Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Ngành CNTT TP.HCM: Tạo thế và lực mới trong 2005
"Bước sang năm 2005, nhìn nhận lại thành quả đã đạt được trong 5 năm vừa qua của ngành Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin (BCVT-CNTT), có thể nhận thấy là ngành đã đạt được thế và lực mới, khác hẳn với tình hình ngổn ngang trước năm 2000".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM đã nêu nhận xét như trên trong buổi họp mặt giữa lãnh đạo UBND TP với giới BCVT-CNTT vào ngày 12/3.
Số doanh nghiệp tăng 9 lần sau 5 năm hoạt động
Thứ trưởng bộ BCVT đang trao đổi với các doanh nghiệp trong giờ giải lao tại buổi gặp mặt với giới BCVT&CNTT TP.
Trong giai đoạn từ 2000-2005, thành quả lớn nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực BCVT-CNTT là đã trở thành một quốc gia có khả năng cung ứng phần mềm và dịch vụ được thế giới chấp nhận. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi thị trường Việt Nam là điểm hẹn đầu tư lâu dài, góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam.
Riêng đối với TP HCM, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BCVT-CNTT ngày tăng gấp 9 lần so với thời điểm trước năm 2000, số người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này tăng từ 3-5 lần. Một số doanh nghiệp đã tăng tốc và mở rộng qui mô hoạt động, trở thành các doanh nghiệp đi đầu. Ngoài ra, cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn, trong đó có doanh nghiệp đạt được doanh số bình quân đầu người là 1,6 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, điều kiện hạ tầng cho việc phát triển BCVT-CNTT cũng có nhiều cải thiện đáng kể. Tại công viên phần mềm Quang Trung và toà cao ốc ETown, có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm việc, trong đó có hơn một nửa là công ty nước ngoài thuộc 15 nước đang hoạt động.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: "Nếu cách đây 5 năm, có rất nhiều hợp đồng bị từ chối vì công ty không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện thì đến nay, người lao động trong lĩnh vực công nghệ cao này đã tăng từ 3-5 lần". Dự kiến trong năm 2005, chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT định hướng cho thị trường phần mềm Nhật Bản cũng sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra, TP HCM cũng đã đầu tư xây dựng một trung tâm thiết kế điện tử vi mạch bằng phần mềm trị giá nửa triệu USD và chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong lần thăm và làm việc với phái đoàn Nhật mới đây, phía bạn cho biết là rất muốn đầu tư vào Việt Nam thay vì đầu tư vào Ấn Độ. Ngoài lý do là chi phí lao động thấp, còn là lý do Việt- Nhật có rất nhiều điểm tương đồng về văn hoá nên làm việc cùng, mối quan hệ đồng nghiệp gần gũi và thân thiết hơn.
Cần có những chương trình cụ thể
Trong năm 2005, chính phủ điện tử tuy còn mới mẻ nhưng đã bước đầu tạo nền tảng cho các hoạt động quản lý nhà nước. Trang thông tin Hochiminhcity của UBND TP có khoảng 7-8 triệu người truy cập mỗi tháng. Tuy nhiên theo nhận xét của một số chuyên gia, tiến độ triển khai các dự án CNTT tại TPHCM quá chậm so với yêu cầu, chưa đúng tầm và gây lãng phí. Đến nay, trong 34 dự án CNTT đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, mới có 1 dự án khởi công và 11 dự án có quyết định đầu tư. Ông Hoàng Quốc Lập, văn phòng ban chỉ đạo quốc gia CNTT tỏ ra e ngại: Từ góc độ quản lý nhà nước vẫn cho thấy, việc quản lý vẫn còn phân tán, manh mún và lúng túng trong việc triển khai các chương trình, dự án.
Tại buổi gặp mặt, có 17 tập thể và 17 cá nhân được Bộ BCVT và UBND TP trao tặng bằng khen do có những đóng góp cho sự phát triển CNTT TP. Trong ảnh: thứ trưởng Mai Liêm Trực đang trao bằng khen cho ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội tin học TP HCM.
Ông Chu Tiến Dũng, giám đốc công viên phát triển phần mềm Quang Trung bức xúc: Mặc dù bộ Bưu chính viễn thông có chương trình hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu phần mềm với Nhật Bản, tuy nhiên cần phải có chính sách cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, với chương trình đào tạo kỹ sư CNTT và xuất khẩu Nhật Bản, khoản tiền để chi phí cho việc học là rất lớn, vì vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với hình thức cho vay và trả sau như quỹ xuất khẩu lao động đã làm.
TP cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT bằng cách đào tạo các kiến thức về quản trị cho giám đốc các doanh nghiệp IT. Chẳng hạn trong chương trình 3000 giám đốc, dành khoảng 300-500 suất cho giám đốc các doanh nghiệp IT.
Ngoài ra, các qui định bất hợp lý về tỷ lệ nguồn nhân lực là người nước ngoài chỉ được chiếm 3% trong các công ty có vốn 100% nước ngoài cũng cần được thay đổi. Do đặc trưng của ngành CNTT là có trình độ công nghệ khá cao, một số vị trí người Việt không thể tự đảm nhận nên gây ra không ít khó khăn về nguồn nhân lực cho các công ty. Vì vậy các công ty này hoặc phải đau khổ lách luật hoặc vi phạm luật.
Việc hỗ trợ xúc tiến, cũng cần có sự cụ thể hơn. Cách hỗ trợ 50% kinh phí để đưa các doanh nghiệp đi tham quan nước ngoài như hiện nay tỏ ra không hiệu quả và thiếu tính chủ động.Vì vậy ông Dũng đề nghị: Cần thiết sẽ để công ty tự xây dựng chương trình xúc tiến, có sự lựa chọn tốt nhất để hỗ trợ.
Ông Lê Bá Quang, hội tin học TP cũng cho rằng: Mặc dù việc điều tra khảo sát hiện trạng phát triển CNTT đã có nhiều đơn vị tiến hành, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, kết quả vẫn chưa đạt được. Vì vậy Sở BCVT cần có kế hoạch mục tiêu rõ ràng trong việc điều tra để sớm biến thông tin thành tài sản chung.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc công viên phần mềm Sài Gòn cho biết: Các doanh nghiệp phần mềm đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn. Chẳng hạn để tái sản xuất phần mềm, trung bình công ty phải đầu tư cho nguồn nhân lực là 45 USD/đầu người/ngày. Trong khi đó, nạn vi phạm bản quyền vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam, thông tin sản phẩm làm ra không đến được người cần, nếu không có sự tiếp sức của nhà nước, doanh nghiệp sẽ hụt hơi vì thiếu vốn.
GS TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP cũng cho rằng: không hề thấy tên CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, điều này khiến cho nhiều người không biết được ai làm công tác quản lý CNTT. Vì vậy ông đề nghị tổ chức nào quản lý về CNTT, chẳng hạn như sở BCVT, cần đưa CNTT thành tên chính thức là Sở BCVT-CNTT.