Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Nền Linux châu Á đầu tiên chính thức ra mắt
Chuẩn Asianux đã được công bố tại hội nghị Oracle Open World Thượng Hải do Oracle tổ chức tuần qua ở Trung Quốc. Phiên bản 1.0 và một bản 64 bit dành cho thiết bị xử lý Itanium II của Intel sắp tung ra vào tháng 8 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về Linux ở châu Á.
Oracle, hiện có thị phần Linux lớn nhất toàn cầu với 69%, khẳng định hỗ trợ để Asianux trở thành chuẩn đầu tiên cho khu vực và hãng phần mềm doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã phát triển một loạt ứng dụng khác nhau cho Asianux 1.0.
Asianux là một nền điều hành Linux do hai hãng Red Flag (Trung Quốc) và Miracle (Nhật Bản) phát triển. Chuẩn này đã được Oracle chính thức đưa vào chương trình hỗ trợ mang tên Unbreakable Linux của họ để trở thành môi trường điều hành server Linux đầu tiên của châu Á nhận được sự xác nhận và hỗ trợ toàn bộ.
Asianux là một dự án đầy tham vọng như cái tên của nó thể hiện. Tuy nhiên, do bản chất mã mở của Linux nên cũng có thể diễn ra 2 khả năng. Một là Asianux sẽ mở rộng thêm bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Trung và Nhật hiện nay. Hai là các nước châu Á khác cũng có thể độc lập hoặc liên kết phát triển những chuẩn Linux riêng. Trao đổi với VnExpress về điều này, Leigh Warren, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực Linux khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Oracle, cho rằng hướng thứ nhất có khả năng hơn vì sắp tới sẽ có thêm Hàn Quốc tham gia. “Với khả năng thứ hai, tôi không cho rằng sự xuất hiện thêm nhiều phiên bản Linux khác sẽ dẫn đến một cuộc chiến về chuẩn mã mở ở khu vực trong tương lai”, Warren nói. “Dù thế nào thì các doanh nghiệp vẫn biết lựa chọn môi trường nào tiện lợi nhất cho họ”.
Phần mềm mang biểu tượng chim cánh cụt đang mở rộng ảnh hưởng rất nhanh tại châu Á nhờ thế mạnh chi phí thấp và sự chấp nhận của chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Charles Phillips, Chủ tịch Oracle, khẳng định: “Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dẫn đầu thế giới về mức độ chấp nhận Linux”. Theo vị lãnh đạo này, từ vài năm trở lại đây, Linux đã có đà phát triển tại châu Á và Asianux là dấu mốc cho sự chín muồi của nó tại khu vực. Về việc Chủ tịch Bill Gates và Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft gần đây phải liên tục có các chuyến công du châu Á để đối phó với sự bành trướng của Linux, người đứng đầu Oracle nói vui: “Các quan chức của Microsoft hiện nay tuần nào cũng bay tới châu Á thì giờ đây họ sẽ còn bận rộn hơn nữa và thậm chí sáng nào cũng phải đến”.
Theo dự báo của IDC, đến năm 2008, Linux sẽ tạo ra doanh thu ít nhất là 200 triệu USD tại châu Á - Thái Bình Dương, tức là gấp 30 lần so với năm ngoái. Ngoài Oracle hiện là công ty duy nhất dành sự hỗ trợ toàn bộ cho Linux, sắp tới sẽ có thêm nhiều tên tuổi lớn khác của cộng đồng công nghệ thế giới tham gia, trong đó có AMD, Dell, HP, NEC và Sun Microsystems.
Liên quan đến hội nghị Oracle Open World Thượng Hải, nhà cung cấp giải pháp cơ sở dữ liệu số 1 thế giới đã trình làng gói ứng dụng “E-Business Suit Special Edition” dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Điểm đáng chú ý ở đây là thời gian triển khai được rút ngắn đáng kể, từ 10 đến 40 ngày, bên cạnh chi phí thấp và những tính năng địa phương hóa.
Trong xu thế phổ biến công nghệ chip phát sóng radio RFID, Oracle cũng công bố một số dự án ban đầu tại châu Á - Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tích hợp nhanh thông tin dựa trên công nghệ này vào hệ thống dữ liệu. Sundar Srinivasan, Giám đốc phụ trách lĩnh vực RFID của Oracle, cho VnExpress biết một trong những chương trình chủ đạo của họ trong lĩnh vực này là xác định và phát triển những mô hình phức tạp có hỗ trợ RFID cho các cơ quan chính phủ và những ngành công nghiệp then chốt.