Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Muốn gửi e-mail phải mua tem

Theo Chủ tịch Microsoft, Bill Gates, đó có thể là một trong những giải pháp tốt để chống thư rác. Ông lý giải rằng giả sử bưu điện Mỹ phát thư miễn phí thì hộp thư trước cửa mỗi gia đình chắc bây giờ cũng ngập đầy những thông điệp quảng cáo đủ mọi thể loại.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích Internet lo ngại rằng việc biến thư điện tử thành một công cụ có tính thương mại sẽ làm phương hại đến giá trị của nó trong quá trình dân chủ hóa thông tin liên lạc. Tuy nhiên, hãy thử làm một phép toán sau: nếu bưu phí được tính khoảng 1 cent/thư thì điều này sẽ không làm sứt mẻ gì nhiều túi tiền của những người mà mỗi ngày chỉ gửi vài e-mail, nhưng sẽ lại là cả một vấn đề đối với spammer, những kẻ phát tán tới hàng triệu thông điệp quảng cáo mỗi ngày.

Mặc dù đề xuất thu phí e-mail nhiều năm qua vẫn chỉ nằm trong phạm vi những cuộc thảo luận hạn chế, một nhóm công tác đặc biệt tại Trung tâm nghiên cứu của Microsoft vẫn âm thầm tìm hiểu tính khả thi của giải pháp từ năm 2001. Gates đã thổi thêm vào ý tưởng này một động lực mới khi đưa ra tuyên bố trên tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) tháng giêng vừa qua. Chi tiết về kế hoạch này được công bố tuần trước trong khuôn khổ một báo cáo về chiến lược chống spam của hãng phần mềm. Cụ thể, thay vì trả 1 cent, người gửi sẽ “mua” bưu phí dưới hình thức bỏ ra khoảng 10 giây trên máy tính để giải một câu đố toán học. Sự kiên nhẫn đối với bài tập này sẽ góp phần chứng minh thiện ý khi gửi thông điệp của những giao dịch không phải quảng cáo.

Thời gian là tiền bạc và những đối tượng gửi thư rác có lẽ sẽ phải mua thêm nhiều máy tính để giải cho đủ những câu đố này. Trên thực tế, một phần mềm mã mở có tên Hashcash đã xuất hiện từ năm 1997 với cách tiếp cận tương tự và đã được tích hợp vào một số công cụ chống spam như Camram, Spam Assassin…

Trong khi đó, hãng e-mail Goodmail Systems (Mỹ) đã liên hệ với Yahoo và một số nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử khác để bàn về giải pháp thu tiền. Goodmail biện luận rằng việc tính cước những đối tượng gửi nhiều thư với mức 1 cent/thông điệp thì mới cho đi qua các công cụ lọc spam và như thế chắc chắn sẽ tránh được sự trà trộn của những thư rác như hiện nay. Tất cả những điều trên nghe có vẻ rất ổn, nhưng liệu biện pháp này có hạn chế luôn cả những bức thư mà người nhận mong chờ?

Richard Gingras, Giám đốc điều hành Goodmail, cho rằng nên để mỗi cá nhân có quyền gửi một số lượng mail miễn phí nhất định, đồng thời giảm giá cho các tổ chức phi lợi nhuận. Một câu hỏi đặt ra bây giờ là đến chừng mực nào thì e-mail sẽ không còn có thể miễn phí? Ai sẽ là người điều tiết giá cước e-mail khi nó đã trở thành một thương phẩm?

Theo Vint Cerf, một trong những người sáng lập ra Internet, các spammer có đủ khả năng để khai thác bất cứ khe hở nào trong quy định về miễn phí nếu có. Ông nói: “Họ chỉ cần làm một điều đơn giản là thay đổi tên hộp thư của mình thường xuyên và nghiễm nhiên trở thành người chưa gửi thư lần nào”. Vậy ai có thể bỏ tiền ra xây dựng và duy trì một hệ thống chuyên theo dõi và phát hiện điều này? Rồi cả tiền để bảo vệ chính cái hệ thống theo dõi ấy trước các cuộc tấn công của hacker, virus và lừa đảo?

Vấn đề tiếp theo là khả năng thanh toán. Đề xuất thu phí là của Mỹ, một cường quốc công nghệ và là quốc gia giàu có. Với họ, 1 cent có thể không là gì nhưng con số ấy nếu quy đổi ra giá trị những đồng tiền của nhiều nước đang phát triển khác đang sử dụng e-mail trên Internet thì lại là cả một vấn đề. John Patrick, cựu phó chủ tịch phụ trách công nghệ Internet của IBM, phân tích: “Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến gần nửa tỷ người có điều kiện kinh tế sung túc đang hằng ngày sử dụng e-mail. Cần phải tính tới 5-6 tỷ người còn lại rồi đây cũng sẽ dùng công cụ này”.

Ngoài những ý tưởng trên, còn có đề xuất cho rằng nên để người nhận thư quyết định mức cước mà người gửi phải trả. Ví dụ, một anh sinh viên sẽ có thể đồng ý nhận thư với 1 cent trong khi một doanh nhân có thể bắt người gửi nộp 1 USD nếu muốn bức thư chui vào máy của ông ta.

Bà Sonia Arrison, chuyên gia của hãng khảo sát Pacific Research, thì cho rằng trên thị trường nói chung, cứ cái gì vừa nhanh vừa hiệu quả mà tất cả mọi người đều muốn thì lập tức giá của nó sẽ tăng. Điều đó tất yếu cũng sẽ xảy ra nếu e-mail trở thành mặt hàng có giá.

Tuy nhiên, Arrison khẳng định sẽ rất khó khi thuyết phục cả cộng đồng người sử dụng trả phí cho một thứ mà họ đã quá quen dùng không mất tiền, dù là tiền mặt hay bất cứ hình thức nào khác có thể làm chậm tốc độ liên lạc.

Những người phản đối ý tưởng thu tiền thì cho rằng còn có những giải pháp khác hứa hẹn hơn, chẳng hạn như nâng cấp công cụ xác thực danh tính người gửi và áp dụng những chế tài pháp luật nghiêm hơn nữa để răn đe giới spammer. Ý kiến của nhóm này thống nhất với một kết luận rằng: hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước từng có một số hệ thống dịch vụ e-mail ở Mỹ thu phí tới 10 cent/thư. Và tất cả những dịch vụ này đều đã sập tiệm.

Các tin tức khác:

Nhật Bản: Tin tặc gây thiệt hại 400.000USD cho một website

Khái quát về kết nối ADSL

Doanh nghiệp khoái Firefox

Toàn cảnh máy vi tính năm 2005

D32 cập nhật virus mới như Pesin.b.worm.W32, StartPage.cl.v2.trj.W32...

Virus vũ trụ tấn công máy tính trái đất?

Phần mềm firewall miễn phí tin cậy cho máy tính

Khởi động giải thưởng sáng tạo KHCN VN 2005

Nguy cơ tấn công DoS mới trong Windows

Năm 2005 sẽ có thư viện điện tử lớn nhất Việt Nam

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone