Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Năm 2005: Việt Nam phấn đấu đạt 2 tỷ USD doanh thu CNTT&TT
Hội nghị bàn tròn lần thứ tư trong loạt Hội thảo Bàn tròn đa bên về 'Mở đường tới Chiến lược Phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) của Việt Nam' do Bộ Bưu chính - Viễn thông và UNDP phối hợp tổ chức đã chính thức nhóm họp lần cuối vào sáng nay (18/12) nhằm hoàn chỉnh 'Chiến lược quốc gia về CNTT&TT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020'. Dự thảo Chiến lược do Viện Chiến lược BCVT&CNTT (NIPTS) trình bày đặt mục tiêu đến năm 2005, Việt Nam sẽ đạt mức trung bình trong khu vực ASEAN về phát triển và ứng dụng CNTT&TT. Theo đó, 70% doanh nghiệp được ứng dụng CNTT&TT trong các hoạt động quản lý, cung ứng, tiếp thị và giao dịch qua mạng; Công nghiệp CNTT&TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng 25-30%, tổng doanh thu công nghiệp CNTT&TT đạt khoảng 2 tỷ USD, máy tính cá nhân thương hiệu Việt Nam đáp ứng trên 90% nhu cầu trong nước; Tất cả các tỉnh thành được kết nối bằng các tuyến cáp quang băng rộng, 100% số xã trên toàn quốc có điện thoại, mật độ điện thoại 13 máy/100 dân, tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 7,5%; mỗi năm đào tạo CNTT&TT chuyên ngành cho 2.000-3.000 cán bộ, kỹ sư, sinh viên, khoảng 50% công chức nhà nước được đào tạo tin học cơ bản. 10 dự án ưu tiên trong thời gian tới: 1. Dự án 1 triệu máy tính cá nhân giá rẻ cho cộng đồng 2. Dự án xoá mù tin học cho 20 triệu người dân 3. Dự án đào tạo, bồi dưỡng 1.000 cán bộ lãnh đạo phụ trách CNTT&TT (CIO) 4. Dự án chứng minh thư điện tử cho toàn dân 5. Dự án thúc đẩy 50% doanh nghiệp ứng dụng CNTT&TT để nâng cao năng lực cạnh tranh 6. Dự án 100% trường trung học sử dụng Internet 7. Dự án điện tử hoá 50% văn bản nhà nước 8. Dự án 1 triệu trang thông tin điện tử phục vụ công ích 9. Dự án 50% dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến 10. Dự án 30.000 chuyên gia CNTT&TT. (Trích dự thảo Chiến lược phát triển CNTT&TT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020). Bản dự thảo cũng đưa ra định hướng ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam theo 4 giai đoạn: hiện diện, tương tác, giao dịch và tích hợp. Hoàn thiện giai đoạn 1 (2004-2005), hầu hết các cơ quan trung ương, tỉnh thành phố có trang web cung cấp thông tin cho người dân, hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, tiến hành tin học hoá 50% các dịch vụ cơ bản có thể tin học hoá và 10% giao dịch của các ngành kinh tế được thực hiện qua mạng; Phát triển các điểm truy cập Internet công cộng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân giao tiếp và khai thác thông tin của Chính phủ. Theo các chuyên gia tại Hội thảo, Bản dự thảo Chiến lược đã bao quát được toàn bộ các nội dung liên quan đến CNTT&TT và đã cơ bản phản ánh được tình hình phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam. Chủ trương đưa CNTT về nông thôn thông qua hệ thống hơn 6.000 điểm bưu điện văn hoá xã và đưa Internet vào trường học đã được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được các dự án trọng điểm trong thời gian tới cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương có liên quan. Nhằm thống nhất quản lý và chỉ đạo thực hiện Chiến lược, dự kiến sẽ thành lập cơ quan điều phối quốc gia về CNTT&TT do Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đề xuất thành lập các sở Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin ở các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện quản lý nhà nước về BCVT - CNTT và thúc đẩy ứng dụng CNTT&TT ở các địa phương. Hiệp hội những người sử dụng CNT&TT đã được khuyến khích thành lập làm công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về vai trò, tác dụng của CNTT&TT trong phát triển xã hội, tham gia xây dựng và giám sát thực hiện chính sách, luật lệ CNTT&TT.