Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Năm Ất Dậu: Máy tính Việt Nam có gì mới?
Năm 2004, chương trình phổ cập tin học nối mạng tri thức đã giúp các nhà sản xuất máy tính trong nước tiêu thụ được hơn chục ngàn chiếc máy tính Thánh Gióng, và bước đầu đã tạo được một mặt bằng giá bán lẻ.
Liệu năm 2005 có sự đột phá nào về công nghệ, sản xuất linh kiện cũng như giá cả mặt hàng máy tính. Nhận định của một số nhà sản xuất máy tính trong nước về cục diện thị trường năm Ất Dậu.
Thánh Gióng "cứu cánh" bán lẻ!
Ông Nguyễn Phước Hải, Giám đốc công ty máy tính CMS, đã khẳng định như vậy với Vietnamnet: 'Kết quả kinh doanh năm vừa qua của CMS, nhìn chung không đạt được hoàn toàn như kỳ vọng từ đầu năm là 40.000 chiếc. Trong năm 2004, công ty đã đưa ra thị trường 30.000 chiếc máy tính, trong đó có khoảng 8.000 máy tính Thánh Gióng. Năm 2004, máy tính Thánh Gióng thực sự là cứu cánh cho mảng bán lẻ, nhu cầu bán máy tính Thánh Gióng gần như đồng đều ở cả hai miền. Năm đầu tiên, đến tuần cuối cùng của tháng 12, CMS vẫn tiếp tục sản xuất máy tính cho bán lẻ. Trong khi đó, mọi năm, đến tháng 12, nhu cầu bán lẻ của các đại không nhiều và chủ yếu sản xuất phục vụ dự án là chính. Năm nay, gần đến tết âm lịch, vẫn tiếp tục chuyển hàng giữa hai miền Nam Bắc, với số lượng hàng trăm chiếc mỗi tuần'.
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường máy tính Thánh gióng đã tạo nên mặt bằng giá cả sản phẩm, điều mà chưa bao giờ có trong thị trường Công nghệ thông tin (CNTT) đặc biệt là thị trường bán lẻ. Trước đây các sở tài chính vật giá thường lấy 3-4 báo giá thẩm định, thì bây giờ một trong những thông tin thẩm định máy tính là giá máy tính Thánh Gióng. Đây được coi là bước lành mạnh hóa trong vấn đề giá cả với người tiêu dùng, cấu hình máy tính Thánh Gióng sẽ giúp người dùng làm phép so sánh tương đối khi mua máy tính trên thị trường.
Ông Trần Nhật Quang, Giám đốc công ty máy tính Elead cho biết: 'Doanh số máy tính Elead năm 2004 vào khoảng 18 triệu USD, trong đó máy tính Thánh Gióng chiếm khoảng 20%. Đây cũng là một thành công đáng kể, vì lần đầu tiên chúng tôi bán được 2 dòng máy chuẩn với số lượng lớn đến như vậy. Phần lớn máy tính Việt Nam đều sản xuất theo đơn đặt hàng, nên rất khó giảm giá thành. Chương trình Thánh Gióng đã giúp chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt và giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển và bảo hành. Tuy nhiên theo dự tính của liên minh thì con số này chưa phải là đạt kế hoạch'.
Sản xuất linh kiện - khởi đầu khó khăn
Về khả năng mở rộng dây chuyền cũng như việc sản xuất linh kiện máy tính ông Hải cho biết: '2005, CMS không mở rộng dây chuyền mà sẽ xây dựng nhà máy sản xuất mới, dự kiến ở khu Sài Đồng. CMS không có định hướng tự sản xuất linh kiện máy tính, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Định hướng của CMS là sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa theo hai hướng: phần cứng và phần mềm. Về phần cứng, CMS cộng tác với các đơn vị có khả năng sản xuất, hiện tại với LG là một hợp tác OEM, riêng nguồn, case, chuột và bàn phím đang làm việc với các hãng nội địa và đã có một số thử nghiệm. Về phần mềm, hiện tại vẫn đang làm việc với các công ty phần mềm nội địa để cài đặt sẵn các phần mềm trên máy tính xuất xưởng. Tuy nhiên, hướng phần mềm vẫn còn khó khăn nên CMS cũng đang hướng đến thị trường dịch vụ. Cung cấp các gói dịch vụ cho khách hàng như tăng bảo hành, bảo hành tại địa phương, tại chỗ'.
'Có rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất vật phụ liệu cho lắp ráp máy tính hiện nay. Quy mô đầu tư rất lớn và khó khăn về công nghệ cũng như đổi mới mẫu mã là những thách thức chính. Bên cạnh đó, doanh số nội địa thấp, cũng là một khó khăn và không phải dễ dàng để thuyết phục các nhà sản xuất trong nước khác mua hàng. Hơn nữa, việc bán sản phẩm ra thị trường thế giới lại càng khó khăn hơn nhiều. Việc đầu tư cho sản xuất linh kiện máy tính lên tới nhiều triệu USD, với 2-4 tỷ đồng Việt Nam thì khó có thể làm được', ông Hải giải thích.
Theo ông Hải, việc sản xuất linh kiện nên dành cho các công ty chuyên nghiệp hơn và trong trường hợp này cũng tránh được cú vấp của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Câu chuyện của Acer, cách đây vài năm đã từng sản xuất hầu như tất cả các linh kiện trừ ổ cứng và CPU, sau đó cũng phải tách ra thành các công ty sản xuất độc lập. Nếu muốn sản xuất linh kiện thì cần phải có sự hợp tác với các công ty nước ngoài hàng đầu về công nghệ và kỹ năng sản xuất.
Trong khi đó, Elead cho biết: Họ chưa có nhu cầu mở rộng dây chuyền sản xuất (năng lực dây chuyền sản xuất hiện tại của Elead có công suất trên 200 ngàn bộ 1 năm). Việc đầu tư vào hướng sản xuất một số mặt hàng linh phụ kiện cho máy tính như màn hình (CRT, LCD), Loa, bàn phím và keyboard cũng đang nằm trong dự kiến 2005 của Elead.
Còn nhóm các công ty máy tính G6 thì cho hay trong năm 2005 sẽ chuẩn hóa dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, theo công ty máy tính Hà Nội, thì họ cũng chưa có kế hoạch trong việc sản xuất linh kiện phụ tùng cho máy tính.
2005: Máy tính sẽ không rẻ
Theo ông Hải, giá của máy tính để bàn trong năm 2005 dường như ít có khả năng giảm mạnh như năm trước. Ông phân tích: 'Năm ngoái, mức giảm mạnh chủ yếu về màn hình và ổ cứng (ổ cứng giảm dưới 50USD), các thiết bị khác như Ram, ổ mềm và mainboard có giảm chút ít. Năm nay, do áp dụng công nghệ mới, dự kiến nhiệt độ sẽ tăng hơn nữa, nên giá case sẽ cao. Trong khi đó CPU sẽ không giảm giá đáng kể, (vì Intel khó có thể giảm giá CPU dưới 30 USD) và ổ cứng thì càng không thể giảm (vì trong thời gian qua các hãng đã đua nhau giảm giá và tăng thời hạn bảo hành). Các thiết bị khác cũng khó giảm, Ram sẽ thay từ 128 MB lên 256 MB quy chuẩn nên giá có dao động chút ít, còn chuột, bàn phím và ổ mềm thì không giảm (vì nếu giảm nữa thì không thể sản xuất được)'.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, máy tính xách tay (notebook) sẽ có chiều hướng giảm giá mạnh. Bởi vì khả năng tích hợp rất nhiều thứ trên mainboard của Intel sẽ tăng lên và xu hướng thành lập một liên minh (consortium) nhằm đưa ra một tiêu chuẩn chung cho máy tính xách tay. Hiện nay, linh kiện để lắp ráp notebook của mỗi hãng có chuẩn khác nhau, không thể lắp ráp lẫn cho nhau được do đó chi phí sản xuất rất cao. Vì thế, nếu có một chuẩn chung, thì các hãng có thể dùng lẫn linh kiện của nhau, nhờ đó có thể sản xuất với số lượng lớn và giảm giá thành. Với mức giá thấp dưới 700-800 USD sẽ tạo được mức độ phổ cập và sử dụng tại thị trường Việt Nam. Mức giá dưới 1.000 USD/một chiếc cũng làm cho số lượng notebook bán ra ở các thị trường châu Âu, Mỹ vượt cả số lượng máy tính để bàn.
Thị trường tăng trưởng 16%
Elead cho biết, trong năm 2005 công ty này sẽ tung ra thị trường các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí gia đình và các phần mềm chơi Games phức tạp. Chương trình Thánh Gióng giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào tháng 2, trong giai đoạn này sẽ có từ 2 đến 3 dòng máy tính Thánh Gióng mới, với cấu hình cao hơn đáng kể so với các cấu hình M525 và M626 trong giai đoạn 1.
Nhận định về thị trường máy tính năm Ất Dậu, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc công ty Máy tính Hà Nội cho hay: 'Năm 2005 sẽ là năm bùng nổ về các loại máy tính thương hiệu, nhất là các máy tính thương hiệu giá rẻ. Thị trường sẽ có những cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá và dịch vụ để giành khách hàng và thị phần. Các doanh nghiệp không có máy tính thương hiệu nổi tiếng sẽ rất khó cạnh tranh và bán được hàng. Đặc biệt, 2005 sẽ là năm cạnh tranh gay gắt nhất về giá cả. Về công nghệ, các sản phẩm MP3, máy ảnh số sẽ lên ngôi'.
Theo ông Quang: 'Nếu không có gì đặc biệt xảy ra thì thị trường máy tính năm nay sẽ tăng trưởng vào khoảng 16%. Dự báo, nếu Microsoft và Intel tung ra các công nghệ mới, và các công ty kinh doanh Games Online tiếp thị thành công thì có thể kỳ vọng vào mức phát triển mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể lên đến 30%'.