Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Người làm nên một Samsung kỳ diệu
Tập đoàn Samsung đã trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về điện thoại di động với thị phần 13,8%, vượt qua “lão làng” Motorola về thị phần điện thoại di động và hiện chỉ còn đứng sau Nokia.
Không chỉ với điện thoại di động, mà với rất nhiều mặt hàng điện tử khác Samsung đã vượt qua nhiều đại gia, trong đó có cả những tượng đài khổng lồ như Sony. Và kiến trúc sư trưởng của điều kỳ diệu đó chính là Yun Jong-Yong, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Samsung.
Từ nhiều năm nay, tập đoàn Motorola đã luôn cảm thấy hơi thở dồn dập sau gáy của đàn em Samsung đến từ Hàn Quốc. Năm 2004, trong 5 đại gia lớn nhất về điện thoại di động là Nokia, Samsung, Motorola, Siemens và LG thì chỉ có Samsung lãi lớn và tăng trưởng mạnh. Thậm chí Siemens bị thua lỗ mỗi ngày 1 triệu Euro về lĩnh vực điện thoại di động.
Gần đây có nhiều thông tin dự đoán tập đoàn Samsung có ý định mua lại toàn bộ lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Siemens với thị phần 7,6%. Tổng giám đốc Yun Jong-Yong tự hào khẳng định “Samsung là thương hiệu tăng trưởng nhiều nhất trên toàn cầu và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này”. Riêng quí IV năm 2004, Samsung đã bán được 15 triệu chiếc điện thoại di động, tăng trưởng 25%.
Tập đoàn Samsung hiện đang là nhà sản xuất các con chíp vi mạch điện tử lớn nhất thế giới. Doanh số của Samsung về lĩnh vực này trong ba tháng cuối cùng vừa qua đạt 2.600 tỉ Won, tương đương với hơn 2 tỉ Euro, đạt mức tăng trưởng kỷ lục 40%. Thuộc diện đàn em, sinh sau đẻ muộn, nhưng Samsung cũng đã qua mặt hàng loạt đại gia Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất màn hình phẳng và màn hình tinh thể lỏng.
Dưới sự điều hành của nhà quản lý tài ba Yun Jong- Yong, Samsung đã đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay với 57.600 tỉ Won doanh số, tương đương với hơn 43 tỉ Euro. Các cổ đông và nhà đầu tư vô cùng phấn khích trước con số lợi nhuận trong mơ là 10.790 tỉ Won, tương đương với hơn 8 tỉ Euro.
Chèo lái Samsung vượt qua bão táp khủng hoảng
Trong bốn năm qua, giá trị cổ phiếu của Samsung đã tăng gấp 5 lần từ 23,50 Euro năm 2001 lên trên 100 Euro năm 2005. Thời điểm được giá nhất vào đầu hè năm ngoái, cổ phiếu Samsung lên tới 136,5 Euro. Trong thời gian đó cổ phiếu của Nokia giảm từ 40 Euro xuống còn 12 Euro.
Không ai, kể cả những người lạc quan nhất, có thể nghĩ Samsung lại tiến nhanh như vậy, dù vị Tổng giám đốc Yun Jong- Yong có tài phù phép đến đâu. Bởi vì Samsung đã đi lên từ vực thẳm trong thời kỳ đen tối nhất của khủng hoảng kinh tế châu Á nói chung và kinh tế Hàn Quốc nói riêng.
Cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 96-97 đã đẩy tất cả các chaebols, những tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc vào vòng xoáy khó khăn và nợ nần chồng chất. Các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đua nhau rút tiền ra khỏi nơi đầu tư mà họ cho là nguy hiểm. Samsung cũng bị “dính” tới 11 tỉ USD. Nguy cơ phá sản đang đến rất gần khi không vay tiếp được từ ngân hàng, cổ phiếu Samsung phát hành để huy động vốn không có người mua.
Yun Jong-Yong được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Samsung đúng vào thời điểm đó, đầu năm 1997. Ông đứng trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là phải đưa tập đoàn Samsung thoát hiểm và tiếp tục đi lên.
Trong cơn bĩ cực, không còn cách nào khác, điều đầu tiên Yun Jong-Yong phải làm là chính sách thắt lưng buộc bụng và tiết kiệm chi phí triệt để. Được sự ủng hộ của Hội đồng quản trị, đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lee Byung Chull, Yun Jong-Yong đã sử dụng tối đa quyền lực của một CEO. Ông không chịu để sức ép xã hội mang nặng tính cách Á Đông có thể ảnh hưởng đến các quyết định nhân sự của mình. Một phần là tự tin nhưng phần khác cũng là do quyết đoán đến liều lĩnh mà Yun Jong-Yong quyết định phá tan toàn bộ cơ cấu tổ chức đang có. Theo ông, nó quá cồng kềnh, không thể hoàn thiện hay tái cơ cấu nửa vời được mà phải làm lại từ đầu.
Thời điểm khó khăn cực độ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã cho phép Yun Jong-Yong thực hiện một quyết định đầy mạo hiểm đó. Hàng loạt nhà máy, hàng chục văn phòng đại diện và chi nhánh ở các tỉnh đã bị ông tổng giám đốc mới thẳng tay cắt bỏ nhằm giảm chi phí. Trước nguy cơ sống còn của cả tập đoàn, Yun Jong-Yong không thể kiên nhẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hay các tổ chức quốc tế có thiện chí muốn giúp Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng. Với một thần kinh thép, Yun Jong-Yong đã mạnh dạn cắt giảm hơn một phần ba nhân viên của tập đoàn đang có với con số lên đến 24.000 người.
Sự cải tổ quyết liệt này đã thể hiện sự ảnh hưởng khá rõ của phong cách quản lý Âu-Mỹ đối với Yun Jong-Yong. Gần như phần lớn các “dàn” quản lý trung gian cũ đã bị Tổng giám đốc mới loại bỏ. Yun Jong-Yong là một người có lòng kiêu hãnh dân tộc cao. Thế nhưng không vì thế mà ông lại chối bỏ những cách làm hay nguồn lực bên ngoài có lợi cho tập đoàn Samsung mà ông là người điều hành cao nhất. Thay thế vào đội ngũ quản lý đông đúc bị sa thải là hàng trăm chuyên gia và cán bộ quản lý nước ngoài hay người Hàn Quốc đã từng làm ở Âu Mỹ được Yun Jong-Yong tuyển mộ từ nhiều nguồn khác nhau.
Sau gần hai năm chèo lái, với một đội ngũ nhân viên tinh nhuệ, Yun Jong-Yong đã đưa được con thuyền Samsung vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính với sức công phá ghê gớm.
Nếu không đi trước thì phải đi nhanh hơn đối thủ
Đó chính là triết lí kinh doanh mà Yun Jong-Yong rất tâm đắc trong sự nghiệp của mình. Và cũng chính nhờ vậy mà ông không những đã giúp Samsung thoát hiểm mà còn đưa tập đoàn đi hết từ thành công này đến thành công khác trong những năm gần đây.
Trước sự cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường, Yun Jong-Yong quyết tâm đề ra mục tiêu hễ trên thị trường có sản phảm mới nào thì Samsung cũng phải sản xuất ra được thứ đó và đồng thời phải sản xuất thật nhanh, thật nhiều như có thể. Yun Jong-Yong đã áp dụng hoàn hảo chiến lược “hớt phần ngọn” mà ông còn gọi là thuyết “sashimi” theo tên một món gỏi cá nổi tiếng của Nhật.
Theo đó, khi là một trong những nhà sản xuất đầu tiên thì Samsung sẽ hớt hết những khách hàng lắm tiền, chịu chơi, sẵn sàng mua ngay một sản phẩm mới hay một mẫu mã mới.
Giai đoạn “hớt phần ngọn” này có thời gian “sống” rất ngắn nhưng tỉ suất lợi nhuận thương mai lại vô cùng cao. Có thể gấp 2, gấp 3 hay hơn thế cho giai đoạn sau khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn, đồng thời đối tượng khách hàng cũng không phải là khách “sộp” như trước.
Có thể Samsung không phải là người nghĩ ra sản phẩm trước tiên nhưng Yun Jong-Yong muốn tập đoàn của ông phải là người nhanh chân tung ra thị trường sản phẩm đó với số lượng lớn. Rất nhiều đại gia trong các lĩnh vực điện thoại di động và điện tử dân dụng đã giật mình trước độc chiêu này của ông Tổng giám đốc Yun Jong-Yong.
Tuy cắt giảm rất nhiều nhân viên nhưng với hệ thống nghiên cứu phát triển sản phẩm thì ông tổng giám đốc rất chi li này lại không hề có ý tiết kiệm. Ngược lại việc đầu tư, cả về con người và phương tiện, cho nghiên cứu phát triển sản phẩm rất được chú trọng. Yun Jong-Yong còn chủ động xây dựng mạng lưới nhân viên chuyên khai thác thông tin về sản phẩm của đối thủ, một dạng như tình báo công nghiệp.
Bản thân Yun Jong - Yong đã có lần trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu mô hình quản trị, điều hành của General Electrics, tập đoàn lớn nhất thế giới của Mỹ, chuyên về đồ điện và điện tử gia dụng.
Khi đã bắt chước hay hoàn thiện xong một sản phẩm mới, Yun Jong-Yong cho sản xuất đại trà ngay lập tức với số lượng lớn và trong thời gian thật nhanh. Có thể nói đây là một sự táo bạo đến liều lĩnh của Yun Jong-Yong nhưng đồng thời cũng chính là bí quyết thành công quan trọng nhất của Samsung. Các nhà sản xuất khác thường chỉ sản xuất thử để thăm dò thị trường trước khi sản xuất đại trà nhưng Samsung thì không vậy. Ông Tổng giám đốc Yun Jong-Yong đã hạ lệnh tất cả các xưởng sản xuất của Samsung hoạt động hết tốc lực ngày đêm cả 7 ngày của tuần để hớt hết các khách “sộp” chịu chơi trên thị trường.
Thực ra, kiểu kinh doanh “hớt phần ngọn” này đã được Yun Jong-Yong thực hiện ngay trong giai đoạn đầu nóng bỏng nhất của thời kỳ khủng hoảng tài chính. Khi đó tất cả các tập đoàn, công ty đều khát tiền mặt, mà hàng lại ế. Yun Jong- Yong đã rất quyết đoán, đi tiên phong trong việc hạ giá đột ngột các sản phẩm của mình. Chỉ vì nhanh hơn các đối thủ mà Yun Jong-Yong đã thu về 2 tỉ Euro tiền mặt giải nguy cho tập đoàn.
Đưa Samsung trở thành một thương hiệu cấp cao
Tài năng điều hành của Yun Jong-Yong được công nhận không chỉ vì những kết quả kinh doanh vượt trội của Samsung dưới sự chèo lái của ông. Yun Jong-Yong còn được đánh giá rất cao và ngưỡng mộ trong giới quản lý bởi vì ông đã có công lớn trong việc xây dựng thương hiệu.
Từ vị trí thường thường bậc trung, Samsung đã dần leo lên được vị trí những thương hiệu có đẳng cấp cao. Sự thua kém của điện thoại Motorola, điện thoại Siemens, sự chấp nhận của Sony khi bị vượt mặt đối với các sản phẩm màn hình LCD, màn hình tinh thể lỏng hay đầu đĩa DVD là những ví dụ tiêu biểu nhất minh chứng cho điều đó.
Chính triết lí kinh doanh “hớt phần ngọn” của thuyết “sashimi” do Yun Jong-Yong khởi xướng và thực hiện thành công cũng là động lực quyết định để Samsung buộc phải xây dựng thương hiệu thuộc đẳng cấp cao. Giá các sản phẩm của Samsung không thuộc loại giá rẻ như nhiều người vẫn nghĩ trước kia.
Bên cạnh chất lượng ngang ngửa với các thương hiệu Nhật Bản hay Tây Âu thì sản phẩm Samsung còn có một lợi thế vượt trội. Đó là sự hấp dẫn của hình thức và kiểu dáng sản phẩm. Đó là sự phong phú và đa dạng của nhiều tiện ích và chức năng của sản phẩm. Không nhà sản xuất điện thoại di động nào lại có nhiều mẫu mã và thay đổi hình thức mẫu mã thường xuyên, nhanh chóng như Samsung.
Sự quyết liệt của Yun Jong-Yong thể hiện rất rõ ở cái cách mà Samsung quảng cáo cho thương hiệu của mình. Không chỉ quảng cáo rầm rộ, liên tục mà Samsung còn thường xuyên, đổi mới hình thức nội dung quảng cáo để gây chú ý, không nhàm chán. Sự trẻ trung, phong phú và đa màu sắc chính là phong cách và đặc trưng của sản phẩm Samsung. Samsung đã chinh phục thị trường Trung Quốc khổng lồ một cách ngoạn mục nhờ chính sách quảng cáo và xây dựng thương hiệu rất linh hoạt phù hợp với thị trường này.