Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Nghề mới - kinh doanh phần mềm
Nhóm lập trình viên của Công ty VNES đang say mê với công việc sáng tạo của mình |
Sáu tháng đầu năm 2005 có đến 380 công ty đăng ký kinh doanh ngành nghề phần mềm ra đời và con số này dự báo đến cuối năm sẽ là 500. Rất nhiều “ông chủ” doanh nghiệp (DN) phần mềm khởi nghiệp khi còn rất trẻ và vốn liếng ban đầu của họ chỉ là... lòng đam mê.
* Từ niềm đam mê của “ông chủ” trẻ
Lã Mạnh Cường - một chàng trai trẻ, từng làm lập trình viên cho một công ty Singapore trong thời gian khá dài. Khi thấy mình có chút “vốn liếng” kinh nghiệm làm phần mềm và kinh doanh phần mềm, Cường liền rủ một số “chiến hữu” khác cùng lập công ty riêng. Thế là cái bảng “Công ty TNHH giải pháp điện tử VN - VNES” được dựng lên không lâu sau ngày gửi hồ sơ xin thành lập công ty. Cường cho biết chi phí đầu tư ban đầu để lập một công ty phần mềm không quá nặng nề.
Văn phòng có thể thuê một căn nhà vừa túi tiền (hoặc tại các khu phần mềm tập trung), chi phí mua một số máy tính và chuẩn bị vài trăm triệu đồng để trả lương, duy trì hoạt động trong khoảng sáu tháng đầu tiên. Thế là đủ để “khai sinh” một công ty phần mềm và có cơ hội thử thách tài năng kinh doanh trên thương trường bằng tất cả niềm đam mê pha lẫn chút mạo hiểm của tuổi trẻ…
Hiện VNES chỉ mới có tám lập trình viên, còn tài sản lớn nhất của công ty là một số phần mềm, giá trị mỗi phần mềm ước định cũng được vài chục nghìn USD. Năm 2004 doanh số VNES được khoảng 900 triệu đồng và bắt đầu có chút lợi nhuận. Còn sáu tháng đầu năm 2005 doanh số đạt cỡ một nửa của năm 2004.
* Khó khăn và khả năng sống còn
VNES là một trong số hàng trăm DN phần mềm “mini” ra đời trong vài năm gần đây. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, từ 2001 đến nay có khoảng hơn 900 công ty đăng ký các ngành nghề liên quan đến kinh doanh phần mềm.
Một cuộc khảo sát trực tiếp 89/340 DN phần mềm đang hoạt động tại TP.HCM được các chuyên gia Hội Tin học TP.HCM tiến hành. Kết quả từ cuộc khảo sát này cho thấy có đến 54% số DN phần mềm được thành lập từ 2001-2004; DN thành lập trên năm năm chiếm 32%, trên 10 năm chiếm 11% và trên 15 năm chỉ có 3%.
Cũng theo phân tích từ kết quả cuộc khảo sát, tỉ lệ DN phần mềm “sống được” là 35% đối với DN trên 10 tuổi và 30% đối với DN trên 15 tuổi. Giới chuyên môn cho rằng từ những con số này cho thấy khả năng giữ vững thương hiệu và phát triển theo thời gian của DN phần mềm là không cao. Cần nâng tỉ lệ DN phần mềm “sống được” tại TP.HCM từ 30-35% lên 50%.
Cũng theo đánh giá của ông Trần Lạc Hồng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, đa số DN phần mềm có thể khẳng định sự thành công ban đầu và điều này thể hiện qua con số 42% DN phần mềm được khảo sát có doanh thu cao hơn chi phí từ 10-30%. Tuy nhiên, chỉ có 13% DN phần mềm có doanh thu cao hơn chi phí từ 30-50%. Đây không phải là một tỉ lệ khích lệ và nó giải thích phần nào tình trạng chưa phát triển của thị trường phần mềm.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Hiền - giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ phần mềm TP.HCM (SSP) - cho rằng hiện chỉ có một số ít DN theo hướng nhận các đơn hàng gia công phần mềm xuất khẩu cho các nước mới sống tương đối khỏe. Nhưng các DN làm phần mềm để phục vụ thị trường nội địa thì đang khó khăn mọi bề, từ vốn đầu tư, kinh nghiệm thiết kế phần mềm, thị trường đầu ra…
QUỐC THANH