" một thời gian. Nhưng mà chúng tôi sẽ làm hết sức mình và chúng tôi sẽ phối hợp với tất cả các bên có liên quan như Cục bản quyền, như là các hãng băng đĩa để chúng tôi tiến hành làm thật mạnh việc tôn trọng bản quyền âm nhạc trên mạng Internet".

 

Hiện nay ở Việt Nam, nhạc số chưa phổ biến. Ngoài sự tự phát của một số trang web, Việt Nam hiện chưa có kho nhạc trực tuyến nào quy mô lớn. Hầu hết đều là các trang web do các cá nhân hoặc nhóm cá nhân tạo nên, không có sự đầu tư đúng mức và đặc biệt những website này đều đang vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Và nhacso.net là trang web đầu tiên có sự cam kết thực thi bản quyền nhạc số trên Internet giữa nhà cung cấp dịch vụ FPT Music và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam.

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "...Tôi nghĩ rằng động thái mà vừa rồi FPT với Trung tâm BVQTGÂNVN đã ký kết nó sẽ mở đầu cho hàng loạt hợp đồng ký kết với tất cả các trang web và những phương tiện viễn thông khác mà những năm vừa rồi hết sức hỗn độn. Tôi cho rằng triển vọng của việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên lĩnh vực thông tin và viễn thông chắc chắn sẽ ngày càng hiệu quả".

 

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Do hệ thống bảo vệ bản quyền của nước ta mới bắt đầu thực thi. Nó vẫn còn nhiều khúc mắc cũng như còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh nên theo tôi nghĩ là khai thác nhạc số ở trên mạng sẽ gặp phải cái khó khăn. Nhưng mà nó cũng nằm trong quy luật chung của nền công nghiệp âm nhạc. Nó phải có thời gian thì mới có thể ổn định hoặc là khai thác một cách hiệu quả".

 

Trong khi chờ đợi những thành công bước đầu của việc kinh doanh nhạc số trên Internet thì dường như vẫn đang có một nghịch lý trong vấn đề bản quyền nhạc số. Nhạc sỹ Huy Tuấn, nhạc sỹ Quốc Trung chỉ là hai trong nhiều nhạc sỹ hiện nay sáng tác nhạc bằng chiếc máy vi tính của mình. Mỗi dòng nhạc, nốt nhạc viết ra trên máy vi tính đều liên quan đến bản quyền, ở đây là bản quyền của phần mềm sáng tác nhạc. Khi phát hành nhạc, nhất là ra thị trường ngoài nước, nếu bị phát hiện sử dụng phần mềm không có bản quyền, đương nhiên người nhạc sỹ sẽ chịu rất nhiều rắc rối về mặt pháp lý. Thế nhưng, ngay cả khi chưa kịp phát hành, toàn bộ bản nhạc, bài hát của họ đã có thể bị sao chép, phát tán nhanh chóng và vô tội vạ trên Internet, qua các website tiếng Việt. Hơn nữa, mặc dù biết là vi phạm bản quyền nhưng tại sao lại phải mua khi mà còn vô khối nơi người ta có thể download miễn phí những ca khúc đó.

 

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Những người nhạc sĩ chúng tôi là những người có thể nắm được và phải trả tiền bản quyền nếu mua phần mềm sử dụng. Thế nhưng ngược lại, chúng tôi lại là những đại diện bị vi phạm. Những sản phẩm của chúng tôi bị vi phạm bản quyền chẳng hạn như CD lậu bán ngoài cửa hàng thì những người nhạc sĩ như chúng tôi không biết kiện ai và cũng không biết phạt ai...".

 

Nhạc sĩ Huy Tuấn: "Thực ra thì chúng tôi cũng chưa bao giờ để ý đến vấn đề là đi kiện ai và bắt đầu từ đâu khi mà phát hiện ra những bài hát của mình bị đánh cắp bản quyền. Chúng tôi thực sự lúng túng trong vấn đề đấy và thực sự là đã từ lâu không còn để ý đến vấn đề đấy nữa...".

 

Ở Việt Nam, ngoài việc phải đương đầu với nạn băng đĩa lậu đang ở mức báo động, các website cung cấp dịch vụ tải nhạc số vi phạm bản quyền..., việc xây dựng và phát triển một hệ thống nhạc trực tuyến thực thụ vấp phải vô số những khó khăn khác. Chi phí bản quyền, máy chủ, băng thông, nhân lực, quảng bá, xây dựng công nghệ, thu thập dữ liệu... đòi hỏi đầu tư lớn nhưng nguồn thu thì mờ mịt.

 

Khó khăn thứ hai là ở khâu kỹ thuật, khi mà chỉ cần vài thủ thuật, những người dùng Internet có kinh nghiệm có thể dễ dàng thoát qua khâu kiểm soát của website, dò tìm đúng địa chỉ của file nhạc mà download. Và như thế, họ mặc nhiên có thể download nhạc mà không cần phải trả tiền mua. Phát triển, ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền, vì vậy, đã nhacso.net hết sức lưu tâm: "Chúng tôi đã mã hóa và tìm những biện pháp tốt nhất có thể để bảo vệ được các bản nhạc số chất lượng cao từ trên máy chủ. Từ việc chúng tôi đặt streaming server đến cái chuyện chúng tôi mã hóa thông tin bên trong cũng như các chế độ bảo mật về tài khoản".

 

Một khó khăn nữa nằm trong thói quen mua sắm và ý thức tôn trọng bản quyền của người Việt. Khi mà chỉ với 8.000 đồng bạn đã có thể sở hữu trong tay một đĩa nhạc mp3 với hơn 100 bài hát, liệu rằng bạn có bỏ tiền bạc, bỏ thời gian để mua và download 1 bản nhạc hay không? Hơn thế nữa, nếu như bạn có 1 ổ ghi CD, bạn có thể nhân thêm hàng chục đĩa mp3 như thế để phân phát cho bạn bè mà không nghĩ rằng mình đang "ăn cắp" bản quyền.

 

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: "Về vấn đề bản quyền thì đúng là hiện nay rất là khó. Đối với 1 thị trường mà từ xưa đến nay quen dùng tất cả các sản phẩm trí tuệ gọi là dùng "chùa" rồi thì tôi nghĩ là để thực hiện nó một cách triệt để rất là khó và cần phải có một thời gian nữa đi vào quy củ và quan trọng là người ta có thói quen trả tiền bản quyền, trả tiền âm nhạc...".

 

Phùng Tiến Công - Giám đốc FPT Music: "Thị trường Việt Nam khó mà biết trước được. Khi mà hành lang về thương mại điện tử chưa rộng như hiện nay thì cái chuyện thanh toán và kinh doanh nhạc số trên mạng là bài toán rất mạo hiểm. Tôi khẳng định là rất mạo hiểm. Tuy nhiên chúng tôi làm không chỉ là việc kinh doanh đơn thuần mà chúng tôi làm còn có một phần nào đấy tự hào, tự ái dân tộc và nó có một phần nào đấy mong muốn đóng góp của chúng tôi. Thế cho nên chúng tôi nói riêng cũng như là công ty FPT nói chung đánh giá cao dự án này và chúng tôi chấp nhận mạo hiểm".

 

Nếu bạn là người thích nghe nhạc thì nhacso.net là địa chỉ xứng đáng để bạn thường xuyên lui tới, nhưng xét từ góc độ kinh doanh thì đây quả là một dự án mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng vào sự mạo hiểm cần có và đáng ngợi khen của nhóm biên tập, kỹ thuật trang nhacso.net.

Các tin tức khác:

Đã đến thời vinh quang của Internet?

Sâu lai báo hiệu thế hệ virus mới

Máy in di động: Tiền nào của ấy

Noel, năm mới: thời khắc vàng của “xã hội đen” kỹ thuật số

Thư viện âm nhạc điện tử đầu tiên tại Việt Nam

Cảnh báo virus: Trojan.Favadd

Dùng Nero Burning ROM để chỉnh sửa file VideoCD

Biến thể các virus đã tăng gấp 3 lần trong 6 tháng

Microsoft kiểm tra lỗi mới trong IE

Thiết kế đồ họa - 5 sai lầm khủng khiếp

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone